Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Xuất khẩu 6 tháng đầu năm: FDI bứt phá, nội địa hụt hơi
Hà Nguyễn - 22/07/2015 09:07
 
Trước tình trạng xuất khẩu và sản xuất công nghiệp của Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong nước vào mạng lưới sản xuất theo định hướng xuất khẩu.

FDI bứt phá, nội địa hụt hơi

Sự thắng thế của khu vực doanh nghiệp FDI trước các doanh nghiệp trong nước trong xuất khẩu là điều không còn phải bàn cãi, bởi xu hướng này đã bắt đầu từ nhiều năm gần đây. Số liệu xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2015, do Tổng cục Hải quan chính thức công bố vào cuối tuần qua càng khẳng định điều này.

Cụ thể, nửa đầu năm 2015, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 52,54 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước (tương đương tăng 8,92 tỷ USD). Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước chỉ xuất khẩu được 25,23 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ và chỉ bằng phân nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI.

.
Trong khi doanh nghiệp FDI xuất siêu mạnh, thì doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu lớn

 

Diễn biến trái chiều này khiến TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, lo ngại. Theo ông Ân, việc xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước giảm sút khá mạnh cho thấy, khu vực nội địa vẫn gặp rất nhiều khó khăn, gây bất lợi cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Ở một góc độ khác, ông Ân bày tỏ sự lo lắng khi cả xuất khẩu và sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện phụ thuộc rất lớn vào khu vực FDI. “Điều đó chứng tỏ mô hình tăng trưởng của Việt Nam cho đến nay vẫn dựa chủ yếu vào lao động giá rẻ, gia công cho các doanh nghiệp FDI và vốn. Đáng quan tâm hơn nữa là, dù khối doanh nghiệp FDI tăng trưởng nhanh cả trong xuất khẩu lẫn sản xuất công nghiệp, thì sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với khối doanh nghiệp này vẫn chưa hiệu quả”, ông Ân bình luận.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện này được nhắc tới, nhất là khi các số liệu thống kê cho thấy, trong khi doanh nghiệp FDI xuất siêu mạnh, thì doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu lớn. Theo số liệu thống kê, trong nửa đầu năm nay, khối FDI xuất siêu 4,37 tỷ USD, còn doanh nghiệp trong nước nhập siêu tới 7,44 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đã nhiều lần nhắc tới thực tế này. Một mặt, đánh giá cao những đóng góp của khối doanh nghiệp FDI, nhưng mặt khác, Bộ trưởng bày tỏ sự lo ngại khi hệ thống doanh nghiệp nội địa chưa đủ sức lớn mạnh để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Phải thừa nhận rằng, Việt Nam đã rất thành công trong thu hút FDI và hưởng lợi nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu đáng kể từ các nhà máy FDI. Chỉ đơn cử

Samsung, theo ông Han Myoung-sup, Tổng giám đốc Samsung Complex, dự kiến năm nay, Samsung sẽ xuất khẩu 30 tỷ USD, bằng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Sự xuất hiện của Samsung cùng hàng loạt đại gia công nghệ khác như Microsoft, Intel, LG… đã biến Việt Nam thành công xưởng của thế giới và đưa kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điện thoại, đồ điện tử, hàng dệt may lên tới hàng chục tỷ USD. Khối doanh nghiệp FDI đóng góp lớn cho con số này, cá biệt với điện thoại di động, tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp FDI lên tới 99%.

Và bài toán gia tăng giá trị

Thành công của Việt Nam trong thu hút FDI, qua đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cũng đã được bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) khẳng định. Tuy vậy, chính bà Sherry cũng chia sẻ rằng, các nhà đầu tư nước ngoài cũng mong muốn chứng kiến sự tăng trưởng và tham gia vào sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Viện dẫn các con số cho thấy, chỉ 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất theo định hướng xuất khẩu, so với gần 60% ở Malaysia và Thái Lan; chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và sự đóng góp của các doanh nghiệp này trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác, bà Sherry cho rằng, cần phải thay đổi điều đó.

Một tín hiệu đáng mừng gần đây, bên cạnh việc công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp điện tử đang dần được hình thành từ cú hích của Samsung, các nhà sản xuất nguyên phụ liệu dệt may cũng đang dốc vốn vào Việt Nam để đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Không kể con số cả trăm dự án FDI vệ tinh của Samsung, với vốn đầu tư đăng ký lên tới hàng tỷ USD, thì sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực dệt may cũng thật đáng ghi nhận. Có thể kể đến các dự án 660 triệu USD của Hyosung ở Đồng Nai, 160 triệu USD của Lu Thai ở Tây Ninh, hay 274 triệu USD của Far Eastern ở Bình Dương... Tất cả các dự án này đều đầu tư vào lĩnh vực xơ sợi, chứ không phải là gia công hàng dệt may như các dự án trước đây.

Chưa kể, các thông tin gần đây cho biết, Itochu, Far Eastern cũng đã lên kế hoạch đầu tư và đầu tư mở rộng tại Việt Nam, với vốn đầu tư các dự án có thể lên tới hàng trăm triệu USD.

Sự xuất hiện của các dự án này có thể làm thay đổi bộ mặt xuất khẩu ngành dệt may của Việt Nam được hay không thì còn phải chờ đợi. Mặc dù vậy, điều rõ ràng là, một phần nguyên phụ liệu dệt may sẽ được sản xuất trong nước, thay vì phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Câu chuyện cũng giống như với Samsung, hiện tỷ lệ nội địa hóa của nhà sản xuất này đã ở mức 36% - một con số khẳng định được nỗ lực của nhà đầu tư này trong phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam.

Mặc dù vậy, điều cần tìm kiếm là sự tham gia của chính doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng này, chứ không phải là các nhà đầu tư nước ngoài. Làm được điều đó thì Việt Nam mới có thể giải được bài toán gia tăng giá trị, tối ưu hóa lợi ích của dòng vốn FDI.

Áp lực xuất khẩu và nhập siêu
Áp lực nhập siêu lớn và tăng trưởng xuất khẩu chậm lại ngày càng trở nên đáng lo hơn đối với nền kinh tế Việt Nam, bởi nguy cơ hiện hữu là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư