Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Vốn đầu tư - yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tăng trưởng
Minh Nhung - 06/04/2022 07:19
 
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2022 cao gấp hơn 2 lần tốc độ tăng của 2 năm trước, đòi hỏi phải tăng lượng vốn đầu tư, bởi đây là yếu tố trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng.
Vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng.

Tăng lượng vốn đầu tư

Lượng vốn đầu tư không chỉ thể hiện ở số vốn tuyệt đối, mà thể hiện ở tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP. Hai năm trước, tỷ lệ này ở mức 34,4% - cao hơn tỷ lệ của 10 năm trước đó. Năm 2022, tăng trưởng GDP theo mục tiêu 6%, với tốc độ tăng giá (giảm phát) GDP khoảng 4%, thì GDP theo giá thực tế sẽ tăng trên 10,2% (khoảng 9,26 triệu tỷ đồng).

Với tỷ lệ vốn đầu tư phát triển như 2 năm trước, thì tổng vốn đầu tư phát triển phải đạt 3,19 triệu tỷ đồng, tăng trên 10,1% so với lượng vốn của năm trước. Tuy nhiên, lượng vốn này tính trên tốc độ tăng giá 4%, nếu thực tế giá tăng cao hơn, thì lượng vốn thực tế phải cao hơn (trên 3,2 triệu tỷ đồng).

Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP quý I/2022 mới đạt 26,4%, thấp hơn nhiều các thời kỳ trước. Vấn đề đặt ra, cần triển khai nhanh đầu tư, kiểm soát chặt chẽ việc tăng giá vật liệu xây dựng hiện đang rất cao.

Có 3 nguồn vốn đầu tư. Nguồn thứ nhất là vốn khu vực nhà nước, bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn vay, nguồn vốn doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn khác. Năm trước, nguồn này chiếm 24,7% tổng số (thấp nhất so với nhiều năm trước - bình quân 2016-2020 là 34%). Kế hoạch năm nay của nguồn vốn ngân sách tăng 24,4% - cao gấp đôi tốc độ chung - là quyết tâm lớn của Chính phủ. Vấn đề đặt ra là, phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện khi quý I mới đạt 14,4%. Để tăng tỷ trọng đầu tư từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, cần thực hiện nhanh việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Nguồn thứ hai là khu vực ngoài nhà nước. Năm 2021, tỷ trọng nguồn này đã ở mức khá cao (59,5%), quý I/2022 còn 57,5%. Có hai vấn đề lớn là, cần hướng vào đầu tư trực tiếp cho sản xuất - kinh doanh, hạn chế “lái” và “chôn” vào các kênh đầu cơ rủi ro; đẩy mạnh khởi nghiệp, giảm thiểu giải thể, tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động, tăng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Nguồn thứ ba là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tỷ trọng nguồn này năm 2021 giảm mạnh còn 15,8%, quý I/2022 đạt 18,2% có khá hơn nhờ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% và cao nhất cùng kỳ 5 năm qua. Vấn đề đặt ra là, cần đẩy mạnh việc thu hút để lấy lại tỷ trọng trước đây (trên 20%) và quan trọng hơn là tăng chất lượng nguồn vốn này.

Tăng hiệu quả đầu tư

Hiệu quả đầu tư biểu hiện bằng hệ số ICOR. Hệ số ICOR 2 năm trước rất cao (trên 14 lần), làm cho để tăng 1 đồng GDP giá so sánh, phải đầu tư tới trên 14 đồng vốn. Để tăng hiệu quả đầu tư, có nhiều giải pháp.

Trước hết, phải khắc phục các hạn chế trước đây. Hạn chế của nguồn vốn khu vực nhà nước có nhiều. Đối với nguồn ngân sách nhà nước, còn tình trạng phân tán, triển khai chậm, thi công chậm, còn bị lãng phí, thất thoát. Với nguồn vốn vay, thường triển khai chậm, trong khi vốn vay phải tính lãi ngay từ ngày vay, tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia tuy chưa vượt trần cho phép, nhưng ngân sách bội chi, phần trả lãi chiếm tỷ trọng cao tổng chi ngân sách, nếu tính cả nợ gốc thì còn chiếm tỷ lệ khá cao (dù chưa vượt trần Quốc hội cho phép).

Với nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước, hiệu quả đầu tư thấp do sức cạnh tranh thấp. Do vậy, cần đẩy nhanh cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đối với khu vực ngoài nhà nước, hạn chế lớn nhất là còn bị “chôn” vào các kênh đầu cơ đầy rủi ro, quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, hiệu quả hoạt động còn rất thấp (tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ đạt 2,84%, thấp xa so với tỷ lệ chung 3,38% và thấp xa so với lãi suất cho vay trung, dài hạn (khoảng 10,2%). Đối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, còn tình trạng gia công lắp ráp, nhập khẩu còn lớn, còn tình trạng chuyển giá để né thuế…

Năm nay, để nâng cao hiệu quả đầu tư, còn có những thách thức mới. Chi phí đầu tư đã tăng cao do giá vật liệu xây dựng chủ yếu tăng rất cao, thậm chí có loại có tốc độ tăng cao hơn tốc độ chung. Giá xây dựng tăng cao sẽ làm cho giá thành công trình xây dựng tăng cao, làm cho hiệu quả đầu tư bị thấp xuống. Chi phí này sẽ làm cho giá thành sản xuất và giá bán hàng hóa, dịch vụ tăng cao… Hiệu quả đầu tư còn bị giảm do có một phần vốn đầu tư bị “lái”, bị “chôn” vào các kênh đầu cơ có nhiều rủi ro hoặc vào “sân sau”, “lợi ích nhóm”…, làm thất thoát vốn…

Vốn đầu tư từ Anh dồn vào công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam
Đầu tư của Anh vào Việt Nam có xu hướng tăng sau khi nước này rời Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) có hiệu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư