Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 05 năm 2024,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần
VNG vẫn liên quan đến AI; Novaland làm thêm khu nghỉ dưỡng; Vinamilk có áo mới; VinFast bán xe đạp
Khánh An tổng hợp - 08/07/2023 10:34
 
Công ty Mua bán nợ báo lãi tăng 45%; Novaland đề xuất khu nghỉ dưỡng sân golf 396 ha tại Lâm Đồng; Tổng giám đốc Vinamilk sẵn sàng “tư duy lại”; VNG tiếp tục theo làn sóng công nghệ mới.

VNG tiếp tục đầu tư vào làn sóng công nghệ mới, dự án liên quan đến AI

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, VNG đặt mục tiêu lỗ 378 tỷ đồng, mức giảm đáng kể so với con số hơn 1 ngàn tỷ đồng năm trước. ĐHĐCĐ cũng tiến hành thông qua việc giữ lại nguồn tiền và không chia cổ tức cho năm 2022. 

Năm 2022, VNG đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu mới VNG Data Center

Lý do là nhu cầu đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh chiến lược và đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ, gồm: ví điện tử, cổng thanh toán; bản quyền trò chơi; dịch vụ đám mây; phát triển AI; xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm để tối ưu nguồn lực; và phục vụ phát triển bền vững, tăng trưởng của Công ty. 

Liên quan đến chiến lược đầu tư, Tổng giám đốc Lê Hồng Minh cho biết, sẽ vẫn là phát triển công nghệ.

Trong quá khứ, VNG từ nhà phát hành game nhỏ trở thành doanh nghiệp công nghệ hàng đầu. Các khoản đầu tư liên tục, dài hạn là mảng game. Kế đó là các mảng khác như nền tảng kết nối, ZaloPay, Zalo, được đầu tư với mục tiêu mang lại trải nghiệm công nghệ tốt nhất cho người dùng.

Trong 2023, VNZ sẽ tập trung đầu tư vào làn sóng công nghệ mới, dự án liên quan đến AI. Các dự án sẽ đòi hỏi sự kiên trì, nhưng VNZ tin rằng sẽ tốt đẹp sau này, Tổng giám đốc Minh tin tưởng.

Theo chiến lược phát triển kinh doanh năm 2023 được chia sẻ tại Đại hội, Công ty tiếp tục nâng cao năng lực công nghệ của các sản phẩm chủ lực, hướng đến mục tiêu “Go Global” và xác định Chuyển đổi số (Digital Business) là trọng tâm phát triển nhằm phục vụ khách hàng doanh nghiệp trong thời gian tới.

Từ năm 2023, bên cạnh ba trụ cột Trò chơi trực tuyến, Nền tảng kết nối (Zalo) và Fintech (ZaloPay), Chuyển đổi số (VNG Digital Business) trở thành mảng kinh doanh cốt lõi của VNG. Hiện nay, VNG Digital Business đang cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao dành cho khách hàng doanh nghiệp, bao gồm VNG Cloud (Điện toán đám mây), VNG Data Center (Trung tâm dữ liệu), vCloudcam (Camera thông minh), PRISM (Giải pháp quản lý hạ tầng thông minh), TrueID (Đơn vị phát triển ứng dụng định danh người dùng điện tử eKYC), Digital Business Security (Đơn vị cung cấp giải pháp bảo mật chuyên sâu).

Vinamilk “thay áo mới”, Tổng giám đốc sẵn sàng “tư duy lại”

CTCP Sữa Việt Nam công bố bộ nhận diện thương hiệu mới sau 47 năm, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ, phù hợp cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Bộ nhận diện thương hiệu mới của Vinamilk hướng tới thế hệ người dùng mới

Bộ nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam nằm trong kế hoạch nâng tầm thương hiệu với chiến lược và định vị mới, nhằm thể hiện rõ tính cách táo bạo, quyết tâm, luôn là chính mình, cũng như hướng tới nguồn năng lượng trẻ trung. 

Theo Tổng giám đốc Mai Kiều Liên, đây là nỗ lực tái định vị, đánh dấu bước đầu tiên của Công ty để hiện đại hóa trải nghiệm và tạo đà bứt tốc trong tương lai. 

“Tôi và tập thể Vinamilk luôn sẵn sàng tư duy lại mọi điều đã biết, mày mò những cách làm mới. Chỉ khi đó thương hiệu Vinamilk mới thực sự trường tồn, phản chiếu được năng lượng, niềm đam mê và tiềm năng của người Việt. Chặng đường kế tiếp đang mở ra để mỗi sản phẩm của Vinamilk luôn tiếp tục đồng hành cùng bạn và những người thương yêu của mình”, bà Mai Kiều Liên chia sẻ thêm.

Giám đốc điều hành của Vinamilk Nguyễn Quang Trí cũng cho biết việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu nhằm mục đích mang đến nguồn năng lượng mới, trẻ trung, để người tiêu dùng sẽ ngày càng tin tưởng Vinamilk, ngày càng phù hợp hơn với thế hệ người dùng mới.

Tuy nhiên, ông Trí nhấn mạnh dù hướng đến thế hệ mới, không có nghĩa Vinamilk sẽ bỏ rơi những khách hàng truyền thống trung thành. “Chúng tôi chỉ làm mới mình, thổi hồn trẻ trung cho thích hợp với thời đại, nhưng sẽ vẫn giữ lại di sản của Vinamilk”, trích lời ông Trí.

Novaland muốn đầu tư khu nghỉ dưỡng sân golf 396 ha tại Lâm Đồng, cam kết hoàn thành trong 2 năm 

CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va  (Novaland) đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép Công ty nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng dự án khu du lịch nghỉ dưỡng đa chức năng quốc tế kết hợp sân golf với tổng diện tích 396 ha.

Novaland cho biết, dự án có thể hoàn thành và đưa vào khai thác trong vòng hai năm kể từ ngày nhận được mặt bằng và đủ điều kiện thi công xây dựng.

Theo văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 26/06, Novaland đề xuất dự án tọa lạc tại hai huyện là Đức Trọng và Di Linh. Trong đó, phía Bắc giáp xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng; phía Nam giáp Quốc lộ 20; phía Tây giáp xã Tam Bổ, huyện Di Linh; phía Đông giáp xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng.

Quy mô của dự án dự kiến bao gồm: khu biệt thự nghỉ dưỡng, khu khách sạn cao cấp, khu công trình công cộng (cây xanh mặt nước, hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông) kết hợp đầu tư xây dựng các công trình thương mại, dịch vụ: sân golf, nhà hàng, các điểm checkin, các loại hình giải trí thể thao đa dạng... Mục đích dự án là nhằm phục vụ nhiều loại đối tượng khách hàng trong và ngoài nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lâm Đồng.

Novaland cho biết, dự án có thể hoàn thành và đưa vào khai thác trong vòng hai năm kể từ ngày nhận được mặt bằng và đủ điều kiện thi công xây dựng.

Sau khi nhận được đề xuất của Novaland, ngày 06/07, UBND tỉnh Lâm Đồng ra văn bản và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đức Trọng và Di Linh, cùng các sở, ngành liên quan nghiên cứu đề nghị của NVL, sau đó báo cáo về UBND trước ngày 30/07/2023.

Trước đề xuất dự án 396 ha này, NVL cũng đang trong quá trình xin cấp phép để thực hiện một dự án khác tại Lâm Đồng. Cụ thể, Novaland đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo ý tưởng quy hoạch dự án khu đô thị phức hợp du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí Cao nguyên Lâm Viên gửi về UBND tỉnh Lâm Đồng.

Dự án được Novaland đề xuất từ tháng 09/2022. Theo đề xuất ban đầu, dự án sẽ tọa lạc tại huyện Bảo Lâm, có quy mô khoảng 30.000 ha, tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ USD.

Mục tiêu đầu tư xây dựng khu phức hợp, hoàn chỉnh nhiều loại hình sản phẩm nhà ở, biệt thự du lịch, trung tâm thương mại, công viên cây xanh… với hạ tầng đồng bộ, đầy đủ tiện ích, góp phần nâng cao đời sống của người dân trong khu vực và phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Công ty Mua bán nợ báo lãi sau thuế 2022 tăng 45%, đạt hơn 260 tỷ đồng

Năm 2022, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thu về hơn 260 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 45% so với năm trước. Bên cạnh đó DATC còn duy trì vốn đầu tư tại 20 doanh nghiệp với tổng giá trị đầu tư hơn 604 tỷ đồng và trích lập dự phòng 54% cho khoản đầu tư này.

Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC)

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, DATC ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.699 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 260 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 45% so với năm 2021.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của DATC đạt hơn 28.966 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Trong đó phải thu ngắn hạn gần 11.065 tỷ đồng, gấp 2.8 lần và phải thu dài hạn hơn 14.700 tỷ đồng, giảm 27% so với đầu năm.

Trong báo cáo gửi Bộ Tài chính đánh giá về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cho biết Công ty đã báo cáo, kiến nghị giải pháp xử lý đối với các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao liên quan tới tái cơ cấu nợ của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC), hoàn thiện các hoạt động liên quan đến xử lý nợ, hỗ trợ cổ phần hóa Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam và các đơn vị thành viên, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu CTCP Thực phẩm Miền bắc thuộc Tổng công ty thuốc lá Việt Nam, thoái vốn tại Công ty Tập đoàn Haprosimex theo nghị quyết đã phê duyệt, qua đó đã góp phần nâng cao năng lực tài chính, phục hồi hoạt động của các đơn vị để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu theo đề án được Chính phủ phê duyệt gắn với việc thu hồi các khoản nợ của Chính phủ.

Về tình hình đầu tư tài chính, tính đến ngày 31/12/2022, DATC còn duy trì vốn đầu tư tại 20 doanh nghiệp với tổng giá trị đầu tư là 604.186 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư bằng hình thức chuyển nợ thành vốn góp tại 14 doanh nghiệp với số tiền gần 564.8 tỷ đồng (chiếm 93.48% tổng giá trị đầu tư), đầu tư trực tiếp bằng tiền mặt tại 3 doanh nghiệp với số tiền là 36.4 tỷ đồng (chiếm 6.02% tổng giá trị đầu tư), đầu tư theo hình thức khác tại 3 doanh nghiệp với số tiền hơn 3 tỷ đồng.

VinFast ra mắt xe đạp điện

VinFast đã ra mắt mẫu xe đạp trợ lực điện trong sự kiện diễn ra tại Hà Nội. Đây là phiên bản tiền thương mại của 1 trong 4 concept xe đạp điện từng được VinFast giới thiệu tại triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES 2023 diễn ra hồi tháng 1/2023 tại Mỹ.

Các mẫu xe đạp điện của VinFast

Theo công bố, kích thước dài x rộng x cao của xe lần lượt 1.695 x 690 x 1.040 mm, chiều cao yên 760 mm. Kích thước này nhỏ hơn một chút so với mẫu xe máy điện Evo200. Ngoại hình của xe mang thiết kế lạ mắt và có nhiều nét tương đồng với các mẫu xe máy mini như Honda MSX hay Monkey. Trọng lượng xe (bao gồm pin) là 32 kg và tải trọng tối đa 100 kg.

Xe đạp điện của VinFast được thiết kế với phần khung làm bằng nhôm. Đèn pha, đèn hậu đều dùng công nghệ LED. Trên ghi đông bên trái là màn hình điện tử có khả năng kết nối với điện thoại tương tự các mẫu xe máy điện. Ghi đông bên phải bố trí điều chỉnh ga khi chuyển sang chế độ chạy thuần điện.

Xe có hai chế độ vận hành, gồm đạp trợ lực hoặc hoàn toàn bằng điện. Để vận hành hoàn toàn bằng điện, người dùng chỉ cần điều chỉnh bằng ngón tay cái. Hộp số 1 cấp. Xe có tính năng cảm biến mô-men xoắn.

Xe có thể sẽ được mở bán tại Việt Nam, Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, hãng chưa công bố tên gọi chính thức và giá bán.

Vinamilk công bố nhận diện thương hiệu mới
Sau 47 năm, Vinamilk đang từng bước trở thành công ty thực phẩm hàng đầu, tiếp tục mở rộng sứ mệnh “chăm sóc” cốt lõi để phù hợp hơn cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư