Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
WB: Dịch vụ cấp nước nông thôn Việt Nam đang được cải thiện rõ rệt
Diệu Minh - 10/06/2019 09:34
 
Báo cáo độc lập của Ngân hàng thế giới (WB) tại Hội thảo “Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn” vừa diễn ra cho biết, mức độ bao phủ của các dịch vụ cấp nước và vệ sinh đang được cải thiện rõ rệt ở vùng nông thôn Việt Nam.
.
WB đánh giá Việt Nam cần một nỗ lực không nhỏ trong việc đưa nước sạch về với các vùng nông thôn

Trong khi trước đó, việc tiếp cận với các công trình cấp nước sạch và công trình phụ hợp vệ sinh ở nông thôn Việt Nam là một trong những khu vực thấp nhất ở Đông Á.

“Năm 2000, chỉ có 10% các hộ gia đình nông thôn được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh. Đến năm 2016, khảo sát Mức sống hộ gia đình Việt Nam cho thấy 70% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch (20% từ nước máy) và 77% hộ nông thôn được sử dụng nhà vệ sinh cải tiến”, báo cáo cho hay.

Ngành nước Việt Nam cũng đang được cho là có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển. Tại triển lãm quốc tế hàng đầu về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước tại Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Tiến - Phó chủ tịch hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết ngành nước Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển. Đặc biệt, ngành cấp nước Việt Nam "không thua kém các nước trong khu vực và châu Á.

Cụ thể, mục tiêu đảm bảo việc tiếp cận nguồn nước sạch và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả người dân (nằm trong mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030) đang được nhiều quốc gia triển khai, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, về mặt quản lý nhà nước, hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật trong nước liên quan đang ngày càng hoàn thiện; sự phát triển đô thị, tốc độ đô thị hóa cũng đang đẩy nhanh nhu cầu về tiếp nhận nước sạch.

Cũng theo ông Tiến, Hà Nội đang thực hiện theo quy hoạch cấp nước được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Hà Nội đã đầu tư thêm một số nhà máy cấp nước với quy mô, công suất lớn, ví dụ như nhà máy nước sạch sông Đuống với công suất 150.000 m3/ngày đêm. Song song với đó là việc nâng cấp xây dựng tiếp nhà máy thứ hai cũng là 150.000 m3 nữa. Hiện nay mạng lưới cấp nước từ nhà máy này cũng đang được xây dựng.

“Chúng tôi cho rằng, hiện nay mạng lưới cấp nước đô thị đang vươn tới cấp nước cho các vùng nông thôn, đặc biệt các vùng ngoại ô, các vùng kế cận. Một số khu vực khác vẫn do cấp nước nông thôn quản lý nhưng chúng ta cũng phải mong muốn, mạng lưới cấp nước đô thị vươn đến phục vụ cho các khu vực nông thôn, không chỉ có Hà Nội”, ông Tiến nói.

Về việc mở rộng mạng lưới cấp nước cho khu vực nông thôn, báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thực hiện xã hội hóa cấp nước, đến nay UBND Thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án cấp nước (trong đó có 11 dự án phát triển nguồn tổng công suất tăng thêm 1.350.000 m3/ngày đêm) và 23 dự án phát triển mạng cấp nước cho 382/416 xã với phạm vi cấp cho khoảng 4.023.200 người, với khoảng 1.005.000 hộ, đạt trên 94%.

.
Nhà máy nước mặt sông Đuống 2.

Năm 2018 đã có 4 dự án cấp nguồn hoàn thành bổ sung khoảng 335.000m3/ngày đêm cho Thành phố, đến nay một số dự án phát triển mạng hoàn thành đã nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch lên trên 56,5%. Trong năm 2019 này, Hà Nội đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 73 - 75%.

Mặc dù có bước tiến đáng kể trong việc tiếp cận với các dịch vụ cấp nước và vệ sinh trên toàn quốc, nhưng báo cáo của WB cũng cho biết khoảng cách giữa người giàu và người nghèo vẫn còn tồn tại.

“Chỉ 7% người nghèo có nước máy so với 40% người không nghèo, chỉ 40% người nghèo được tiếp cận với nguồn nước uống hợp vệ sinh so với 81% của các gia đình khá giả; và chỉ có 30% người nghèo tiếp cận với nhà tiêu hợp vệ sinh so với 88% người khá giả hơn. Bức tranh tương tự cho các hộ gia đình thành thị và nông thôn. Chỉ 20% người dân nông thôn có nước máy so với 86% cư dân thành thị; 70% người dân nông thôn được tiếp cận với nước nguồn nước sạch hợp vệ sinh so với 96% người dân thành thị; và chỉ 77% người dân nông thôn đã có nhà tiêu hợp vệ sinh so với 96% người dân thành thị.

Do đó, theo các chuyên gia môi trường, Việt Nam cần một nỗ lực không nhỏ trong việc đưa nước sạch về nông thôn, trong đó việc Hà Nội tiên phong vươn mạng lưới cấp nước đô thị phục vụ khu vực nông thôn sẽ tạo tiền đề rộng mở nhằm phát triển ngành cấp nước tại Việt Nam tới đây.

Lời giải bền vững trong cung cấp nước sinh hoạt
Chủ trương thay thế nguồn nước ngầm bằng nước mặt được Hà Nội đặt ra nhiều năm nay. Cùng với nguồn nước sạch Sông Đà, Nhà máy Nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư