Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 04 tháng 10 năm 2024,
Xây dựng công cụ nâng cao hiệu quả thực thi chính sách về phát triển bền vững
Kỳ Thành - 21/12/2022 12:58
 
Việt Nam được đánh giá khá tốt về tiến độ chung trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhưng việc duy trì mức độ tiến bộ gặp nhiều thách thức.

Sáng 21/12, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị”.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Học viện Chính sách và Phát triển, nhằm thông qua thảo luận, trao đổi, kiến nghị của các chuyên gia, góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận về phát triển bền vững, đánh giá tiến trình phát triển bền vững một cách toàn diện hơn ở các cấp, tích hợp các chỉ tiêu phát triển bền vững vào các quy hoạch cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương, hoàn thiện khung khổ chính sách về phát triển bền vững ở Việt Nam.

Hội thảo “Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị”.

Phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu

Theo PGS.TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang phải trải qua những tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu, sự cạn kiệt dần của tài nguyên thiên nhiên và gần đây nhất là đại dịch toàn cầu COVID-19 và những thách thức an ninh phi truyền thống.

“Những thách thức, sự kiện cực đoan này cũng chính là vấn đề giúp chúng ta nhìn nhận ra tầm quan trọng của việc phát triển hài hòa và cân đối giữa ba trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển bền vững đã và đang trở thành nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người”, PGS.TS Trần Trọng Nguyên nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Trọng Nguyên cho biết, thực hiện cam kết quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 tại Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017. Theo đó, Việt Nam đã xây dựng bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững, dựa trên các mục tiêu được công bố bởi Liên Hợp Quốc với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

PGS.TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển phát biểu tại hội thảo.

Việt Nam có bước phát triển tốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Theo TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 17 mục tiêu phát triển bền vững SDGs của toàn cầu đã được Việt Nam quốc gia hóa trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 (NAP) với 115 mục tiêu cụ thể để phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia. Sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị về phát triển bền vững nhằm thúc đẩy và đưa việc thực hiện các mục tiêu SDGs là một công việc thường xuyên và định kỳ báo cáo.

Sau khi NAP được thông qua, tính đến nay, 17/22 bộ, ngành và 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Lộ trình thực hiện các mục tiêu SDGs đến năm 2030 đã được ban hành, tạo cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng các chỉ tiêu cho các chiến lược, kế hoạch, chính sách trên các ngành/lĩnh vực theo giai đoạn 5 năm, hàng năm. Nhằm theo dõi, đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu SDGs, hệ thống gồm 158 chỉ tiêu phát triển bền vững Việt Nam đã được ban hành.

Đặt vấn đề thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh mới của toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu, GS.TS Ngô Thắng Lợi, Trường Đại học Kinh tế quốc dân và TS Nguyễn Thế Vinh, Phó giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, cần chú trọng 3 vấn đề là: (1) Bảo đảm duy trì lâu dài tốc độ tăng trưởng nhanh và hiệu quả; (2) Gắn kết thành quả tăng trưởng kinh tế với việc thực hiện tiến bộ xã hội cho con người; (3) Gắn kết tăng trưởng với mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

TS. Lê Việt Anh cho biết, theo đánh giá của SDG Index, Việt Nam đã có những bước phát triển khá tốt kể từ năm 2015. Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 68, tăng lên hạng 49 vào năm 2020. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, Việt Nam đã tụt xuống và đứng ở vị trí 55 vào năm 2022. Nguyên nhân chính của việc giảm thứ hạng là do thay đổi về mặt phương pháp tính.

Nhìn chung trong khu vực châu Á, Việt Nam được đánh giá khá tốt về tiến độ chung trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhưng việc duy trì mức độ tiến bộ gặp nhiều thách thức trong bối cảnh dịch Covid và những thách thức toàn cầu.

TS. Lê Việt Anh cho rằng, nhiều mục tiêu phát triển bền vững khó có khả năng đạt được vào năm 2030, trong bối cảnh thế giới diễn biến khó lường, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt, Dịch COVID-19 để lại những hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường còn lớn, phát triển kinh tế xã hội trong nước còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.

Bên cạnh đó, quá trình xây dựng và thực thi khung khổ chính sách phát triển bền vững còn gặp nhiều vướng mắc, hiệu lực thực thi chính sách chưa cao, sự tham gia của một số bên liên quan còn hạn chế. Nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững chưa tướng xứng với nhu cầu đặt ra.

Xây dựng công cụ cho điều hành liên quan đến phát triển bền vững

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Trần Trọng Nguyên, trong quá trình thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam, còn nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn đặt ra như: Quan điểm về nội hàm và các bộ phận cấu thành phát triển bền vững, mô hình lý thuyết thực hiện phát triển bền vững ở các quốc gia.

Trên khía cạnh đánh giá, giám sát thực hiện phát triển bền vững, các mục tiêu phát triển bền vững chưa được định lượng bằng các chỉ số cụ thể, nên việc đánh giá còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, việc đánh giá mức độ phát triển bền vững ở Việt Nam mới chỉ tập trung vào tổng thể quốc gia, chứ chưa xây dựng cho cấp độ tỉnh, thành phố; Việc tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc... 

Vì vậy, bắt đầu từ năm 2021, Chỉ số Phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI) đã được Học viện Chính sách và Phát triển xây dựng nhằm đánh giá mức độ phát triển bền vững của từng địa phương theo các chỉ tiêu thành phần, từ đó chỉ ra mức độ phát triển bền vững, những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của từng địa phương trong năm đánh giá.

Đà Nẵng là địa phương được Nhóm nghiên cứu đánh giá là đứng đầu cả nước về phát triển bền vững.

Đại diện nhóm tác giả nghiên cứu APD - ISESR, TS. Phạm Mỹ Hằng Phương, Học viện Chính sách và phát triển cho biết, Chỉ số Phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI) được xây dựng với một số đặc điểm quan trọng tạo điều kiện để các tỉnh/thành có thể dễ dàng áp dụng các biện pháp nhằm cải thiện chỉ tiêu thành phần trong đo lường phát triển bền vững tại địa phương.

Việc xây dựng chỉ số PSDI có ý nghĩa đối với Việt Nam trong tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên nhiều khía cạnh, bao gồm cụ thể hóa cam kết quốc tế của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, thể hiện rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu trên.

Chỉ số PSDI cũng cung cấp thông tin, dữ liệu cho chính quyền các tỉnh/thành phố về hiện trạng thực hiện cam kết phát triển bền vững tại các địa phương, từ đó xác định được những điểm mạnh cần phát huy, những điểm yếu cần khắc phục. Nếu được công bố định kỳ, chỉ số PSDI sẽ hỗ trợ đáng kể cho việc nâng cao hiệu quả xây dựng và thực thi chính sách tại các địa phương.

“Nếu được thực hiện hiệu quả, chỉ số PSDI sẽ có thể trở thành công cụ chính sách quan trọng, hỗ trợ cho Chính phủ trong chỉ đạo điều hành liên quan tới phát triển bền vững”, TS. Phạm Mỹ Hằng Phương khẳng định.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam 2022: Phát triển bền vững là yếu tố then chốt
Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử trong năm 2022 đang dần bình ổn lại sau sự bùng nổ trong giai đoạn 2020-2021, các doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư