Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Xây dựng hành lang chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào tăng trưởng xanh
Nhung Bùi - 18/11/2023 10:12
 
Với các doanh nghiệp, đầu tư vào tăng trưởng xanh, phát triển bền vững chính là khoản đầu tư cho tương lai.

Tại Việt Nam, thời gian qua, các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm và chủ động triển khai có hiệu quả, trách nhiệm.

“Hành động và trách nhiệm của chúng ta lúc này, không chỉ là cho xã hội ngày hôm nay mà còn cho tương lai, cho tất cả nhân loại, để không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên & Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ tại Hội thảo Phát triển bền vững 2023 do Báo Đầu tư/Vietnam Investment Review tổ chức, với chủ đề: “Trách nhiệm của chúng ta - Hành động của chúng ta”.

Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên & Môi trường (thứ hai từ trái sang) tại hội thảo Phát triển bền vững do Báo Đầu tư tổ chức. Ảnh: Chí Cường

Theo ông Lê Việt Anh, bên cạnh chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, mỗi địa phương, bộ ngành cũng đã có khung hành động và những chính sách, hành lang pháp lý rõ ràng dành cho những doanh nghiệp đang nỗ lực hướng về tăng trưởng xanh.

Ông bày tỏ mong muốn rằng giới doanh nghiệp sẽ tìm hiểu kĩ hơn các chính sách hiện có của nhà nước, và có thể đề xuất thêm cơ chế, chính sách để các cơ quan nhà nước tổng hợp, xem xét, từ đó xây dựng chính sách đột phá, hướng đích hơn nữa trong thời gian tới.

Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia, trong đó chỉ rõ những ưu đãi cụ thể mà doanh nghiệp được hưởng, và sẽ trình Thủ tướng ban hành trong thời gian tới.

Sau khi hệ thống ngành này được tích hợp với hệ thống ngành kinh tế thống kê, cũng như được phản ánh trong phân loại xanh về đầu tư, về tín dụng, về ngân hàng, ông Lê Việt Anh khẳng định Việt Nam sẽ có hành lang pháp lý rõ ràng để ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp. Tại đây, doanh nghiệp, sau khi tra cứu vào hệ thống, sẽ tìm thấy các lợi ích, hỗ trợ nhận được từ phía nhà nước.

Với hệ thống chính sách rõ ràng như vậy, Vụ trưởng Lê Việt Anh nói rằng các doanh nghiệp có thể tự tin hơn khi cân nhắc và ra quyết định chi cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Đó không phải là chi phí mà chính là khoản đầu tư cho tương lai.

“Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Nếu chúng ta đã nhận biết được tương lai thì chúng ta hãy dành nguồn lực xứng đáng cho nó, và thành quả nhận được sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí ban đầu bỏ ra. Đó cũng chính là mục tiêu mà các chính sách về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững hướng đến”, ông Lê Việt Anh khẳng định.

Được biết, tăng trưởng xanh là một trong những phương thức quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững (Sustainable Development Goals-SDGs). Gần đây, Việt Nam vừa hoàn thành Rà soát quốc gia tự nguyện lần thứ hai tại Liên hợp quốc, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày và được quốc tế đánh giá cao.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức triển khai thực hiện các sáng kiến mới nhất của Liên hợp quốc là đổi mới thực hiện các SDGs. Thủ tướng cũng vừa ban hành Quyết định số 841/QD-TTg thay thế cho Quyến định 681/QD-TTg về cập nhật và điều chỉnh lộ trình thực hiện SDGs cho đến 2030, trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động, thay đổi chưa từng có tiền lệ. Căn cứ vào đây, các doanh nghiệp có thể tìm thấy cơ sở pháp lý, khung chính sách nhà nước dành cho phát triển bền vững, qua đó tìm ra hướng đi phù hợp cho mình.

Trồng lúa phát thải thấp, một doanh nghiệp Việt tạo ra 10 triệu tín chỉ carbon mỗi năm
Đại diện Lộc Trời đánh giá trồng lúa carbon thấp không phải cơ hội, mà chính là trách nhiệm của doanh nghiệp.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư