Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vượt tâm lý nể nang, Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu lãnh đạo địa phương cam kết tiến độ
Bảo Như - 17/08/2021 16:28
 
Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua thường mới chỉ quy được trách nhiệm cho các nhà thầu, ban quản lý dự án, mà chưa minh định trách nhiệm của các chủ đầu tư.
Phần lớn công trình giao thông mà các địa phương xin đảm nhận thường chậm tiến độ, chất lượng thi công không đảm bảo.

Việc UBND tỉnh Quảng Bình phải gửi bản cam kết chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng công trình nếu địa phương này muốn được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giao nhiệm vụ chủ đầu tư Dự án Xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh Nhà máy Xi măng Sông Gianh cho Sở GTVT Quảng Bình đang được kỳ vọng sẽ tạo ra một tiền lệ tốt trong công tác quản lý đầu tư dự án hạ tầng giao thông.

Đây lần đầu tiên, Bộ GTVT vượt qua tâm lý nể nang để mạnh dạn yêu cầu lãnh đạo một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có văn bản cam kết chỉ đạo đơn vị trực thuộc bố trí đủ nguồn lực; giải phóng mặt bằng nhanh gọn trước khi tiến hành giao dự án, giao vốn về địa phương.

Với tổng mức đầu tư chỉ khoảng hơn 300 tỷ đồng, Dự án Xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh Nhà máy Xi măng Sông Gianh không phải là công trình có vốn lớn, yêu cầu kỹ thuật cũng không quá phức tạp. Vì vậy, nếu có giao cho Sở GTVT Quảng Bình làm chủ đầu tư thì đây là quyết định hợp lý và hợp tình nếu như việc triển khai Dự án diễn ra suôn sẻ, theo đúng kế hoạch.

Cần phải nói thêm rằng, theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, đối với các dự án do Bộ GTVT là cấp quyết định đầu tư, thì các đơn vị trực thuộc thường được ưu tiên giao làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng có thể ủy thác, giao nhiệm vụ của chủ đầu tư gồm phê duyệt thiết kế kỹ thuật, lựa chọn ban quản lý dự án, lựa chọn nhà thầu thi công, tư vấn giám sát… cho cơ quan, tổ chức có kinh nghiệm, năng lực quản lý tại các địa phương.

Về lý thuyết, việc giao dự án, công trình cho các Sở GTVT làm chủ đầu tư có ưu điểm là phối hợp tốt hơn với chính quyền các quận, huyện trong giải phóng mặt bằng; cán bộ của Sở GTVT thường thông hiểu địa bàn, nắm chắc nguồn cung cấp vật liệu xây dựng; đồng thời còn góp phần giảm thiểu chi phí quản lý dự án do cán bộ quản lý dự án không phải di chuyển quá xa để bám hiện trường...

Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã từng giao khá nhiều sở GTVT địa phương làm chủ đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng giao thông quy mô vừa và nhỏ được triển khai trên địa bàn. Các quyết định giao dự án này thường dựa trên chính kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo tỉnh để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, đồng thời tạo điều kiện cho các Sở GTVT có thêm công ăn, việc làm.

Tuy nhiên, bên cạnh một số ít dự án được triển khai đúng tiến độ, chất lượng, vẹn cả đôi đường, phần lớn công trình giao thông mà các địa phương xin đảm nhận thường chậm tiến độ, chất lượng thi công không đảm bảo, gây bức xúc cho chính cử tri, người dân địa phương. Trong đó, Dự án Quốc lộ 27 đoạn tránh Liên Khương (Lâm Đồng) dây dưa tiến độ gần chục năm trời dù chỉ xây dựng có 6,2 km đường cấp VI miền núi là ví dụ điển hình.

Mẫu số chung tại các dự án này là, khi mới nhận công trình thì trống dong, cờ mở, nhưng khi bị chậm tiến độ, đụng khó khăn thì các bên thường có xu hướng đùn đẩy trách nhiệm. Vướng mắc lớn nhất là các chỉ đạo chuyên môn để thúc tiến độ của Bộ GTVT đối với Sở GTVT không đạt hiệu lực, hiệu quả cần thiết. Bộ GTVT không thể mạnh tay xử lý nhân sự tại các sở GTVT địa phương do những đơn vị này trực thuộc UBND tỉnh, thành phố.

Hiện chưa rõ UBND tỉnh Quảng Bình có chấp nhận yêu cầu của Bộ GTVT hay không, nhưng yêu cầu của Bộ GTVT có thể coi là một tín hiệu tích cực và cần được nhân rộng trong việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân khi triển khai dự án đầu tư công trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông.

Trên thực tế, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua thường mới chỉ quy được trách nhiệm cho các nhà thầu, ban quản lý dự án, mà chưa minh định trách nhiệm của các chủ đầu tư, đặc biệt là tại các dự án được phân giao cho địa phương quản lý, trong khi đây lại là đơn vị có tiếng nói quyết định tới việc triển khai công trình.

Trong khi chờ chế tài xử lý vấn đề này, với giai đoạn trước mắt, các bộ, ngành trung ương cần kiên quyết không giao dự án, không giao vốn cho các chủ đầu tư có công trình triển khai bê trễ, giải ngân không đạt kế hoạch. Ngoài ra, cần gắn với xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, qua đó chữa dứt điểm “căn bệnh” nhận vốn, nhận dự án rồi để đấy, thiếu quyết liệt trong triển khai thực hiện.

Đây cũng là yêu cầu cấp bách đặt ra không chỉ với ngành giao thông, mà với cả các bộ, ngành, địa phương khác đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, trong đó đầu tư công luôn được coi là đòn bẩy, được kỳ vọng sẽ mang lại sức lan tỏa lớn hơn cho cả nền kinh tế hiện chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

TP.HCM: Còn nhiều vướng mắc khi đầu tư các dự án giao thông trọng điểm
Vốn, giải phóng mặt bằng và thủ tục vẫn là những vướng mắc kéo chậm tiến độ đầu tư hàng loạt dự án giao thông trọng điểm mà chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư