Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
VN-Index thử thách trước ngưỡng 1.300 điểm
Thanh Thủy - 23/07/2021 09:18
 
Dù thanh khoản nhích tăng, dòng tiền vẫn khá thận trọng. Lực cầu mua lên chưa thực sự mạnh, nhưng bên bán cũng chưa vội "chốt lời" dù cổ phiếu giá rẻ phiên đầu tuần đã về tài khoản.

Sắc xanh áp đảo, VN-Index tiến gần mốc 1.300 điểm

Dù giằng co nhẹ ở thời điểm đầu phiên giao dịch ngày 22/7, sắc xanh đã sớm trở lại áp đảo ngay sau. VN-Index đóng cửa tăng 22,88 điểm (+1,8%) lên 1.293,67 điểm. HNX-Index tăng 5,17 điểm (+1,72%) lên 305,97 điểm. Chỉ số sàn UPCoM cũng tăng 1,51% lên 85,57 điểm. Cùng với xu hướng tăng của chỉ số chung, số lượng mã cổ phiếu tăng giá cũng chiếm ưu thế. Trên ba sàn, có tới 43 cổ phiếu tăng kịch biên độ cùng 567 cổ phiếu tăng giá, áp đảo hẳn số mã chứng khoán giảm giá (175) và giảm sàn (19).

Tại sàn HoSE, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ giao dịch dịch nổi trội hơn nhóm vốn hóa lớn. Trong khi VN30-Index đã tăng khá tích cực (+1,56%) với 29 cổ phiếu tăng giá và duy nhất một cổ phiếu đứng giá tham chiếu, VNMid-Index và VNSML-Index tăng lần lượt 2,45% và 1,96%.

Dòng cổ phiếu địa ốc thu hút dòng tiền đầu tư. Nhiều cổ phiếu bất động sản quy mô vừa tăng kịch trần như SCR, KDH hay CRE. Cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vốn hóa lớn như Vingroup, VinHome, Novaland cũng tăng quanh khoảng 2%.

VHM tăng tới 2,75% và là cổ phiếu kéo VN-Index tăng điểm nhiều nhất. Vinhomes cũng đã vượt qua Vingroup, đứng vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng các tổ chức niêm yết có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn. Ngoài nhóm bất động sản, sự hồi phục của cổ phiếu ngân hàng lớn gồm VCB, CTG và TCB cũng đóng góp vào sức tăng của chỉ số chung. Trên sàn HNX, SHB trở lại “cầm trịch” đà tăng của chỉ số, trong khi vừa là “tội đồ” kéo chỉ số giảm phiên hôm qua.

Phiên tăng điểm diễn ra khi một lượng lớn cổ phiếu giá rẻ mua vào trong thứ Hai vừa về tài khoản của nhà đầu tư và đã có thể “chốt lời”. Giá nhiều cổ phiếu được hỗ trợ tích cực bởi thông tin kết quả kinh doanh quý II khi hoạt động của doanh nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao so với mức nền thấp cùng kỳ năm 2020 – thời điểm kinh doanh bị đình trệ vì làn sóng Covid đầu tiên.  

Cùng đó, thông báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết không phát sinh ổ dịch mới trên địa bàn thành phố đã góp phần tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư. Dù vậy, diễn biến dịch Covid-19 trên cả nước vẫn còn phức tạp với số ca nhiễm mới trong ngày 22/7 lại xác lập kỷ lục (6.194 ca mắc mới) và tiếp tục ở mức cao sáng 23/7 (3.898 ca mới).

Theo đánh giá của Chứng khoán MB, việc VN-Index đóng cửa cao nhất 4 phiên vừa qua giúp chỉ số này củng cố vùng đáy mới sau nhịp giảm. SHS cũng cho rằng VN-Index đang tiến xa khỏi vùng hỗ trợ 1.210 - 1.261 điểm, nhờ đó đây có thể trở thành vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số trong ngắn hạn.

Sự thận trọng vẫn bao trùm, khối ngoại tiếp tục bán ròng chủ yếu ở VIC

Dù thị trường đã có một phiên hồi phục mạnh, thanh khoản vẫn là điểm trừ. Giá trị giao dịch trên ba sàn vượt 20.000 tỷ đồng. Thanh khoản đã nhích tăng nhẹ nhưng vẫn chưa thể trở về mốc 1 tỷ USD. Khối lượng giao dịch tuy có tăng so với phiên trước đó nhưng vẫn dưới mức bình quân 10 và 20 phiên. Trên toàn sàn, tiếp tục chỉ duy nhất HPG đạt được giá trị giao dịch trong ngày trên nghìn tỷ đồng.

Ở phiên 22/7, các nhà đầu tư ngoại tiếp tục lựa chọn bán ròng cổ phiếu Việt Nam, thu về 519 tỷ đồng. Trong đó, tương tự phiên liền trước, cổ phiếu VIC bị bán nhiều nhất (hơn 450 tỷ đồng) nhưng vẫn thông qua các giao dịch thỏa thuận.

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, dòng tiền khá thận trọng. SHS cho rằng, lực cầu mua lên chưa thực sự mạnh, tâm lý nhà đầu tư vẫn có sự thận trọng nhất định. Công ty chứng khoán này dự báo thị trường có thể tiếp tục hồi phục trong phiên giao dịch cuối tuần 23/7 với mục tiêu là ngưỡng kháng cự vừa mang tính tâm lý lẫn kỹ thuật quanh 1.300 điểm.  Xét ở góc độ phân tích kỹ thuật, MBS kỳ vọng một phiên tăng điểm tiếp theo sẽ đưa VN-Index lấy lại ngưỡng MA100 đi kèm với thanh khoản tăng nhẹ sẽ tạo nền vững cho vùng đáy mới.

Ở quan điểm có phần thận trọng hơn, Chứng khoán BIDV đánh giá thanh khoản thị trường suy yếu và dòng tiền đang chảy vào các mã cổ phiếu vừa và nhỏ có thể khiến VN-Index kiểm tra lại ngưỡng 1.300 điểm trong ngắn hạn trước khi xác lập xu hướng mới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư