Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
“Xé” rào cản thanh toán thương mại điện tử
Hữu Tuấn - 18/05/2016 07:27
 
Thói quen sử dụng tiền mặt và tâm lý sợ rủi ro của người tiêu dùng là cản trở lớn nhất đối với thương mại điện tử tại Việt Nam.

Kết quả của các báo cáo phân tích mới nhất từ Google và We are Social đang chỉ ra một thông tin khá thú vị là tỷ lệ thuê bao di động và tài khoản mạng xã hội trên số dân ở mức lý tưởng cho thương mại điện tử. Theo đó, cả nước hiện có gần 40 triệu thuê bao Internet hoạt động, tổng số tài khoản mạng xã hội là 28 triệu, tổng số thuê bao di động là trên 128 triệu, tổng số tài khoản mạng xã hội trên mobile là 24 triệu.

Với thực tế trên cùng với việc phổ cập Internet, smartphone và thương mại điện tử, những tưởng dịch vụ thanh toán điện tử sẽ phát triển mạnh, nhưng thực tế lại khác. Dẫn ví dụ về thanh toán điện tử trong Ngày mua sắm trực tuyến năm 2015 (Online Friday), ông Lê Đức Anh, chuyên viên Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công thương) cho biết, sự kiện này có hơn 800.000 đơn hàng với tổng giá trị 600 tỷ đồng nhưng thanh toán trực tuyến chỉ chiếm hơn 3%.

Mong muốn về một xã hội không tiền mặt vẫn còn xa vời. Ảnh: Đức Thanh
Mong muốn về một xã hội không tiền mặt vẫn còn xa vời. Ảnh: Đức Thanh

Khảo sát của Bộ Công thương cho thấy, chỉ có 53% website có chức năng đặt hàng trực tuyến và 17% website chấp nhận thanh toán trực tuyến. Phần lớn người mua sắm sau khi đặt hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán bằng tiền mặt (74%), hình thức thanh toán qua ngân hàng (chiếm 41%), hình thức trung gian thanh toán qua các website thương mại điện tử chỉ chiếm 8%.

Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, nguyên nhân của tình trạng trên được xác định là thói quen dùng tiền mặt của người dân và tâm lý sợ rủi ro vẫn hiện hữu trong họ. Đồng quan điểm, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn là cản trở lớn nhất đối với thương mại điện tử Việt Nam.

Theo bà Loan, 90% doanh số thanh toán thẻ hiện nay là giao dịch tại các máy ATM, trong đó doanh số rút tiền mặt chiếm hơn 85%, doanh số chuyển khoản chiếm gần 14%, doanh số thanh toán tại đơn vị chấp nhận thẻ hơn 1,07%. “Mong muốn về một xã hội không tiền mặt, một nền kinh tế phi tiền mặt vẫn còn xa vời”, bà Loan nói.

Bà Loan cho rằng, hoạt động thương mại điện tử nói chung và thanh toán trực tuyến nói riêng tại Việt Nam hiện nay còn gặp khá nhiều trở ngại do sự thiếu tin tưởng của người tiêu dùng. Đây là tâm lý khá phổ biến khi khách hàng có cảm giác sợ bị lừa, hoặc cảm thấy rủi ro khi mua hàng, đặc biệt là khi thanh toán trực tuyến.

Ngoài ra, bên cạnh việc cần thiết có một hạ tầng thanh toán an toàn, đảm bảo niềm tin của người tiêu dùng cho thương mại điện tử, thì mảng dịch vụ tiện ích thanh toán được phát triển cho các dịch vụ hành chính công, dịch vụ công ích cũng chưa được các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán quan tâm đầu tư. Đây là các dịch vụ mang tính chiến lược lâu dài, đem lại lợi ích cho xã hội, nhưng chi phí đầu tư lớn và chưa mang lại nhiều lợi nhuận, nên ít được các doanh nghiệp quan tâm.

Mặt khác, hiện vẫn chưa có các chính sách, cơ chế cụ thể, mạnh mẽ nhằm khuyến khích, hỗ trợ thanh toán điện tử phổ cập và phát triển, nhất là khuyến khích, ưu đãi cho các doanh nghiệp, các hộ và cá nhân kinh doanh bán lẻ trong triển khai thanh toán điện tử, thuyết phục khách hàng/người tiêu dùng.

Để giải quyết những rào cản trên, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, cần có sự kết nối, tích hợp tốt hơn giữa các website thương mại điện tử với các dịch vụ thanh toán trực tuyến của các ngân hàng. Khi người tiêu dùng có thể trả tiền trực tuyến dễ dàng, thuận lợi và an toàn, thì thanh toán điện tử tự khắc sẽ phát triển sâu rộng.

Theo bà Nguyễn Tú Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam, quan trọng là cần mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ. Hiện thị trường có khoảng 200.000 máy POS được lắp đặt, nhưng chỉ khoảng 50.000 - 60.000 điểm chấp nhận thẻ, rất hạn chế để người dân thanh toán qua hình thức này.

Ông Phan Thế Thắng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cũng cho rằng, phát triển thanh toán điện tử và đảm bảo tính an toàn, bảo mật trong các giao dịch thanh toán là nội dung trọng tâm cần được đẩy mạnh để tăng lượng thanh toán trực tuyến. Việc này được thực hiện thông qua các giải pháp như hoàn thiện môi trường pháp lý khuyến khích doanh nghiệp chuyển giao công nghệ và ứng dụng thương mại điện tử; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến thanh toán điện tử.

Những bí quyết thành công trong thương mại điện tử
Theo nhiều nghiên cứu, chính chất lượng của dịch vụ chăm sóc khách hàng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất đến doanh thu của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư