Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
WHO: Bất bình đẳng về vaccine đang hỗ trợ và tiếp tay cho đại dịch Covid-19
T.T - 08/10/2021 11:40
 
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã công bố một sáng kiến của WHO nhằm đạt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 vào giữa năm 2022.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến chung với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ông Tedros tuyên bố: "Ngày hôm nay, WHO phát động Chiến lược đạt mục tiêu tiêm chủng toàn cầu vào giữa năm 2022".

Tổng Giám đốc WHO nêu rõ theo chiến lược này, đến cuối năm 2021 mỗi nước trên thế giới tiêm chủng cho 40% dân số và đến giữa năm 2022 đạt tỷ lệ 70%, thông qua việc ưu tiên phân phối vaccine cho những nước có thu nhập thấp, nhất là những nước ở châu Phi. 

Theo ông Tedro, để đạt được mục tiêu trên sẽ cần ít nhất 11 tỷ liều vaccine và đây là vấn đề về phân bổ chứ không phải vấn đề về nguồn cung. Ông khẳng định "sản lượng vaccine toàn cầu hiện nay là gần 1,5 tỷ liều/tháng, đủ cung cấp để đạt được mục tiêu trên, miễn là vaccine được phân phối công bằng". 

Số liệu của WHO cho thấy hơn 6,4 tỷ liều vaccine hiện đã được sử dụng trên toàn cầu và gần 1/3 dân số thế giới đã hoàn thành tiêm chủng. Tuy nhiên, các nước có thu nhập thấp tiếp nhận chưa tới 0,5% lượng vaccine của thế giới. Tại châu Phi, chưa tới 5% dân số được tiêm phòng đầy đủ. 

Đầu năm nay, WHO đã đặt mục tiêu đến cuối tháng 9 mỗi nước trên thế giới tiêm chủng cho 10% dân số. Tuy nhiên, 56 nước trên thế giới không đạt được mục tiêu này. Thực tế này khiến Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tham gia cuộc họp báo cùng Tổng Giám đốc WHO phát động chiến lược trên. Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres nhấn mạnh: "Bất bình đẳng về vaccine đang hỗ trợ và tiếp tay cho đại dịch COVID-19, khiến các biến thể sinh sôi và phát tán, có thể làm tăng thêm hàng triệu người thiệt mạng trên thế giới và kéo dài suy giảm kinh tế có thể gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD".

Ông Guterres nêu rõ nếu dịch bệnh lây lan ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp thì nguy cơ xuất hiện biến thể kháng vaccine trở nên lớn hơn, như vậy các nỗ lực tiêm chủng cho người dân ở những nước phát triển giàu có sẽ thất bại. Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh, vì vậy, việc phân phối vaccine không công bằng "không chỉ phi đạo đức mà còn là không sáng suốt". 

Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres kêu gọi các nước giàu trong Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đưa ra cam kết "cả thế giới đều được tiêm chủng" tại hội nghị thượng đỉnh của G20 dự kiến diễn ra vào cuối tháng này tại Rome (Italy).

WHO: Biến chủng mới Mu tiềm ẩn khả năng lẩn tránh miễn dịch
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng "Mu", một biến chủng mới của Covid-19, chứa một loạt đột biến có khả năng lẩn tránh miễn dịch.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư