Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
"Vời" vốn ngoại M&A các ngân hàng yếu kém
 
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án“Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các định chế tài chính nước ngoài nói riêng mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém của Việt Nam.
Nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia đang đặt các ngân hàng Việt Nam trong “tầm ngắm”
Nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia đang đặt các ngân hàng Việt Nam trong “tầm ngắm”

Tuy đây là điểm nhấn tích cực, nhưng trong cuộc trao đổi với Phóng viên, nhiều ý kiến cho rằng, cần có mức room cụ thể để các nhà đầu tư nước ngoài chủ động hơn trong quá trình lên kế hoạch và quyết định đầu tư vào những ngân hàng yếu kém. 

Ngân hàng yếu kém có hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, các ngân hàng thương mại bị mua bắt buộc đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu như: bộ máy quản trị, kiểm soát, điều hành được thay đổi, kiện toàn và củng cố một bước; thanh khoản được cải thiện, đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát và rủi ro đối với hệ thống ngân hàng; bắt đầu có nguồn thu nhờ các hoạt động kinh doanh trong một số lĩnh vực an toàn dưới sự giám sát của NHNN; lỗ kinh doanh có xu hướng giảm dần; tập trung phân loại và xử lý thu hồi được một phần nợ xấu.

Cụ thể, cuối năm 2016 so với cuối năm 2015, nợ xấu của 3 ngân hàng được mua lại bắt buộc giảm 7,73%, trong đó giảm mạnh ở Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đại Dương (Ocean Bank) và Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dầu khí toàn cầu (GPBank). Dư nợ thị trường 1 của 2 trong số 3 ngân hàng đã có dấu hiệu tăng trưởng như GPBank và Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng Việt Nam (CBBank). Huy động thị trường 1 của CBBank tăng khá, cuối năm 2016 tăng hơn 14% so với cuối năm 2015.

Ông Ngô Anh Tuấn, Tổng giám đốc Ocean Bank cho biết: “6 tháng đầu năm 2017, hoạt động cho vay bán lẻ có kết quả cao nhất, đạt 85% kế hoạch năm. Tiền gửi của tổ chức kinh tế đã có sự tăng trưởng trở lại và đáng chú ý, Ngân hàng tiếp tục kinh doanh có lãi”.

Bên cạnh đó, thông tin từ DongA Bank về kết quả kinh doanh cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, hoạt động cho vay tiếp tục phục hồi trở lại, trong đó dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng gần 400 tỷ đồng, tương đương 2,35% so với đầu năm 2017. Huy động vốn tăng trên 700 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng gần 1.200 tỷ đồng, tương đương 2,1% so với đầu năm 2017. Nguồn vốn của Ngân hàng tiếp tục có sự chuyển dịch từ ngắn hạn sang trung dài hạn, cụ thể, tiền gửi trung dài hạn tăng 653 tỷ đồng, tương đương 3,5%, cao hơn mức tăng của tiền gửi ngắn hạn.

Ngoài ra, tiền gửi thanh toán trên tài khoản thẻ của Ngân hàng cũng tăng thêm 362 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương 4,44%, giúp số dư duy trì ở mức cao là trên 8.500 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ cao 12,1% tổng tiền gửi khách hàng. Công tác thu hồi nợ xấu trong 6 tháng đầu năm nay là khá lớn, ở mức 1.260 tỷ đồng. Trong tháng 6/2017, DongA Bank tiếp tục phát triển thêm được 31.000 khách hàng cá nhân và 132 khách hàng doanh nghiệp mới, nâng tổng số khách hàng cá nhân phát triển mới trong 6 tháng là 180.000 khách hàng và khách hàng doanh nghiệp mới là 690 khách hàng.

Trong bối cảnh này, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, nhà đầu tư đến từ phương Tây tương đối ngờ vực tính hấp dẫn của hệ thống ngân hàng Việt Nam, bởi cho rằng kỹ nghệ ngân hàng của Việt Nam còn nhiều vướng mắc chưa lường đoán được, đặc biệt là những rủi ro trong hệ thống khi vấn đề Basel II chưa thể thực hiện. Trong khi đó, nhà đầu tư tại châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia lại đặt các ngân hàng Việt Nam trong “tầm ngắm” do nhận thấy hệ thống ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn với những cải tiến mạnh mẽ thời gian vừa qua, đồng thời, những quốc gia này có nhiều doanh nghiệp giao thương, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam…

Tìm mức nới room phù hợp

“Giải pháp tốt nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn thâm nhập vào thị trường ngân hàng nội địa là hợp tác với một đối tác trong nước, mua lại toàn bộ một ngân hàng nội địa, hoặc thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Cả 3 phương án này hiện không phải là điều quá khó khăn”, TS. Hiếu nói.

Liên quan đến vấn đề nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài, theo NHNN, quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng thương mại Việt Nam không vượt quá 30% vốn điều lệ quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP là phù hợp với cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. Để huy động nguồn lực tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, NHNN cho biết sẽ có nghiên cứu tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với từng loại hình TCTD.

“Việc nới ‘room’ trong lĩnh vực ngân hàng sẽ phải cẩn trọng và có lộ trình phù hợp”, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp NHNN nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, với mức room như hiện nay, dễ hiểu khi nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà đầu tư vào ngân hàng nội địa, đặc biệt là đối với những ngân hàng yếu, có nợ xấu lớn và đòi hỏi phải thay đổi căn bản phương thức quản lý, hệ thống quản trị rủi ro, nhất là rủi ro tín dụng. Nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng phải được sở hữu ở mức đủ để đảm bảo vai trò quản trị theo luật lệ của Việt Nam, đồng thời theo thông lệ quốc tế tốt nhất. Cũng trên cơ sở này mới đảm bảo được tính minh bạch - một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của quản trị và giám sát.

“Khảo sát của chúng tôi cho thấy, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc đầu tư vào hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, kể cả những ngân hàng nhỏ nhưng có văn hóa quản lý tốt và nợ xấu ở mức chấp nhận được”, TS. Nghĩa nói.

Minh họa cho nhận định này, TS. Nghĩa cho biết: “Hiện tại, NCB đang xúc tiến mạnh việc đàm phán với đối tác nước ngoài để tăng vốn tự có và hy vọng quá trình đàm phán này không quá khó khăn. Thực tế, có nhiều người muốn mua vì nhận thấy NCB có quy mô nhỏ gọn với bộ máy quản lý mới khá chuyên nghiệp. Điều khiến họ băn khoăn là những vấn đề trong quá khứ, do quá trình tái cấu trúc hoặc một số đối tác có trả giá cao nhưng lại kẹt về mặt chính trị. Có thể nói, dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài là một trong những nguồn lực để tăng vốn tự có của Ngân hàng”.

TS. Nghĩa nhấn mạnh: “Điều các nhà đầu tư nước ngoài phân vân nhất chính là room, với kỳ vọng tối thiểu phải đạt 51%. Theo tôi, có thể quy định room cho nhà đầu tư nước ngoài với các mức như sau: cho phép được sở hữu 30% đối với ngân hàng thương mại khá, 51% đối với ngân hàng trung bình và thậm chí 100% đối với những ngân hàng yếu kém thực sự”, TS. Nghĩa nói.

Bên cạnh đó, TS. Hiếu gợi ý thêm: “Chính phủ nên vốn hóa những món nợ của các ngân hàng yếu kém để nhà đầu tư nước ngoài thấy hấp dẫn hơn khi đầu tư”.

Ngân hàng nhỏ chạy đua phát hành cổ phiếu để tăng vốn
Trong mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, nhiều ngân hàng nhỏ có kế hoạch trình cổ đông tỷ lệ chia cổ tức khá cao khoảng 10%, cho dù áp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư