Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vụ đau chân phải, mổ chân trái ở Bệnh viện Việt Đức: Xin lỗi bệnh nhân, đình chỉ kíp mổ
Lê Nga - 20/07/2016 14:32
 
Sáng 20/7 lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức quyết định tạm đình chỉ công tác ê-kíp phẫu thuật đã mổ nhầm chân phải của bệnh nhân bị đau chân trái.

Tại cuộc họp báo sáng nay, Giáo sư Tiến sĩ Trần Bình Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức xin lỗi bệnh nhân Thảo vì đã để xảy ra sai sót y khoa mổ nhầm chân. Ê-kíp phẫu thuật liên quan đến vụ việc bị tạm đình chỉ công tác. Bệnh viện đã thành lập hội đồng chuyên môn để rà soát lại toàn bộ quy trình chẩn đoán và phẫu thuật cho bệnh nhân này, từ đó sẽ xác định lỗi và có hình thức kỷ luật. 

Hiện bệnh viện đã ra thông báo rút kinh nghiệm chuyên môn toàn bệnh viện để đảm bảo không xảy ra những trường hợp sai sót tương tự.

tam-dinh-chi-cong-tac-kip-mo-nham-chan-benh-nhan-ha-noi

Bệnh nhân Thảo bị mổ nhầm chân đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Lê Nga.

Trước mắt Bệnh viện Việt Đức miễn toàn bộ viện phí, chi phí điều trị cho bệnh nhân, tiếp tục theo dõi sức khỏe để có hướng hỗ trợ về sau. Bệnh viện cũng sẽ làm rõ thông tin được gia đình phản ánh là sau khi biết mổ nhầm, phẫu thuật viên đã yêu cầu đóng tiền thêm để mổ tiếp chân còn lại cho bệnh nhân.  

Bác sĩ trực tiếp mổ cho bệnh nhân Thảo không có mặt tại cuộc họp báo. Tường trình ban đầu của bác sĩ này với lãnh đạo bệnh viện là khi vào phòng mổ, kíp phụ mổ đã chuẩn bị sẵn và gây tê, phủ vải cho bệnh nhân chỉ chừa chân sẽ phẫu thuật. Do đó bác sĩ tiến hành các thao tác mổ như bình thường và không nghĩ là phẫu thuật nhầm chân.

Anh Thảo 37 tuổi, được chẩn đoán liệt thần kinh mác chung chân trái nên đi tập tễnh. Bác sĩ bệnh viện đã hội chẩn và quyết định mổ chuyển gân cơ chày sau lên trước để phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Ca mổ diễn ra hôm 19/7, bệnh nhân được gây tê tủy sống. Phẫu thuật xong, bệnh nhân tỉnh và kiểm tra lại mới biết mình đã bị mổ nhầm chân. Chiều cùng ngày, bệnh nhân được mổ lại. 

"Cả bệnh viện lịch sử 110 năm với đội ngũ chuyên gia làm việc rất tốt thì sai sót này hết sức hy hữu. Mỗi năm bệnh viện mổ hơn 50.000 ca, những phẫu thuật viên được giao cầm dao mổ đã qua quá trình đào tạo, thẩm định hết sức chặt chẽ", Giáo sư Giang chia sẻ.

Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cũng cho rằng việc mổ nhầm chân không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe bệnh nhân. Lãnh đạo bệnh viện đã yêu cầu khoa Chấn thương chỉnh hình 3 điều trị bằng những thuốc tốt để bệnh nhân hồi phục tốt nhất. 

tam-dinh-chi-cong-tac-kip-mo-nham-chan-benh-nhan-ha-noi-1

Hai chân của bệnh nhân đều bị mổ, trong đó chân phải bị mổ nhầm. Ảnh: Lê Nga.

Hai chân đều bị băng bó sau mổ, trao đổi với VnExpress.net, anh Thảo cho biết trước khi mổ anh được gây tê phần dưới, khi tỉnh dậy đã thấy chân phải bị mổ nên báo với bác sĩ sự nhầm lẫn. "Lúc đó bác sĩ mới nhìn lại bệnh án và mổ nốt chân còn lại của tôi", bệnh nhân cho biết. Hiện sức khỏe của anh đã hồi phục và có thể ăn nhẹ. Tuy nhiên, chân bị mổ nhầm có dấu hiệu đau. 

Chị của bệnh nhân là Nguyễn Thị Thanh cho biết sau ca mổ nhầm, bác sĩ phẫu thuật và lãnh đạo khoa Chấn thương chỉnh hình 3 đã tới xin lỗi gia đình. Theo người nhà, bác sĩ mổ trần tình: "Trước khi mổ tôi có hỏi anh Thảo là 'mổ chân phải à anh', bệnh nhân 'ừ' nên tôi tiến hành mổ mà có sai sót là không xem hồ sơ bệnh án". 

Anh Trần Văn Dân (anh trai bệnh nhân) cho rằng, sai sót đã xảy ra rồi, giờ là vấn đề điều trị như thế nào để bệnh nhân hồi phục tốt mới quan trọng. “Gia đình chỉ mong muốn Thảo nhanh khỏi bệnh, hồi phục sức khỏe”, anh Dân nói.

Năm 2015 anh Thảo bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não và tổn thương chân phải. Sau một năm, anh hồi phục dần thì chân bên trái đi tập tễnh. Thấy tình trạng đi lại của Thảo ngày càng khó khăn, gia đình đã đưa anh vào Bệnh viện Việt Đức ngày 18/7. 

Lãnh đạo 3 bệnh viện lớn nhất Hà Nội nói gì về vụ chặn xe cứu thương?
Dư luận mấy ngày nay sôi sục về câu chuyện xe cứu thương bị bảo vệ chặn lại ở Bệnh viện Nhi Trung ương và nghi vấn “độc quyền xe cấp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư