Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 31 tháng 12 năm 2024,
Xoay xở tìm vốn cho dự án điện độc lập
Thế Hải - 30/11/2020 09:09
 
Với nhu cầu vốn đầu tư 13 - 15 tỷ USD/năm, quy mô thị trường điện Việt Nam được đánh giá đủ sức hấp dẫn, nhưng huy động vốn đang là bài toán quá khó.
Phối cảnh Dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh (Bắc Giang). Ảnh: S.T
Phối cảnh Dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh (Bắc Giang). Ảnh: S.T

Hơn 133 tỷ USD huy động ở đâu?

Để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt 550 - 600 tỷ KWh, ngành điện cần nguồn vốn đầu tư rất lớn.

Theo tính toán sơ bộ của Bộ Công thương, trong giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện là 133,3 tỷ USD, trong đó, cơ cấu giữa nguồn điện và lưới điện là 72/28; trong giai đoạn 2031 - 2045, nhu cầu vốn là 184,1 tỷ USD và cơ cấu giữa nguồn điện và lưới điện là 74/26.

Hiện tại, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào các dự án điện gần như bất khả thi. Với quy mô thị trường vốn trong nước hiện nay và trong ít nhất 5 năm tới, dòng vốn nội sinh của nền kinh tế không thể đáp ứng yêu cầu vốn cho phát triển ngành điện. Từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, cửa tiếp cận nguồn vốn ODA dần khép lại.

Do đó, vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và vốn FDI sẽ có ý nghĩa quyết định trong đầu tư các dự án điện năng. Nhưng, bài toán huy động 13-15 tỷ USD/năm không dễ dàng khi các nhà đầu tư, tổ chức tư vấn đều khẳng định, môi trường kinh doanh còn lắm rủi ro.

Theo ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển, thị trường vốn quốc tế rất lớn, hàng chục ngàn tỷ USD, có thể đáp ứng nhu cầu vốn của Việt Nam, nhưng dòng vốn quốc tế có tính cạnh tranh rất cao, theo đúng quy luật cung - cầu và được vận hành theo những chuẩn mực nhất định, đòi hỏi các chủ thể tham gia thị trường phải tuân thủ.

Còn với vốn đầu tư tư nhân, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, nguồn vốn này cũng khó do thị trường vốn chưa phát triển, khó đáp ứng các yêu cầu phát hành ra công chúng.

Trong khi đó, nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong nước khó khả thi, bởi các dự án năng lượng đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi theo Luật Các tổ chức tín dụng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại; tổng mức dư nợ của một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng gặp khó khăn khi phải cân đối nguồn cho vay do nguồn huy động ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn, trong khi cho vay các dự án năng lượng là dài hạn. Đồng thời, lãi suất vay vốn các ngân hàng trong nước để thực hiện các dự án điện độc lập (IPP) còn khá cao, chưa có chính sách khuyến khích và hỗ trợ của Nhà nước đối với các dự án năng lượng tái tạo, dẫn đến giá bán điện cao, khiến dự án khó thu xếp vốn.

Các chuyên gia đều khẳng định, dòng vốn quốc tế cho dù rất lớn, nhưng sẽ chỉ dịch chuyển tới các quốc gia đáp ứng được các tiêu chí như quy mô thị trường đủ lớn, khả năng sinh lời ở mức hấp dẫn và rủi ro thấp.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Chỉ ra những yếu tố giúp huy động vốn đầu tư nước ngoài cho các dự án điện độc lập, bà Maria Goravanchi, Giám đốc Điều hành khu vực Mekong, Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC) cho biết, tại Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính là doanh nghiệp mua điện và nhà đầu tư sẽ không thể bán điện cho ai khác.

Tính đến tháng 8/2020, các Dự án nguồn điện độc lập đã được đầu tư và vận hành có tổng công suất khoảng 16.400 MW, chiếm 28,3% công suất lắp đặt của toàn hệ thống.

Nguồn: Bộ Công thương

Yếu tố khác khiến nhà đầu tư quan ngại là rủi ro trong chuyển đổi ngoại tệ, chuyển tiền ra nước ngoài và lo ngại sự can thiệp của Chính phủ trên thị trường ngoại hối.

Ông Hugo Virag, đại diện Tập đoàn Astris Finance nhận định, mục tiêu huy động vốn trên 10 tỷ USD/năm cho phát triển các dự án điện sẽ không dễ dàng đạt được, trừ khi thiết lập được cơ chế gọi vốn cho các dự án điện IPP. Là doanh nghiệp chuyên tư vấn về năng lượng, kết cấu hạ tầng, Astris Finance nhận thấy, nhiều nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội đầu tư vào Việt Nam, song họ còn nhiều lo ngại về rủi ro pháp lý, về xây dựng, chậm vận hành dự án, rủi ro về khả năng hạn chế mua điện của EVN, rủi ro gián đoạn kinh doanh, hay bên bao tiêu mất khả năng thanh toán...

Những quan ngại của nhà đầu tư không phải là không có cơ sở. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực liên quan tình hình thực hiện các dự án trong Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) cuối năm 2019 cho biết, 7 dự án điện IPP với tổng công suất gần 2.000 MW đều chậm tiến độ.

Ông Ray Tay (Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s) cho rằng, để thu hút được dòng vốn quốc tế, Việt Nam cần coi trọng vai trò của xếp hạng tín nhiệm quốc gia, vì việc này sẽ giúp Chính phủ, các định chế tài chính và doanh nghiệp có thể giảm được chi phí khi huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế.

Vấn đề tiếp theo là cơ chế về giá điện cũng cần đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, từ đó bảo đảm khả năng sinh lời cần thiết để thu hút các dòng vốn quốc tế. Đồng thời, đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ…

Công ty Phát triển điện lực Nhật Bản muốn đầu tư dự án điện khí tại Khánh Hòa
Công ty Phát triển điện lực J-Power (Nhật Bản) đã đến Khánh Hòa tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án Nhà máy Điện tua bin khí, công suất 3.000MW, vốn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư