Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Xây nhà máy mới, Mediplast có hụt hơi?
Chí Tín - 29/10/2016 13:10
 
Không ít cổ đông tỏ ra băn khoăn khi Công ty cổ phần Nhựa y tế Mediplast dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất dụng cụ y tế bằng nhựa giai đoạn I, với tổng vốn đầu tư hơn 63,4 tỷ đồng.

Đây là kế hoạch đầu tư có tính dài hơi của công ty thiết bị y tế này, nhưng ở góc độ nhà đầu tư cá nhân, nhiều người tỏ ra lo ngại rằng, việc đầu tư mở rộng có thể khiến tỷ suất lợi nhuận của Công ty sụt giảm.

Nhà máy được xây dựng tại Khu công nghiệp Đại Đồng (xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), trên diện tích khu đất 13.700 m2, trong đó diện tích xây dựng công trình gần 6.000 m2.

Nhà máy mới của Mediplast sẽ sản xuất các sản phẩm truyền thống, như kim tiêm bằng nhựa, dây truyền dịch...
Nhà máy mới của Mediplast sẽ sản xuất các sản phẩm truyền thống, như kim tiêm bằng nhựa, dây truyền dịch...

Sản phẩm của Nhà máy sẽ bao gồm các sản phẩm truyền thống: bơm kim tiêm bằng nhựa, các loại bơm tiêm tự khóa, các loại dây truyền dịch, dụng cụ y tế bằng nhựa. Ngoài ra, nhà máy mới cũng được đầu tư để có thể sản xuất một số sản phẩm mới như dây truyền máu, bơm tiêm liền tự khóa, kim luồn bằng nhựa…

Các khoản chi phí chính để xây dựng nhà máy gồm: chi phí xây dựng hơn 34,7 tỷ đồng, chi phí thiết bị hơn 13 tỷ đồng, chi phí thuê đất và hạ tầng hơn 4,7 tỷ đồng, chi phí đầu tư xây dựng hơn 2,67 tỷ đồng…

Thời gian gần đây, một số thương vụ chuyển nhượng cổ phần tại Mediplast đã được giới đầu tư đặc biệt chú ý. Đại gia giàu truyền thống nhất ngành thiết bị y tế là Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam - Công ty cổ phần (Vinamed), ngay sau khi cổ phần hóa, đã tung ra những nước cờ mới mang nhiều toan tính, trong đó có việc mua thêm cổ phần để nắm cổ phần chi phối tại Mediplast.

Cụ thể, Vinamed đã mua 170.000 cổ phiếu (tương đương 10,3% vốn điều lệ) từ cổ đông cá nhân lớn là ông Lê Quốc Hùng và mua 141.000 cổ phiếu (tương đương 8,5% vốn điều lệ) từ cổ đông Hà Ngọc Hồng. Sau các thương vụ này, Vinamed trở thành cổ đông lớn duy nhất tại Mediplast, với tỷ lệ cổ phần nắm giữ lên đến 69,32% vốn điều lệ.

Ngoài ra, những câu chuyện liên quan đến các doanh nghiệp ngành thiết bị y tế gần đây còn được giới đầu tư chú ý bởi sự xuất hiện của ông Phạm Quang Huy - một gương mặt khá quen thuộc với sàn chứng khoán. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 6 đến tháng 9/2016, ông Huy đã ngồi vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị của nhiều công ty khác nhau trong lĩnh vực thiết bị y tế, gồm Vinamed, Mediplast và Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật (mã JVC, sàn HOSE).

Ông Huy được biết đến là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, không phải đi lên từ ngành y tế. Do đó, giới đầu tư đang rất muốn dõi theo những doanh nghiệp thiết bị y tế kể trên dưới sự cầm lái của “thuyền trưởng” mới, xem liệu có thể có những cú nhảy nào đó mang tính đột phá trong đường hướng kinh doanh hay không.

Riêng với Mediplast, đây là doanh nghiệp hoạt động chính trong sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, dụng cụ y tế và các sản phẩm bằng nhựa, vật tư, hóa chất dùng để sản xuất các sản phẩm dụng cụ y tế (không bao gồm kinh doanh dược phẩm và thuốc thú y). Ngoài ra, công ty này còn kinh doanh, tư vấn, bảo hành, lắp đặt và sửa chữa thiết bị bằng nhựa; kinh doanh vật liệu xây dựng và trang trí nội thất; kinh doanh bất động sản (không bao gồm các hoạt động tư vấn về giá đất); cho thuê văn phòng, cửa hàng, kho, bãi đỗ xe…

“Thuyền trưởng” mới của Mediplast đang đứng trước áp lực cần phải làm một điều gì đó để làm mới hình ảnh và tạo sức bật cho doanh nghiệp này và nhà máy sản xuất dụng cụ y tế bằng nhựa rất có thể là phép thử nhằm hiện thực hóa kỳ vọng này. Tuy nhiên, bài toán đầu tư của Mediplast đang đối diện với không ít nghi ngại của cổ đông Công ty về những rủi ro nếu như việc đầu tư không mang lại hiệu quả cao. Đứng trước dự án mới của Mediplast, một số cổ đông cho biết, Mediplast trước đây là công ty có lợi nhuận rất cao (nhiều năm liền lợi nhuận lớn hơn vốn điều lệ), do đó, dự án đầu tư mới nếu không quản lý chặt, thì sẽ làm tỷ suất lợi nhuận của Mediplast giảm đi.

Nhìn lướt qua một vài con số tài chính của Mediplast trong mấy năm gần đây, có thể thấy, công ty này quả thật có một tỷ suất lợi nhuận trong mơ. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 16,5 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận năm 2014 đạt tới hơn 18 tỷ đồng và năm 2015 đạt gần 19,8 tỷ đồng.

Những con số trên đủ để khiến nhiều cổ đông cảm thấy hài lòng với những gì đang có. Tuy nhiên, ông Phạm Quang Huy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Mediplast lại cho rằng, lợi nhuận của Công ty so với vốn điều lệ tuy cao, nhưng nếu so với vốn chủ sở hữu hiện tại gần 44,6 tỷ đồng thì cũng không phải quá cao. Trong khi đó, các sản phẩm truyền thống của Công ty đang ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt, nên tỷ suất lợi nhuận của nhiều sản phẩm sẽ càng ngày càng giảm đi. Do đó, Công ty cần có những khoản đầu tư có tính chiến lược, dài hơi, để có những nền tảng lâu dài và vững chắc hơn cho doanh nghiệp.

Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư ngành dược và thiết bị y tế
Từ 11/8 - 13/8 tại Trung tâm Triển lãm & Hội nghị Sài gòn (SECC) – 799 Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP. HCM sẽ diễn ra Triển lãm Quốc tế thường niên chuyên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư