Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vốn hóa Boeing mất hơn 26 tỷ USD sau vụ máy bay rơi ở Ethiopia
Hà Thu (VnExpress) - 13/03/2019 09:36
 
Cổ phiếu Boeing tiếp tục lao dốc hôm qua, khi ngày càng nhiều quốc gia không cho 737 MAX hoạt động sau tai nạn của Ethiopian Airlines.
 Logo Boeing trên một màn hình tại Sàn chứng khoán New York (NYSE). Ảnh: Reuters
Logo Boeing trên một màn hình tại Sàn chứng khoán New York (NYSE). Ảnh: Reuters

Chốt phiên hôm qua, cổ phiếu Boeing giảm 6,15%, về 375,2 USD. Giữa phiên, có thời điểm mã này mất gần 8%. Vốn hóa của hãng hiện cũng chỉ còn 212 tỷ USD, giảm 26,6 tỷ USD so với cuối tuần trước.

Đây là phiên giảm mạnh thứ hai liên tiếp của cổ phiếu Boeing, sau khi mất 5% đầu tuần. Tổng cộng, Boeing đã có chuỗi giảm 2 ngày mạnh nhất kể từ tháng 6/2009.

Cổ phiếu hàng loạt hãng hàng không Mỹ hôm qua cũng đi xuống. Southwest Airlines và American Airlines Group – các hãng bay Mỹ sử dụng Boeing 737 MAX 8 nhiều nhất trong đội bay, mất lần lượt 2,3% và 3,5%.

Hôm qua, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã ra lệnh cấm sử dụng máy bay 737 MAX. Trước đó, hàng loạt quốc gia khác, như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Australia, Ethiopia đã có động thái tương tự.

Theo số liệu của Refinitiv, ít nhất 7 trong 24 nhà phân tích theo dõi cổ phiếu Boeing đã điều chỉnh đánh giá với mã này trong 2 phiên qua. Boeing là cổ phiếu có sức ảnh hưởng lớn nhất trong Chỉ số Bình quân Công nghiệp Dow Jones (DJIA).

DZ Bank là hãng môi giới đầu tiên trong gần 2 năm qua khuyến nghị "bán" với mã này. Họ cũng điều chỉnh giá mục tiêu về 333 USD một cổ phiếu. Edward Jones cũng đưa đánh giá từ "mua" về "giữ", với lý do vụ tai nạn có thể khiến Boeing phát sinh chi phí, việc giao hàng bị chậm và ảnh hưởng đến báo cáo tài chính.

737 thân hẹp hiện là máy bay bán chạy nhất thế giới và là trụ cột cho tương lai của Boeing. Đến nay, hãng đã nhận được số đơn hàng sản xuất hơn 5.000 chiếc 737 MAX và mới bàn giao khoảng 350 chiếc.

Quyền Cục trưởng Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) Dan Elwell hôm qua tuyên bố "kết quả đánh giá cho thấy không có vấn đề về hiệu suất hệ thống và không có căn cứ để ra lệnh cấm" máy bay Boeing 737 MAX. Boeing cũng lên tiếng bảo vệ sản phẩm của mình và cho biết họ hoàn toàn tin tưởng vào độ an toàn của MAX.

[Infographic] Kết quả kinh doanh vượt dự báo của Boeing và Airbus
Hai hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới là Boeing và Airbus kết thúc năm 2018 với kết quả kinh doanh vượt dự báo của giới phân tích.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư