Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
Xoay trục trong cuộc chiến thương mại điện tử
Nhung Bùi - 18/09/2024 08:12
 
Vẫn làm thương mại điện tử, song Sendo đã đánh vào phân khúc mới, đó là các bà nội trợ online đang tìm kiếm những sản phẩm chất lượng cho bữa cơm gia đình, với giá cả hợp lý.
Sendo đã tìm được lối đi riêng trong thị trường thương mại điện tử
Sendo đã tìm được lối đi riêng trong thị trường thương mại điện tử.

Nay mua, mai nhận

Những ngày Hà Nội xôn xao vì rau tươi đột nhiên tăng giá gấp đôi, gấp ba so với ngày thường vì cơn bão Yagi, thì chị Kiều Anh (chung cư Linh Đàm, quận Hoàng Mai) lại vô cùng bình thản. Bởi một ngày trước đó, chị đã đặt xong 2 kg su su, 2 kg khoai tây và 1 kg bí đao trên Sendo Farm - mô hình đi chợ online kiểu mới nằm bên trong ứng dụng Sendo.

Không nhớ chính xác khoảng thời gian tham gia, nhưng chị Kiều Anh cho biết, ban đầu chị chỉ mua rau củ, hoa quả tươi và một số loại thịt, cá. Về sau, danh mục mua sắm mở rộng thêm các loại mì tôm, gia vị, dầu ăn, nước giặt…

“Một tuần tôi sẽ đặt hàng 2-3 lần. Chỉ cần đặt từ tối hôm trước, chiều hôm sau sẽ có hàng. Đợt bão này, thời gian giao hàng chậm hơn đôi chút, nhưng tôi vẫn thấy ổn, vì giá rau củ ổn định, không tăng cao như ở chợ”, chị Kiều Anh nói.

Trong tương lai, xu hướng đi chợ online sẽ ngày càng phổ biến, khi người tiêu dùng ưu tiên những sản phẩm có thể truy suất nguồn gốc rõ ràng, giá cả hợp lý, lại không tốn nhiều thời gian mua sắm. 

Ra mắt năm 2021, Sendo Farm là mô hình đi chợ online kiểu mới, cho phép người tiêu dùng đặt hàng từ hôm nay và nhận hàng vào ngày mai tại các điểm nhận hàng gần nhà. Trong vòng 3 năm, Sendo Farm đã mở rộng từ Hà Nội sang 4 tỉnh, thành phố khác của Việt Nam, gồm TP.HCM, Biên Hòa, Bình Dương, Bắc Ninh. Trên Sendo Farm, các bà nội trợ có thể tìm thấy hơn 5.000 mã sản phẩm, thuộc nhiều nhóm hàng khác nhau, từ thịt, hải sản, trái cây nội, trái cây nhập khẩu, rau củ sạch, cho đến các món đồ ăn chế biến sẵn, các nhóm hàng phi thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

So với hình thức mua sắm tại các chợ truyền thống, Sendo Farm có ưu thế về nguồn gốc sản phẩm, chưa kể giá thành nhiều mặt hàng còn rẻ hơn hàng bán ngoài chợ. Ví dụ, với cà chua, có những thời điểm chị Kiều Anh mua được giá 20.000 đồng/kg, trong khi chợ truyền thống vẫn bán giá 30.000 đồng/kg. Hoặc giá khoai lang Nhật Bản trên Sendo Farm khoảng 17.000 đồng/kg, thấp hơn giá khoai ngoài chợ vẫn bán là 25.000 đồng/kg.

Còn nếu so với các mô hình mua sắm hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, Sendo Farm sẽ giúp các bà nội chợ tiết kiệm thời gian xếp hàng chờ thanh toán, thời gian đi dạo quanh để chọn được món đồ ưng ý.

Theo đại diện Sendo Farm, trong bối cảnh chi tiêu thắt chặt, ngày càng nhiều người có xu hướng đi chợ online, tìm kiếm những sản phẩm có giá thành phải chăng, nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng. Đây cũng là lý do, đơn vị cải tiến mô hình đi chợ online nhằm tạo thêm thuận lợi cho người mua và người bán.

“Nhiều chị em bận rộn với việc ở công sở, luôn đau đầu khi đi chợ để lo những bữa ăn cho gia đình vì họ không có nhiều thời gian dạo chợ hay siêu thị để lựa rau, củ, quả, thịt, cá, trứng… Sendo Farm được tạo ra nhằm ‘trị đau đầu tại nhà’ cho chị em nội trợ bằng sự tiện lợi, mặt hàng tươi mới”, đại diện Sendo Farm cho biết.

Sendo Farm cho phép người tiêu dùng đặt hàng từ hôm nay và nhận vào ngày hôm sau
Sendo Farm cho phép người tiêu dùng đặt hàng từ hôm nay và nhận vào ngày hôm sau.

Lối đi riêng trong mảng chợ online B2C

Đến thời điểm hiện tại, Sendo Farm là khu “chợ online” về nông sản theo mô hình B2C có quy mô hoạt động và số mã sản phẩm lớn nhất Việt Nam.

Theo các chuyên gia, đi chợ online đã trở thành xu hướng tiêu dùng hiện đại, được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, hình thức đi chợ online được triển khai trong đại dịch chủ yếu là việc các bà nội chợ đặt qua ứng dụng gọi xe công nghệ; tài xế đến tận nơi mua hàng và chuyển về cho khách hàng. Hình thức này không được đánh giá cao và các bà nội trợ không thể duy trì thường xuyên, vì tốn kém phí vận chuyển.

Về sau, các khu chợ online thành công trên thị trường như Chợ Deli, Kamereo… chủ yếu tập trung vào mô hình B2B, phân phối thực phẩm dạng sỉ đến nhà hàng, khách sạn, quán ăn. Mô hình chợ online hướng tới khách hàng lẻ được một số đơn vị thực hiện, nhưng khó thành công. Vào cuối năm 2023, nền tảng Cooky, được phát triển từ năm 2020 bởi nhà sáng lập Đặng Hoàng Minh, đã phải dừng hoạt động tại Hà Nội, đến nay chỉ hiện diện trong TP.HCM.

“Các mô hình chợ online B2C sẽ khó duy trì hơn B2B, bởi tính phân tán của đơn hàng, chưa kể thói quen mua sắm của các bà nội trợ cũng có phần khó tính, khắt khe hơn. Miếng thịt, mớ rau không như ý có thể bị đổi trả bất cứ lúc nào”, CEO một doanh nghiệp trong ngành tiết lộ.

Như vậy, để trụ vững sau 3 năm, thậm chí mở rộng hoạt động, Sendo Farm rõ ràng đã tìm được lối chơi riêng.

Trước hết, trong mô hình nay mua mai nhận, quy trình đặt hàng và thanh toán của khách hàng diễn ra trong ngày hôm trước. Từ 16 giờ chiều ngày hôm sau, khách hàng mới nhận hàng. Khoảng thời gian ở giữa đủ để Sendo Farm kết nối với nhà cung cấp, đảm bảo hàng nhập đúng theo nhu cầu, tránh tình trạng tồn kho, khiến hàng hóa bị hủy, hỏng.

Thứ hai, đơn hàng đặt qua Sendo Farm đều được miễn phí vận chuyển toàn bộ, kể cả những đơn hàng có giá trị chưa tới 10.000 đồng. Để làm được điều này, chuỗi cung ứng trong mô hình đã tối ưu hóa, bằng cách tập trung triển khai nhận hàng từ tất cả nhà cung cấp vào một kho tổng. Từ kho tổng, hàng hóa được phân loại, chế biến ngay trong đêm để chia về các hub (địa điểm giao nhận), sau đó giao tiếp đến các địa điểm nhận hàng vệ tinh gần nhà khách hàng; đó có thể là tạp hóa, hiệu thuốc, chân tòa chung cư…

Đáng chú ý, Sendo Farm áp dụng mô hình điểm giao nhận hàng vệ tinh trải khắp các khu dân cư, thông qua việc mở rộng hệ thống đối tác. Bất cứ hộ gia đình, hộ kinh doanh lớn nhỏ nào có thể đáp ứng nhu cầu về bảo quản thực phẩm đều có thể đăng ký làm đối tác, trở thành điểm giao - nhận hàng Sendo Farm. Các đối tác này cũng được chia một phần lợi nhuận, nếu khách đặt hàng qua link liên kết của đối tác. Càng nhiều đối tác, Sendo Farm càng mở rộng mạng lưới bán hàng và giao nhận của mình. Đến nay, Sendo Farm đã xây dựng mạng lưới hơn 20.000 điểm nhận hàng tại 5 tỉnh, thành phố. Trong một khu dân cư, 3-4 đối tác có thể cùng tồn tại, và khi đó chính các đối tác phải cạnh tranh lẫn nhau để đem tới dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.

“Trước đây, tôi thường đi làm về rồi mới lấy hàng Sendo Farm ở một tiệm tạp hóa gần nhà. Nay tôi chuyển sang điểm nhận hàng khác, chỉ cần đặt mua, hôm sau có người giao tận cửa”, chị Kiều Anh cho hay.

Với một khu chợ online tập trung nhiều vào nông sản, thịt cá tươi, vấn đề hàng hóa bị giao thiếu, bị lỗi là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, khách hàng có thể khiếu nại ngay trên ứng dụng và được bồi hoàn vào hôm sau. “Sendo Farm cam kết chất lượng và hoàn tiền ngay khi các sản phẩm có vấn đề về chất lượng”, ứng dụng nêu rõ.

Chiến lược xoay trục hợp lý

Sự chuyển hướng sang nhóm khách hàng nội trợ, với phân khúc chợ online, là bước đi hoàn toàn hợp lý của Sendo, trong bối cảnh sàn thương mại điện tử này có dấu hiệu đuối sức so với nhiều tay chơi khác trên thị trường. Số liệu từ Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam, do iPrice cung cấp cho thấy, thời điểm Sendo Farm ra mắt vào quý IV/2021, website Sendo có lượt truy cập thấp nhất trong số các sàn thương mại điện tử phố biến tại Việt Nam, chỉ 4,9 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Trong khi con số này ở Tiki, Lazada và Shopee lần lượt là 17,8 triệu lượt,  20,6 triệu lượt và 88,9 triệu lượt.

Dữ liệu của Metric.vn cũng ghi nhận, 5 tháng đầu năm 2022, Sendo là sàn có thị phần doanh số thấp nhất trong 4 sàn, ở mức 1,5%. Cao nhất là Shopee (72,8%), Lazada (20%) sau đó đến Tiki (5,8%).

Trong khi thị trường thương mại điện tử ngày càng khốc liệt, thì đại dịch Covid-19 lại khiến Sendo nhìn ra cơ hội mới. Bởi Covid-19 khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, hoạt động tiêu thụ nông sản hàng hóa gặp nhiều khó khăn, nhưng Covid-19 cũng thúc đẩy nhu cầu mua sắm thực phẩm online của người dùng gia tăng.

“Sendo Farm ra đời với sứ mệnh phục vụ bữa ăn sạch cho mọi gia đình Việt, mang đến trải nghiệm đi chợ tiện lợi vượt trội với hình thức hoàn toàn mới lạ”, ông Nguyễn Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Sendo chia sẻ.

Trong tương lai, xu hướng đi chợ online được cho là sẽ ngày càng phổ biến, khi người tiêu dùng ngày càng ưu tiên những sản phẩm có thể truy suất nguồn gốc rõ ràng, giá cả hợp lý, lại không tốn nhiều thời gian mua sắm. Theo một thống kê của Statista, 76% người tiêu dùng Việt Nam thích mua các sản phẩm thực phẩm mà họ biết những gì đã được thêm vào trong quy trình, trong khi 89% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi nhiều hơn cho các sản phẩm thực phẩm có lợi cho sức khỏe.

“Về mặt thị trường, hiện tại 90% bộ phận dân chúng đi chợ truyền thống. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển đổi số và công nghệ tham gia vào thị trường. Dự báo 10-15 năm tới, một bộ phận thế hệ trẻ không còn đi chợ truyền thống nữa, các mô hình kinh doanh hiện đại sẽ lên ngôi. Với mô hình tối ưu toàn bộ chuỗi cung ứng, chúng tôi cam kết đem tới cho khách hàng sản phẩm với giá cả hợp lý, trong khi chi phí vận chuyển chỉ 0 đồng”, đại diện Sendo Farm khẳng định.

Doanh thu thương mại điện tử đạt 13,2 tỷ USD nửa đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp bứt phá
Giá trị giao dịch thương mại điện tử 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 13,2 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư