Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Xu hướng kết hôn muộn, lười sinh con của phụ nữ Việt
D.Ngân - 01/09/2024 11:18
 
Tuổi kết hôn trung bình lần đầu thay đổi theo hướng kết hôn muộn hơn. Tăng từ 24,1 tuổi (năm 1999) lên 25,2 tuổi (2019). Sau 4 năm, đến năm 2023 tuổi kết hôn lần đầu tiếp tục tăng thêm 2 tuổi và hiện là 27,2 tuổi.

Với nam giới, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 29,3 và nữ giới là 25,1. Cùng đó, phụ nữ thành thị sinh muộn và sinh con ít hơn phụ nữ nông thôn.

Mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế,

Ths.Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM cho biết, các nghiên cứu ghi nhận ngày càng nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân, không kết hôn, sinh con do gặp khó khăn về tài chính, muốn theo đuổi sự nghiệp, khao khát tự do.

Ngoài ra, người trẻ không mặn mà kết hôn còn do ảnh hưởng từ các câu chuyện gia đình đổ vỡ, chưa tìm kiếm được mẫu hình lý tưởng... Còn tại TP.HCM, cần nhiều nghiên cứu để có thể đưa ra những kết luận chính xác về nguyên nhân người trẻ kết hôn muộn.

Mặt khác, ảnh hưởng của việc kết hôn muộn hiện nay chính là mức sinh thấp và tốc độ già hóa dân số nhanh chóng của TP.HCM. Số con trung bình của một phụ nữ thành phố trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32, trong khi năm ngoái là 1,42, giảm ở mức cảnh báo, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế Việt Nam đang duy trì là 2-2,1 con trên mỗi phụ nữ.

Ở mặt tích cực, theo ông Trung, việc kết hôn muộn chứng tỏ giới trẻ phần nào có sự chuẩn bị về tài chính, sự nghiệp, cân nhắc về trách nhiệm nghĩa vụ khi kết hôn. Những điều này giúp thế hệ con cái được đầu tư nuôi dạy, giáo dục tốt hơn.

Trên phạm vi cả nước, theo ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế, mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Theo vùng kinh tế - xã hội, hiện có 2/6 vùng là Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế.

Theo các tỉnh, thành phố, đã có tới 21/63 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chiếm khoảng 39,37% dân số cả nước; hầu hết là những tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy nếu mức sinh cứ giảm với tốc độ như hiện nay mà không có các giải pháp để hãm đà thì đến năm 2054-2059, dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng âm và giảm ngày càng nhanh.

Theo tính toán, năm 2024, với mức sinh thấp, tỷ lệ tăng dân số bình quân là 0,9% và giảm còn 0,68% năm 2029, giảm tiếp còn 0,06 năm 2054 và từ năm 2059, dân số bắt đầu tăng trưởng âm.

Ngược lại nếu mức sinh thay thế vẫn được duy trì ổn định trong giai đoạn này thì đến năm 2069 dân số Việt Nam vẫn tăng nhẹ, tương đương 200.000 người mỗi năm (tăng 0,17%).

Các chuyên gia cho rằng nếu Việt Nam không có đột phá chính sách kinh tế xã hội và chính sách dân số thì mức sinh tiếp tục giảm sâu, "đi theo con đường" như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hiện nay.

Nếu có chính sách phát triển bền vững, tạo điều kiện cho thanh niên lập gia đình, sinh con, nuôi con thuận lợi thì mức sinh sẽ tăng.

Bộ Y tế đang nghiên cứu các đề xuất các chính sách, giải pháp để bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia. Một số gợi ý được đưa ra như chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người; hỗ trợ vợ chồng sinh đủ hai con được mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em...

Giải pháp nào cho mức sinh thấp tại Việt Nam?
Việt Nam đang có mức sinh khá thấp, điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ trong tương lai như thiếu hụt lao động, già hoá dân số... đòi hỏi có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư