Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tận dụng nguồn lực để khắc phục hạn chế
Nguyễn Toàn - 17/03/2023 17:29
 
Để khắc phục những hạn chế lâu nay, các chuyên gia đánh giá Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh liên kết, thu hút nguồn vốn đa dạng.
TS. Huỳnh Huy Hòa
TS. Huỳnh Huy Hòa đánh giá năng lực nội sinh của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn yếu.

Chiều 17/3, tại TP. Đà Nẵng, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp với Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023 với chủ đề Huy động các nguồn lực phát triển nhanh, bền vững Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Phạm Thu Phong, Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho biết, thời gian qua, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm 5 tỉnh, thành phố là Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định) đã có những nỗ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác lợi thế, phát huy triệt để nội lực, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế; kinh tế các tỉnh nội vùng đã dần thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Tuy nhiên, TS. Phạm Thu Phong cũng cho rằng, quy mô nền kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn nhỏ và chiếm tỷ trọng khá thấp trong nền kinh tế cả nước; tăng trưởng của các địa phương trong vùng chưa đồng đều; hoạt động liên kết còn nhiều hạn chế, kết nối về đầu tư còn thiếu đồng bộ, chưa tận dụng được lợi thế riêng của từng địa phương...

Đối với TS. Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Đà Nẵng, so với những kỳ vọng thì Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa có nhiều nổi trội hơn so với các tiểu vùng khác.

Một trong những lý do theo TS. Huỳnh Huy Hòa là năng lực nội sinh của vùng còn yếu nên chưa thể hiện rõ vai trò là vùng kinh tế động lực. “Trong 5 tỉnh, chỉ có 2 tỉnh là Quảng Ngãi, Quảng Nam có dự án động lực; 3 tỉnh, thành phố còn lại chưa có dự án động lực, thúc đẩy phát triển vùng”, TS Huỳnh Huy Hòa đánh giá.

Để không muốn tiếp tục trở thành vùng trũng trong sự phát triển chung của đất nước, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Đà Nẵng cho rằng, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần huy động mọi nguồn lực và sử dụng hiệu quả nó để biến những địa phương nhiều tiềm năng nhưng chậm phát triển thành vùng đất phồn vinh trong 15-20 năm tới.

Trong 10 giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần thí điểm hình thức thu hút đầu tư, kinh doanh mới, tiếp tục tạo cơ chế và môi trường hấp dẫn thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân, quốc tế.

Bên cạnh đó, vùng này cần đa dạng các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế, ngoài ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương cần tận dụng các nguồn vốn từ tư nhân, vốn vay ưu đãi, quỹ đầu tư mạo hiểm; cần thành lập quỹ phát triển vùng...

Phát huy vai trò Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Thời gian qua, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có vai trò chưa cao trong tăng trưởng kinh tế của cả nước. Bởi vậy, cần phải tạo đột phá về...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư