Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử ngành điều Việt Nam: Gian nan hành trình lấy lại tiền cọc từ các hãng tàu
Ngô Nguyên - 02/07/2022 10:31
 
Toàn bộ số container hạt điều nghi bị lừa đảo tại Italia đã được trả lại quyền sở hữu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng vụ việc vẫn chưa kết thúc, bởi hành trình lấy lại khoảng 150 tỷ đồng tiền “cọc” từ các hãng tàu và giải quyết về pháp lý với các bên liên quan để xử lý những thiệt hại về lưu kho, phải bán rẻ hạt điều… vẫn còn gian nan.
Vụ lừa đảo là bài học cảnh giác cho các doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam	Ảnh: Lê Toàn
Vụ lừa đảo là bài học cảnh giác cho các doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam       Ảnh: Lê Toàn

Doanh nghiệp sẽ bị “ngâm vốn” 18 tháng tới 6 năm

Tại Hội nghị sơ kết Hoạt động 6 tháng đầu năm 2022 của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch Vinacas cho hay, cho đến nay, toàn bộ 74 container hạt điều đã được trả lại quyền sở hữu cho các doanh nghiệp Việt Nam trong đó có 35 container bị mất chứng từ gốc. Như vậy, doanh nghiệp Việt có 35 container điều “dính” trong phi vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử ngành điều đã không mất trắng gần 160 tỷ đồng giá trị tiền hàng.

Tuy nhiên, theo Vinacas, vụ việc vẫn chưa kết thúc, liên quan tới việc hãng tàu giữ tiền đặt cọc/bảo lãnh rất lớn của doanh nghiệp Việt.

Sự thể nguồn tiền đặt cọc này là, hồi tháng 4/2022, khi vụ việc đã bùng ra, trước nguy cơ bị lừa mất trắng, Thương vụ Việt Nam tại Italia phối hợp các nhà xuất khẩu, các công ty luật cùng cơ quan hải quan, cảnh sát kinh tài Italia đề nghị ngăn chặn việc đưa hàng, đề nghị các hãng tàu đổi tên người nhận hàng và trả hàng về cho “khổ chủ” ở Việt Nam.

Với 39 containerr còn giữ chứng từ gốc, các bên đã đồng thuận, nên đã xuất cho người mua mới. Nhưng với 35 container mất chứng từ gốc, các hãng tàu đều đòi hỏi, trước khi chưa có phán quyết của tòa án, nhà xuất khẩu, tức doanh nghiệp Việt, phải có đặt cọc/nộp tiền bảo lãnh 110 - 150% giá trị lô hàng cho hãng với hiệu lực 2 - 6 năm, thì mới cho phép đổi tên người nhận hàng hoặc trả hàng về lại Việt Nam.

Vinacas cho biết, yêu cầu đóng tiền cọc của hãng tàu là không sai, vì phải chờ đến khi tòa án có phán quyết cuối cùng thì doanh nghiệp mới được nhận lại tiền cọc từ hãng tàu sau khi bị trừ những chi phí liên quan như kho bãi, vận chuyển.

Tuy nhiên, hạt điều là thực phẩm có thời gian sử dụng, để lâu trong container tại bến cảng sẽ giảm phẩm cấp, nên Thương vụ Việt Nam tại Italia, các doanh nghiệp và Vinacas đã cố gắng đàm phán, chỉ dùng bảo lãnh ngân hàng cho 110% cho đến khi có phán quyết của tòa án, nhưng các hãng tàu không đồng ý.

Trong tình thế đó, ở thời điểm tháng 4/2022, có 6 container buộc phải đặt cọc cho hãng tàu Cosco.

Còn tới thời điểm này, ông Bạch Khánh Nhựt cho hay, còn tới 30 container của 3 doanh nghiệp đã được các hãng tàu trả lại cho doanh nghiệp đưa về Việt Nam hoặc bán cho khách mới, nhưng các hãng tàu đang giữ tiền cọc/bảo lãnh với thời hạn 18 tháng đến 6 năm.

Theo tính toán, 1 container hạt điều có giá trị khoảng 4 tỷ đồng. Với mức tiền cọc/bảo lãnh 125 - 150% giá trị lô hàng, thì doanh nghiệp Việt Nam phải đặt cọc ít nhất 5 tỷ đồng/container, với 30 container phải đặt cọc khoảng 150 tỷ đồng.

Như vậy, trong vụ việc này, ngành điều Việt Nam mới chỉ thành công bước đầu khi tất cả container điều đã thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp Việt. Chỉ đến khi hãng tàu trả lại tiền cọc cho các doanh nghiệp Việt Nam, thì mới xem là thành công trọn vẹn.

Hành trình pháp lý gian nan

Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas nhấn mạnh, các “khổ chủ” doanh nghiệp Việt Nam đang bị chôn vốn rất lớn ở số tiền cọc bị treo lại. Điều này gây thiệt lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh giá cả vật tư tăng vọt, ngân hàng siết room tín dụng, trong khi xuất khẩu điều Việt Nam đang lâm cảnh “tiêu điều” không chỉ trong 6 tháng đầu năm, mà có thể kéo dài đến hết năm, bởi các thị trường lớn đều đang siết chặt quy chế nhập khẩu và hạn chế nhập khẩu nhiều mặt hàng, trong đó có hạt điều.

Vinacas cam kết sẽ tiếp tục phối hợp cùng Thương vụ Việt Nam tại Italia, các doanh nghiệp và luật sư của doanh nghiệp đôn đốc, thực hiện thủ tục pháp lý để tòa án dân sự, hình sự, viện công tố, cảnh sát kinh tài, cảnh sát quân đội Italia tiếp tục ra phán quyết, quyết định yêu cầu các hãng tàu phải trả lại tiền đặt cọc/bảo lãnh cho doanh nghiệp Việt.

Theo phân tích, tuy hành trình pháp lý này còn gian nan, nhưng cũng có nhiều thuận lợi, bởi các công ty bị lừa đảo cũng đã ký hợp đồng hỗ trợ pháp lý với Công ty Studio Gallsso & Associati của luật sư Davide Gallasso.

Mặt khác, các cơ quan pháp lý của Italia đã xác định rõ phía lừa đảo, bên bị hại, nên nỗ lực ủng hộ cũng là cơ sở pháp lý để tin tưởng.

Minh chứng điển hình là việc 5 container phải nằm tại cảng Italia do 3 doanh nghiệp Việt không có đủ khả năng hoặc không muốn chuyển tiền cọc/bảo lãnh ngân hàng, buộc phải chờ pháp quyết của tòa án trả lại cho chủ sở hữu ở Việt Nam. Nếu chờ thời điểm mở phiên điều trần rồi ra phán quyết thì rất lâu và hạt điều sẽ bị hư hỏng, nên phía doanh nghiệp Việt cùng luật sư đề nghị xử nhanh, sớm hơn ngày 27/5/2022. Tuy nhiên, thẩm phán Tòa dân sự Larino không đồng ý.

Lúc này, đoàn công tác của Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam đã đến làm việc với Chủ tọa Tòa Larino, nêu những lý do cần phán quyết gấp cùng hình ảnh, chứng lý về sự không tồn tại của các công ty bên mua hàng. Chủ tọa Tòa Larino đã ủng hộ và yêu cầu xử lý gấp.

Phiên xử mở ngày 12/5, nhưng sau khi xem xét hồ sơ phía bên bán (Việt Nam) và hãng tàu (đòi tiền lưu kho bãi…), thẩm phán Tòa Larino ra phán quyết, mọi việc vẫn chưa rõ ràng, định ngày 27/5 xét xử tiếp.

Dù “căng” như vậy, nhưng sau khi thẩm xét kỹ, tới ngày 27/5, Tòa Larino và Công tố TP. Napoli (Italia) đã có phán quyết trả lại quyền sở hữu các lô hạt điều cho doanh nghiệp Việt Nam. Sau đó, Cảnh sát Kinh tài TP. Nappoli, Cảnh sát Quân đội TP. Genova đã ra quyết định trả các container điều cho phía Việt Nam.

Xem xét trách nhiệm bồi thường của công ty môi giới

Các doanh nghiệp xuất khẩu điều bị hại cho rằng, dù lấy lại và bán được hàng, lấy được tiền đặt cọc/bảo lãnh từ hãng tàu, thì họ vẫn thiệt hại lớn.

Cụ thể, một doanh nghiệp (xin không nêu tên) chia sẻ, khi lấy được contairer điều và bán được cho bên mua khác, họ bị ép phải bán rẻ hơn giá ban đầu 9%. Theo Vinacas, có 17 container đã được doanh nghiệp bán cho người mua mới, trong đó xuất sang Hà Lan 15 container, bán tại Italia 2 container.

Chưa hết, khi phải vận chuyển chuyển ngược về Việt Nam, các doanh nghiệp phải chịu cước phí rất lớn. Cước vận chuyển từ Việt Nam đi Italia là 14.000 USD/container, chi phí lượt về chưa xác định được cụ thể vì chưa có tiền lệ, nhưng cũng ở mức tương đương.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt còn phải chịu chi phí lưu container, lưu bãi tại các cảng ở Italia. Chi phí này tại các bãi ở châu Âu thường rất cao, vì thế, thời gian hàng bị phong tỏa càng lâu, thì càng tốn nhiều tiền.

Liên quan đến thiệt hại của doanh nghiệp, Vinacas cho hay, từ tháng 2/2022, thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt, 5 doanh nghiệp Việt Nam đã ký và xuất khẩu 74 container hạt điều sang Italia với phương thức thanh toán “trả tiền nhận chứng từ D/P” (nhờ thu) rồi xảy ra chuyện.

Theo thông lệ quốc tế, công ty môi giới phải xác minh cả bên mua và bên bán để kết nối giao dịch, nhưng trong trường hợp này, môi giới đã không làm đúng nghiệp vụ.

Thế nên, Vinacas cũng xúc tiến các hoạt động để cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của Công ty môi giới Kim Hạnh Việt, kể cả trách nhiệm hình sự cũng như trách nhiệm bồi thường những tổn thất mà các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hạt điều phải chịu trong vụ việc.

Ông Phạm Văn Công nêu quan điểm, do chủ công ty Kim Hạnh Việt là người gốc Việt nhưng quốc tịch Mỹ, nên hiện cơ quan công an Việt Nam, cảnh sát quốc tế và cảnh sát Mỹ đều đã vào cuộc điều tra.

Năm tháng đầu năm 2022, toàn ngành điều Việt Nam chỉ xuất khẩu được hơn 200.000 tấn điều nhân các loại, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,19 tỷ USD, giảm 7,81% về lượng và giảm 6,81% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân là do tác động của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine, các thị trường lớn siết chặt quy chế nhập khẩu và hạn chế nhập khẩu nhiều mặt hàng, trong đó có hạt điều...

 Theo nhận định của Vinacas, hiện giá cước tàu biển ở mức cao so với những năm trước dịch Covid-19, giá nhân xuất khẩu không tăng đồng bộ với đà tăng của điều thô, các nhà máy không thể cân đối giá thành chế biến và giá xuất khẩu, vì vậy, lượng nhân điều xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ giảm kéo dài đến hết quý IV/2022.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Trung Quốc vẫn đang duy trì chính sách “zero Covid”, sẽ ảnh hưởng bất lợi đến xuất khẩu nhân điều; Nga (xếp vị trí 11 trong tổng số 104 
thị trường xuất khẩu của nhân điều Việt Nam) cũng đã bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT bởi ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, nên sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nhân điều của Việt Nam.

Nghi án lừa đảo lớn nhất trong lịch sử ngành điều Việt Nam: Chứng từ gốc bất ngờ xuất hiện trong tay… người lạ
Trong “nghi án” các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều Việt Nam bị lừa mất 36 container hàng xuất khẩu vì hồ sơ gốc “bốc hơi” đã xuất hiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư