Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
VNPT chốt sổ IPO
Hữu Tuấn - 22/09/2017 07:53
 
“Băng chuyền” quy trình cổ phần hoá Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) bắt đầu vào guồng quay chạy đua với thời gian để hoàn thành cổ phần hoá vào năm 2019.

VNPT sẽ IPO trong năm 2019

Đó là khẳng định của ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT khi trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư.

Theo ông Hùng, đến thời điểm hiện tại, VNPT đã thành lập Ban cổ phần hoá và yêu cầu các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn tiến hành thống kê, báo cáo. VNPT cũng vừa gửi phương án cơ cấu lại lên Bộ Thông tin và Truyền thông để Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Sau khi được phê duyệt phương án cơ cấu lại, VNPT mới tiến hành làm các thủ tục IPO theo luật định.

VNPT đang cố gắng hoàn thành mọi thủ tục để có thể IPO vào năm 2019. Ảnh: Đức Thanh
VNPT đang cố gắng hoàn thành mọi thủ tục để có thể IPO vào năm 2019. Ảnh: Đức Thanh

Trong phương án cơ cấu lại VNPT, 3 tổng công ty là VNPT VinaPhone (chuyên kinh doanh các sản phẩm dịch vụ viễn thông), VNPT Net (chuyên về hạ tầng mạng lưới) và VNPT Media (chuyên cung cấp về giá trị gia tăng và truyền thông) đã được tái cấu trúc xong và đi vào hoạt động ổn định, có hiệu quả. Hiện là thời điểm triển khai tái cấu trúc khối công nghiệp của VNPT.

Bước tiếp theo, VNPT đề xuất thành lập thêm một tổng công ty nữa, chuyên về công nghệ. Tổng công ty này không chỉ sản xuất sản phẩm phần cứng, mà cả phần mềm để thực hiện các nhiệm vụ lớn khác.

Sau hai năm tái cấu trúc, lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) của VNPT đã phát triển nhanh và mạnh ở nhiều lĩnh vực. Chỉ trong vòng hai năm, VNPT đã phát triển và triển khai cung cấp các phần mềm ứng dụng cho Chính phủ, cho các bộ, ngành, phần mềm thành phố thông minh (smart city) cho nhiều địa phương, các giải pháp - ứng dụng cho mảng y tế, giáo dục… Hiện VNPT chiếm khoảng 50% thị phần nhiều dịch vụ CNTT.

Bên cạnh dịch vụ CNTT, VNPT cũng đã đầu tư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghiệp công nghệ thông tin để bước đầu cho ra mắt nhiều sản phẩm mang thương hiệu của mình như điện thoại di động, Set top box MyTV, modem Internet, modem Wifi... Những sản phẩm này không chỉ giúp giải quyết nhu cầu nội tại trong VNPT, giúp giảm dần sự lệ thuộc vào các đối tác nước ngoài, mà còn nhằm tạo ra các sản phẩm công nghệ mang thương hiệu Việt, xuất khẩu ra thế giới.

Đề xuất thành lập tổng công ty thứ 4 này đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng ý về mặt chủ trương. Ngoài ra, trong phương án cơ cấu lại, VNPT cũng đề xuất cơ cấu lại Công ty Viễn thông quốc tế VNPT - I. Theo đó, sẽ tách mảng kinh doanh về VinaPhone, còn mảng quốc tế thuộc VNPT - I.

“Còn rất nhiều việc VNPT phải làm trong lộ trình thực hiện cổ phần hoá như thuê tư vấn, xác định giá trị doanh nghiệp, chọn đối tác chiến lược, roadshow, lên sàn… Trong đó, chỉ riêng thuê tư vấn các hạng mục đều phải tách ra và chọn các nhà tư vấn cho các hạng mục khác nhau. Về chủ trương, VNPT sẽ đề xuất thuê các nhà tư vấn danh tiếng và uy tín của nước ngoài”, ông Hùng cho biết.

Mặc dù theo ông Hùng, hiện còn nhiều vấn đề vướng mắc trong cổ phần hóa như phải chờ nghị định hướng dẫn về cổ phần hóa đất đai, hay xử lý vấn đề chi phí thuê tư vấn nước ngoài…, nhưng “chúng tôi sẽ cố gắng chốt sổ, hoàn thành mọi thủ tục trong năm 2018 và tiến hành IPO năm 2019”, ông Hùng nói.

VNPT đề xuất sở hữu 20% vốn điều lệ của MobiFone

Liên quan đến việc VNPT đề xuất sở hữu 20% vốn điều lệ của MobiFone khi doanh nghiệp này IPO, ông Hùng cho biết, vốn điều lệ của VNPT đã giảm khi MobiFone tách ra khỏi VNPT vào tháng 8/2014, nhưng vẫn chưa có cơ chế bù đắp phần vốn điều lệ này.

Vào tháng 8/2016, VNPT đã đề xuất với Chính phủ cho phép được sử dụng một phần số tiền thu được từ việc bán cổ phần của Tổng công ty MobiFone khi Bộ Thông tin và Truyền thông cổ phần hóa MobiFone, nhằm hỗ trợ về nguồn vốn cho VNPT để thực hiện các hoạt động của hệ thống VINASAT, đồng thời bổ sung vốn điều lệ của VNPT khi thực hiện việc điều chuyển các đơn vị (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, MobiFone, Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông, Bưu điện Trung ương, 2 trường trung học Bưu chính - Viễn thông và CNTT) về các bộ, ngành và các UBND tỉnh, thành phố mà chưa thực hiện cơ chế bù đắp.

Trả lời đề xuất này, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, đề xuất phương án cổ phần hóa MobiFone theo quy định, trình Thủ tướng xem xét.

Liên quan đến vấn đề cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo tiến độ triển khai các đề án.

“Trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, cần quan tâm đến quy trình, thủ tục của tái cơ cấu; quan tâm đến phương án cổ phần hóa, trong đó tránh làm thất thoát tài sản của Nhà nước, quy trình thủ tục phải chặt chẽ”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu.

Trước đó, hồi tháng 5/2017, tại cuộc làm việc với Ngân hàng BNP Paribas (Pháp), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải nhấn mạnh, khi tiến hành cổ phần hóa VNPT, MobiFone, Chính phủ Việt Nam không coi tối ưu hóa doanh thu là mục tiêu quan trọng nhất và duy nhất. Mục tiêu cơ bản cần đạt được là sau cổ phần hóa doanh nghiệp có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.

Hậu CPH doanh nghiệp giao thông: Thêm một chủ tịch Cienco rời ghế về làm công chức
Ông Vũ Hồng Phương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thăng Long vừa được Bộ GTVT điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư