Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 02 tháng 10 năm 2024,
Xuất hiện cổ đông lớn, VNH có đổi vận?
Kỳ Thành - 30/07/2016 07:30
 
Việc CTCP Thuỷ hải sản Việt Nhật (VNH - HOSE) xuất hiện cổ đông lớn sau chuỗi thời gian “vô chủ” liệu có tạo ra khả năng đổi vận cho doanh nghiệp này?

Cổ đông lớn nhập cuộc

Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết, cá nhân có tên Nguyễn Thanh Sơn mới đây đã mua thêm 30.000 cổ phiếu VNH, nâng tổng số cổ phiếu VNH mà cá nhân này nắm giữ lên 410.770 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 5,12% vốn điều lệ VNH. Điều này đồng nghĩa với việc ông Sơn đã trở thành cổ đông lớn của VNH.

Kể từ sau khi Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy hải sản Việt Nhật Nguyễn Văn Nhựt bán gần hết số cổ phần nắm giữ, VNH đã không có cổ đông lớn trong một thời gian dài, dẫn đến tình trạng “vô chủ” và công ty liên tục làm ăn sa sút.

.
CTCP Thuỷ hải sản Việt Nhật

Như Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đã từng đề cập trong các bài viết trước đây, giữa năm 2015 đã có một nhóm cổ đông do ông Lê Ngọc Nguyên (Hải Phòng) đại diện đã mua gom cổ phiếu VNH để trở thành cổ đông lớn, để can thiệp vào hoạt động quản trị, qua đó vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh của VNH nhưng bất thành. Cuối cùng, nhóm này đã phải bán tháo toàn bộ số cổ phiếu nắm giữ. Việc này cũng đã dẫn đến những động thái thay đổi đầu tiên của VNH, đó là ông Nguyễn Văn Nhựt từ chức Tổng giám đốc, đồng thời bổ nhiệm ông Trần Quang Minh thay thế hồi tháng 11 năm ngoái.

Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, tình hình kinh doanh của VNH vẫn không được cải thiện, thậm chí tiếp tục đi xuống.

Cụ thể, báo cáo tài chính quý II/2016 vừa được VNH công bố cho thấy, VNH đã có hoạt động kinh doanh trở lại trong kỳ sau chuỗi thời gian dài ngừng sản xuất, nhưng hoạt động này đem lại khoản lỗ ròng 4,5 tỷ đồng cho VNH trong quý II. Cũng trong báo cáo trên, VNH lý giải là do bán cá ngừ nguyên liệu bị giảm chất lượng, chỉ đem lại doanh thu 10,19 tỷ đồng, dẫn tới khoản lỗ trên.

Tuy nhiên, trên bảng cân đối kế toán, giá trị hàng tồn kho chỉ giảm 3,78 tỷ đồng so với đầu năm (quý I không phát sinh hoạt động kinh doanh). Điều này cho thấy, mặc dù không còn năng lực sản xuất, nhưng VNH vẫn nhập nguyên liệu về cất kho.

Một điểm bất hợp lý nữa, đó là vào thời điểm cuối tháng 9/2014, VNH đã kiểm kê kho nguyên liệu, xử lý hàng kém phẩm chất khiến lợi nhuận gộp giảm tới 36,2 tỷ đồng trong quý III/2014, tương đương với giá trị hàng tồn kho của VNH vào thời điểm cuối quý II/2014. Thế nhưng, số nguyên liệu cá ngừ tồn kho mới bán kể trên được VNH giải thích là hàng tồn kho từ tháng 7/2014.

Cũng theo báo cáo tài chính quý II/2016, VNH đã lỗ 6,48 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, nâng tổng số lỗ lũy kế lên 56,42 tỷ đồng, bằng 70% vốn điều lệ của công ty. Mặc dù tại khoản phải thu ngắn hạn của VNH đối với Đồ hộp Phú Nhật - công ty thuộc sở hữu và điều hành của vợ và con trai ông Nguyễn Văn Nhựt, đã giảm 10,9 tỷ đồng xuống còn 2,4 tỷ đồng trong quý II, nhưng báo cáo lưu chuyển tiền tệ của VNH không thấy thể hiện khoản thu này.

Nhà đầu tư hay đầu cơ?

Với tình hình tài chính khá phức tạp, cùng với kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm 2016 được Đại hội đồng cổ đông thông qua không khác gì so với năm ngoái mà gần như không thể đạt được, việc thay đổi Tổng giám đốc của VNH đã không đem lại hiệu quả.

Do đó, cổ đông nắm giữ cổ phiếu của VNH phần lớn là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, lướt sóng chứ không còn quan tâm đến tình hình kinh doanh của công ty. Cụ thể, sau 2 sóng tăng trần từ 1.100 đồng lên 2.200 đồng/cổ phần và từ 2.000 đồng lên 2.700 đồng/cổ phần, cổ phiếu VNH đang duy trì chuỗi giảm sàn liên tiếp trong 6 phiên vừa qua.

Với giá trị loanh quanh giá một cốc trà đá, trong các phiên tăng trần, khối lượng khớp lệnh cổ phiếu VNH có những phiên lên tới gần 2 triệu đơn vị. Thế nhưng, cho đến hiện tại, cổ đông lớn Nguyễn Thanh Sơn chưa có thông báo về việc bán ra số cổ phiếu mà ông này đang nắm giữ.

Theo Quy chế quản trị công ty của VNH, cổ đông nắm giữ từ 5% số cổ phần trở lên có quyền biểu quyết trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng, được ứng cử hoặc đề cử người vào Hội đồng Quản trị của Công ty. Như vậy, cổ đông trên sẽ phải duy trì số cổ phiếu nắm giữ gần 6 tháng nữa mới có thể tham gia vào HĐQT của VNH.

Tuy nhiên, với khoản nợ ngân hàng 30,23 tỷ đồng đã cao hơn vốn chủ sở hữu của Công ty, cùng với việc VNH chỉ còn dưới 10 người, bao gồm cả Ban lãnh đạo, mất năng lực sản xuất, việc khôi phục lại hoạt động sản xuất của VNH dù là với một cổ đông lớn hay nhà quản trị nào cũng sẽ là điều không dễ.

Đại hội VNH: Bất thành nhưng vẫn “nóng”
Vào lúc 9h30’ sáng nay (4/5), đại diện CTCP Thủy hải sản Phú Nhật (VNH – HOSE) đã tuyên bố Đại đội đồng cổ đông VNH không thể tổ chức do...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư