Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
WHO: Biến thể mới Omicron có thể gia tăng nguy cơ tái nhiễm Covid-19
Lê Quân - 27/11/2021 12:29
 
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã dùng chữ cái Hy Lạp Omicron để đặt tên cho một biến thể mới của Covid-19 vừa được phát hiện ở Nam Phi.
Biến thể Omicron được các nhà khoa học Nam Phi xác định có chứa hơn 30 đột biến trong protein gai. Ảnh: AFP
Biến thể Omicron được các nhà khoa học Nam Phi xác định có chứa hơn 30 đột biến trong protein gai. Ảnh: AFP

Theo đó, WHO đã liệt Omicron, với tên gọi ban đầu là B.1.1.529, vào danh sách các biến thể đáng lo ngại. Các chuyên gia y tế vô cùng lo lắng về khả năng truyền nhiễm của biến thể Omicron bởi nó có một loạt đột biến bất thường và hồ sơ cho thấy biến thể này khác hẳn so với các biến thể đáng lo ngại khác.

Bà Maria Van Kerkhove, Kỹ thuật trưởng về Covid-19 của WHO nhấn mạnh trong một video đăng trên Twitter rằng: "Omicron hay B.1.1.529 được coi là một biến thể đáng lo ngại vì nó có một số đặc tính đáng lo ngại". "Biến thể này có một số lượng lớn các đột biến, và một số đột biến có một số đặc tính đáng lo ngại", bà Maria Van Kerkhove nói.

Các chuyên gia y tế lo ngại rằng số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh chóng ở tỉnh Gauteng của Nam Phi - nơi đầu tiên mà biến thể Omicron được phát hiện - đồng nghĩa với nguy cơ rằng biến thể này có khả năng lẩn tránh khỏi miễn dịch cao hơn các biến thể khác. Theo báo cáo của WHO, số ca nhiễm Omicron đang gia tăng ở hầu hết các tỉnh của Nam Phi.

Cần nhắc lại rằng WHO chỉ liệt các biến thể Covid-19 vào diện đáng lo ngại khi chúng dễ lây lan hơn, độc lực cao hơn hoặc né tránh được các biện pháp y tế công cộng, bao gồm cả vắc-xin và trị liệu.

Dữ liệu được trình bày tại cuộc họp hôm 25/11 do Bộ Y tế Nam Phi tổ chức đã cho thấy một số đột biến của Omicron có khả năng kháng kháng thể cao hơn, điều này có thể làm giảm tác dụng của vắc-xin kháng Covid-19.

Một số đột biến nhất định cũng có thể khiến Omicron có khả năng lây lan cao hơn. Nhiều đột biến khác của Omicron cho đến nay vẫn chưa được báo cáo, khiến các nhà nghiên cứu chưa thể xác định được liệu chúng có thể tác động đến hành vi của biến thể ra sao, theo nội dung thuyết trình đưa ra tại cuộc họp của Bộ Y tế Nam Phi.

"Bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ tái nhiễm với biến thể này (Omicron -  BTV) tăng lên so với các biến thể đáng lo ngại khác", WHO nêu trong thông cáo ngày 27/11. Cơ quan này cho biết sẽ mất nhiều tuần để hiểu được biến thể Omicron ảnh hưởng ra sao đến việc chẩn đoán, điều trị và vắc-xin.

Nhà khoa học Nam Phi Tulio de Oliveira lưu tại một cuộc họp báo gần đây rằng biến thể Omicron chứa khoảng 50 đột biến, nhưng hơn 30 trong số này có trong protein gai, vùng của protein tương tác với tế bào người trước khi xâm nhập vào tế bào.

Hơn nữa, miền liên kết thụ thể (RBD) - phần virus tiếp xúc trước tiên với tế bào người - có 10 đột biến, cao hơn nhiều so với con số 2 đột biến của biến thể Delta, một biến thể đã lây lan nhanh chóng kể từ đầu năm nay và trở thành biến thể thống trị toàn cầu.

Mức đột biến trên của Omicron có nghĩa rằng nó rất có thể đến từ một bệnh nhân không thể loại bỏ virus, tạo cơ hội cho nó tiến hóa về mặt di truyền. Giả thuyết này trước đó cũng đã được đưa ra cho biến thể Alpha.

Bà Maria Van Kerkhove, Kỹ thuật trưởng về Covid-19 của WHO cho biết: "Có rất nhiều công việc đang được tiến hành ở Nam Phi và ở các quốc gia khác để tìm hiểu rõ hơn về biến thể mới (Omicron - BTV), về khả năng lây truyền, về mức độ nghiêm trọng, và bất kỳ tác động nào của nó đến các biện pháp đối phó của chúng ta, chẳng hạn như việc chẩn đoán, điều trị hoặc vắc-xin".

"Cho đến nay có rất ít thông tin, nhưng những nghiên cứu đó đang được tiến hành", đại diện WHO nói thêm.

Khoảng 100 bộ gen biến thể Omicron đã được xác định ở Nam Phi, chủ yếu ở tỉnh Gauteng. Biến thể này cũng đã được phát hiện ở Israel, Botswana, và Hong Kong.

Các quan chức y tế cho biết, nhiều đột biến được xác định trong biến thể Omicron có liên quan đến khả năng kháng kháng thể cao hơn. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của vắc-xin và ảnh hưởng đến cách virus hoạt động khi tiêm chủng, dùng phương pháp điều trị và khả năng lây truyền.

Bà Sharon Peacock, giáo sư y tế cộng đồng và vi sinh học tại Đại học Cambridge cho rằng: "Có hai cách tiếp cận đối với tình hình sắp tới: Hoặc là chờ thêm các bằng chứng khoa học hoặc hành động ngay bây giờ và rút lại sau nếu không cần thiết"

"Tôi cho rằng tốt hơn hết là nên triển khai mạnh tay, triển khai sớm và nhanh và xin lỗi nếu nhầm lẫn, hơn là quan điểm học thuật rằng chúng ta cần đạt được bằng chứng rõ ràng trước khi hành động. Sự lây lan dịch bệnh nhanh chóng ở Nam Phi có thể là do các sự kiện siêu lây lan hoặc các yếu tố khác", bà Sharon Peacock khuyến cáo.

Ngay sau thông tin ban đầu về biến thế Omicron, Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Israel, Singapore, và Mỹ đồng loạt áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại đối với người từ các quốc gia ở phía Nam châu Phi.

Sau động thái của Vương quốc Anh, Bộ Ngoại giao Nam Phi lên tiếng cho rằng Anh như "dường như đã vội vã phòng dịch vì ngay cả WHO vẫn chưa đưa ra lời khuyên cho các bước tiếp theo".

Về việc này, WHO khuyến cáo các quốc gia không nên vội vàng áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, mà thay vào đó cần áp dụng "phương pháp tiếp cận khoa học dựa trên đánh giá rủi ro".

Hàn Quốc, Australia có số ca nhiễm tăng kỷ lục do biến thể Delta
Hàn Quốc áp dụng biện pháp chống dịch nghiêm ngặt nhất tại Thủ đô Seoul sau khi ghi nhận 1.100 ca nhiễm Covid-19 mới vào ngày 11/7.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư