Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
.
Vụ Vạn Thịnh Phát: Cựu lãnh đạo SCB xin nghỉ việc vì không còn niềm tin vào ngân hàng
Việt Dũng - 22/03/2024 18:44
 
Bị cáo Phạm Văn Phi (nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) đã xin nghỉ việc sau khi tham gia quá trình tái cơ cấu, vì "niềm tin đối với Ngân hàng SCB đã không còn".

Chiều ngày 22/3, phiên toà xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các bị cáo khác có liên quan tiếp tục phần bào chữa của các luật sư và tự bào chữa của các bị cáo.

Trình bày phần tự bào chữa cho bản thân, bị cáo Phạm Văn Phi (nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) cho hay, trong giai đoạn bị tạm giam, bố của bị cáo bị bệnh và đã qua đời. 

“Trong thời gian này, bị cáo không thể chăm sóc và gặp mặt ba lần cuối, đây là chính là hình phạt rất nặng đối với bị cáo”, bị cáo Phi nói và trình bày thêm, hiện ở nhà còn mẹ già hơn 70 tuổi, vì vậy kính mong Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để có cơ hội chăm sóc cho mẹ già.

Theo bị cáo Phi, mặc dù điều kiện gia đình khó khăn nhưng bị cáo cũng đã thuyết phục gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả. Trong thời gian tới, gia đình bị cáo sẽ tiếp tục nộp thêm 100 triệu đồng để bổ sung phần khắc phục hậu quả.

sss
Các bị cáo tại toà.


Trình bày ý kiến cuối cùng trong phần tự bào chữa cho mình, nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB cho biết, trong thời gian 3 ngân hàng hợp nhất thì lương của bị cáo rất thấp, chỉ khoảng 40 triệu đồng/tháng. 

Song, bị cáo vẫn cùng các đồng nghiệp vượt qua khó khăn, xử lý các khủng hoảng liên quan đến thanh khoản, củng cố các tài sản đảm bảo cho các khoản tín dụng… giúp Ngân hàng SCB trở lại hoạt động bình thường.

Sau khi hoạt động trở lại bình thường thì thu nhập của nhân viên Ngân hàng SCB cũng tăng lên. Cụ thể, năm 2016, lương của bị cáo là khoảng 100 triệu đồng, nhưng sau đó bị cáo đã xin nghỉ việc. Lý do bị cáo Phi xin nghỉ việc là vì sau khi tham gia quá trình tái cơ cấu, niềm tin của bị cáo đối với Ngân hàng SCB đã không còn.

“Sau khi nghỉ việc, bị cáo chịu cảnh thất nghiệp trong vòng 3 năm. Điều này thể hiện bị cáo làm việc không vì thu nhập ở Ngân hàng SCB. Cụ thể là dù tăng lương nhưng bị cáo vẫn xin nghỉ. Đồng thời, trong quá trình tái cơ cấu của Ngân hàng SCB, bị cáo luôn mong quá trình này thành công và mong SCB phát triển ổn định… Vì vậy mong HĐXX xem xét, khoan hồng cho bị cáo để bị cáo có cơ hội sớm về với gia đình”, bị cáo Phi trình bày.

Trước đó, trong phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Diệp Bảo Châu, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB cho hay, trong hơn 10 năm làm việc tại Ngân hàng SCB sau hợp nhất, trên 50% thời gian bị cáo làm công tác hành chính, nhân sự, không liên quan đến kinh doanh. Do vậy, vai trò của bị cáo khi ký vào các hồ sơ mà cáo trạng truy tố là thứ yếu. Vì lý do đó, việc Viện kiểm sát đề nghị mức án 10-11 năm tù đối với bị cáo là quá nghiêm khắc, mong HĐXX xem xét. 

“Trong thời gian bị tạm giam, bị cáo có vận động gia đình nộp khắc phục hậu quả của vụ án, và bị cáo cũng xin nộp thêm tiền để khắc phục hậu quả trước thời gian HĐXX nghị án”, bị cáo Châu nói.

Phiên toà tạm nghỉ và sẽ bắt đầu xét xử trở lại vào thứ 2 (ngày 25/3/2024) với phần bào chữa của các luật sư, bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) và các bị cáo khác.

Theo cáo trạng, bị cáo Phạm Văn Phi làm việc tại Ngân hàng SCB (cũ) từ tháng 6/2004; từ năm 2012 đến ngày 10/1/2017, bị cáo tiếp tục làm việc tại SCB với các vị trí khác nhau, trong đó có giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối hỗ trợ kinh doanh và khai thác tài sản.

Từ ngày 28/6/2012 đến ngày 9/12/2016, Phạm Văn Phi đã ký hợp thức hồ sơ của 311 khoản vay, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 23.000 tỷ đồng. Phạm Văn Phi biết các khoản vay trên là hợp thức hồ sơ, giải ngân, rút tiền để nhóm Trương Mỹ Lan sử dụng trái mục đích gây thiệt hại cho SCB…

Hành vi trên của bị cáo Phi đã gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 23.000 tỷ đồng. Bị cáo bị Viện kiểm sát đề nghị mức án 7 - 8 năm tù.

Đối với bị cáo Diệp Bảo Châu, cáo trạng xác định, từ ngày 10/12/2012 đến ngày 01/12/2021, Diệp Bảo Châu với các vai trò khác nhau, đã ký 8 Tờ trình tái thẩm định, 46 Biên bản họp Hội đồng tín dụng Hội sở, 208 Biên bản họp Hội đồng Kinh doanh và Đầu tư Hội sở đồng ý cho 221 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn VTP, với 294 khoản vay tại Ngân hàng SCB.

Tổng giá trị tài sản bảo đảm ở hiện tại của các khoản vay mà bị cáo ký các thủ tục hợp thức (theo kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân và đánh giá đủ pháp lý của Ngân hàng SCB) là 46.396 tỷ đồng. Diệp Bảo Châu biết các khoản vay trên là hợp thức hồ sơ, giải ngân, rút tiền để nhóm Trương Mỹ Lan sử dụng trái phương án vay.

Hành vi của Diệp Bảo Châu đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây thiệt hại cho SCB số tiền 122.350 tỷ đồng. Bị cáo bị Viện kiểm sát đề nghị mức án 10-11 năm tù.
Vụ Vạn Thịnh Phát: Một số bị cáo nói "ăn năn", "xấu hổ", mong được xem xét lại mức án
Phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư, các bị cáo cũng tự bào chữa cho mình và mong Hội đồng xét xử cân nhắc thêm tình tiết...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư