Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xi măng Quang Sơn thua lỗ, đối diện nguy cơ phá sản: Bộ Công thương muốn đưa về Vicem, Bộ Xây dựng lắc đầu
Thế Hoàng - 21/07/2018 08:44
 
Tổng nợ 3.637 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 1.400 tỷ đồng, không có khả năng trả nợ, đối diện nguy cơ phá sản… là tình cảnh của Công ty Xi măng Quang Sơn sau hơn 6 năm đi vào hoạt động.

Nợ đầm đìa, nguy cơ phá sản

Đề xuất Chính phủ cho phép chuyển giao nguyên trạng Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn từ Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) sang Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) mà Bộ Công thương đưa ra đã không nhận được sự đồng tình của Bộ Xây dựng.

.
.

Trong công văn mới nhất mà Bộ Xây dựng gửi Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về trường hợp tái cơ cấu của Xi măng Quang Sơn, Bộ Xây dựng một lần nữa khẳng định, đề xuất đưa Xi măng Quang Sơn về với Vicem theo cách chuyển giao toàn bộ phần vốn của Vinaincon đã đầu tư tại Xi măng Quang Sơn sang Vicem dưới hình thức ghi tăng vốn nhà nước cho Vicem và giảm vốn nhà nước cho Vinaincon là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Công ty Xi măng Quang Sơn, tiền thân là Công ty Xi măng Thái Nguyên, do Vinaincon làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, công suất thiết kế 1,51 triệu tấn xi măng/năm.

Ngày 22/3/2003, Dự án được khởi công, nhưng đến cuối năm 2009 mới được khánh thành, đưa vào chạy thử. Đến tháng 7/2011, Dự án đi vào sản xuất chính thức với nhãn hiệu Xi măng Quang Sơn.

Do đi vào hoạt động đúng thời điểm có nhiều nhà máy xi măng cũng ra mắt thị trường, trong khi nguồn cung đã tiệm cận nhu cầu sử dụng, nên Xi măng Quang Sơn liên tiếp gặp khó về tài chính.

Tổng nợ 3.637 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 1.400 tỷ đồng, không có khả năng trả nợ, nguy cơ phá sản… là tình cảnh của Xi măng Quang Sơn lúc này.

Nếu không có giải pháp tái cơ cấu một cách mạnh mẽ, toàn diện đối với Xi măng Quang Sơn nói riêng và Vinaincon nói chung thì rất khó có thể cải thiện tình trạng như hiện nay, đặc biệt là việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với Quỹ Tích lũy trả nợ (Bộ Tài chính) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Bộ Xây dựng khẳng định, Xi măng Quang Sơn do Vinaincon sở hữu 100% vốn điều lệ. Vinaincon là công ty cổ phần, do đó, phần vốn mà Vinaincon đã đầu tư vào Công ty Xi măng Quang Sơn là phần vốn của công ty cổ phần, không phải hoàn toàn là vốn của Nhà nước.

Vì vậy, việc Bộ Công thương đề nghị chuyển giao toàn bộ phần vốn của Vinaincon đã đầu tư tại Công ty Xi măng Quang Sơn sang Vicem dưới hình thức ghi tăng vốn nhà nước cho Vicem và giảm vốn nhà nước cho Vinaincon là không phù hợp theo quy định của pháp luật.

Không thể về Vicem

Việc bác đề xuất đưa Xi măng Quang Sơn về Vicem đã được Bộ Xây dựng đưa ra sau khi nghiên cứu chung và xem xét ý kiến của Vicem.

Qua khảo sát sơ bộ, đại diện Vicem khẳng định, tình trạng của Xi măng Quang Sơn rất bê bết, sản xuất đình đốn, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không ổn định, thị trường tiêu thụ nhỏ, thu hẹp, công ty mất cân đối nghiêm trọng.

Trong khi bản thân Vicem đang thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp và cổ phần hóa theo phương án được duyệt. Trong đó, Vicem tập trung thực hiện việc tiếp nhận Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. “Vì vậy, nếu thực hiện việc chuyển giao Xi măng Quang Sơn từ Vinaincon về Vicem theo phương án đề nghị của Bộ Công thương là không khả thi”, đại diện Bộ Xây dựng cho biết.

Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Vicem cho hay, Xi măng Quang Sơn đang gánh trên vai khoản nợ khổng lồ (vốn vay lên đến 95% tổng mức đầu tư), nhà máy lại nằm ở vị trí không thuận lợi cho giao thông và vận chuyển sản phẩm, cũng như thị trường tiêu thụ, chi phí giá thành cao... Với thể trạng “sức khỏe” như vậy, rất khó để tái cơ cấu trong bối cảnh thị trường đang dư nguồn cung lớn.

Trong khi bản thân Vicem cũng đang oằn mình nỗ lực giải quyết khó khăn tài chính của Vicem Hạ Long và Sông Thao, nếu nhận thêm khoản nợ từ Xi măng Quang Sơn thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn.

Theo ông Bùi Hồng Minh, Tổng giám đốc Vicem, Vicem đang chuyển đổi, tập trung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, trong đó, dù đã tái cơ cấu bước đầu thành công với Vicem Hạ Long và Sông Thao, nhưng chưa hoàn toàn hết khó khăn.

“Vicem đã trả nợ được 1.000 đồng của Vicem Hạ Long cho Bộ Tài chính, thời gian tới phải cân đối để hoàn trả nốt nợ. Riêng với Vicem Sông Thao cũng đang từng bước thực hiện trả nợ cho nước ngoài và các  khoản nợ đến hạn. Bởi thế, không thể tiếp nhận thêm một doanh nghiệp xi măng ốm yếu nữa”, ông Minh nói.

Lỗ ngàn tỷ, Xi măng Quang Sơn liệu có cửa về với Vicem
Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) từng có kinh nghiệm phục hồi 2 nhà máy xi măng thua lỗ là Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao, nhưng điều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư