Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vụ án 18 lần vỡ đường ống nước sông Đà: Cơ quan giám định nói gì?
Bùi Trang - Đỗ Mến - 05/03/2018 19:25
 
Kết luận giám định xác định nguyên nhân chính gây vỡ ống truyền tải nước sạch là do ống composite không đảm bảo chất lượng, đồ bền không đảm bảo 50 năm. Tuy nhiên, một số bị cáo không đồng tình với kết luận này.
Kết luận giám định xác định nguyên nhân chính gây vỡ ống truyền tải nước sạch là do ống composite không đảm bảo chất lượng, đồ bền không đảm bảo 50 năm
Kết luận giám định xác định nguyên nhân chính gây vỡ ống truyền tải nước sạch là do ống composite không đảm bảo chất lượng, đồ bền không đảm bảo 50 năm

Chiều 5/3, Hội đồng xét xử tập trung xét hỏi sai phạm các bị cáo trong vụ việc vỡ đường ống nước Sông Đà gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.

Dự án này được triển khai từ năm 2002 do Tổng công ty xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Vinaconex là chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng. Đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án; nhà thầu sản xuất và cung cấp ống composite cốt sợi thủy tinh là CTCP Ống sợi thủy tinh Vinaconex (viết tắt là Viglafico); nhà thầu thi công là các công ty cổ phần xây dựng thành viên của Vinaconex. Bên tư vấn giám sát là CTCP Nước và Môi trường Việt Nam – Viwase.

Cơ quan tố tụng truy tố 9 bị cáo về hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó có 3 bị cáo nguyên lãnh đạo thuộc Ban quản lý dự án là Hoàng Thế Trung (SN 1960, nguyên giám đốc) và Nguyễn Văn Khải (SN 1961, nguyên phó giám đốc), Trương Trần Hiển (SN 1957, nguyên Trưởng phòng vật tư, thiết bị).

Có 2 bị cáo thuộc Viglafico là Trần Cao Bằng (SN 1954, nguyên giám đốc) và Vũ Thanh Hải (nguyên Trưởng phòng sản xuất).

3 bị cáo thuộc Viwase gồm Đỗ Đinh Trì (SN 1968, nguyên Trưởng đoàn tư vấn giám sát);  Nguyễn Biên Hùng (SN 1950, phó trưởng đoàn tư vấn); Hoàng Quốc Thống (SN B1955, giám sát viên) và Bùi Minh Quân (giám sát viên).

Theo cáo buộc, Ban quản lý dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội không tuân thủ và thực hiện không đầy đủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình, không kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào (ống composite cốt sợi thủy tinh) nhưng đã cho tiến hành thi công, nghiệm thu, hoàn thành dự án.

Khi ký kết hợp đồng kinh tế với Viglafico, các bị cáo không yêu cầu chi tiết, cụ thể quy trình kiểm tra, chứng nhận chất lượng sản phẩm.

Cụ thể, theo tiêu chuẩn sản xuất ANSI/AWWA C950-01 có 7 chỉ tiêu cơ lý nhưng hợp đồng kinh tế chỉ có 5 chỉ tiêu, thiếu 2 chỉ tiêu là độ biến dạng uốn hướng vòng dài hạn và áp suất thiết kế thủy tĩnh dài hạn thực hiện trong 10.00 giờ.

Kết luận giám định xác định nguyên nhân chính gây vỡ ống truyền tải nước sạch là do ống composite không đảm bảo chất lượng, đồ bền không đảm bảo 50 năm. Hậu quả, trong vòng 5 năm (từ năm 2012-2016), tuyến ống nước truyền tải nước sạch bị vỡ 18 lần, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn Hà Nội.

Theo cơ quan điều tra, đoàn giám sát của Viwase không tuân thủ đúng, đủ các quy định, không kiểm soát được chất lượng vật tư, không lấy mẫu vật liệu để thí nghiệm kiểm tra, chỉ kiểm tra ngoại quan ống, hồ sơ chứng nhận chất lượng sản phẩm do nhà thầu sản xuất cung cấp.

Trước tòa, một số bị cáo đồng loạt nêu ý kiến phản bác kết luận giám định trên.

Bị cáo Nguyễn Văn Khải (nguyên Phó giám đốc Ban quản lý dự án) khẳng định hợp đồng kinh tế không sai, quy định 5 tiêu chuẩn là đủ. Bị cáo cho rằng, cáo trạng dựa trên kết luận điều tra, kết luận điều tra dựa trên kết luận giám định. Kết luận giám định lại chưa chính xác.

“Ống composite cốt sợi thủy tinh lần đầu tiên sử dụng ở Việt Nam, chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm, các bị cáo chưa có kinh nghiệm, cơ quan giám định chưa có kinh nghiệm. Bị cáo công nhận hành vi nhưng kết luận thì cần xem xét lại”, bị cáo Khải bổ sung.

Bị cáo Trần Cao Bằng cũng cho rằng, cơ quan giám định kết luận thiếu 2 chỉ tiêu nhưng bị cáo khẳng định không thể thí nghiệm 2 chỉ tiêu này trong điều kiện hiện nay. “Nó không phải là thí nghiệm lấy mẫu trực tiếp từ hàng hóa và chỉ được thực hiện bởi các tập đoàn lớn có trung tâm nghiên cứu”, bị cáo Bằng biện minh.

Có 4 giám định viên đã được triệu tập đến tham gia phiên tòa. Hội đồng xét xử đã đặt các câu hỏi về phương pháp, căn cứ giám định.

Ông Lê Văn Sơn, thành viên giám định trình bày, quá trình giám định, các đơn vị thực hiện trên cơ sở đánh giá nhiều nội dung. Có việc kiểm tra đối chiếu quá trình đầu tư, khảo sát, thiết kế, thi công với quy định pháp luật, tiêu chuẩn áp dụng; kết hợp với khảo sát hiện trường trong đó có vị trí đường ống đã xảy ra sự cố, có vị trí trên nền đất yếu. Đoàn giám định tiến hành thí nghiệm lấy mẫu và tổ chức thử nghiệm vật liệu ống có sự chứng kiến của các bên. Có việc thực hiện mô phỏng thiết kế đường ống theo hồ sơ thiết kế cũng như xem xét các yếu tố bất lợi.

Căn cứ giám định tư pháp là theo văn bản trưng cầu của cơ quan điều tra.

Giám định viên Trịnh Quỳnh Đạt nêu chi tiết, việc khảo sát tại 14 vị trí, giám định cả ống dự phòng lưu tại nhà máy, tuy nhiên không giám định quy trình sản xuất ống vì thời điểm giám định, nhà máy không hoạt động sản xuất. 

Tuy nhiên, chủ tọa chất vấn có việc giám định quá trình thi công lắp đặt ống không thì các giám định viên trả lời lòng vòng và chủ yếu chỉ đọc lại kết quả giám định.

Diễn biến mới vụ án đường ống nước Sông Đà
Liên ngành tư pháp Trung ương cho rằng: Không cần thiết phải xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật của các thành viên HĐQT Tổng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư