Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Xuất khẩu của Hàn Quốc giảm kỷ lục 11 năm
Lê Quân - 01/05/2020 18:16
 
Đại dịch Covid-19 khiến xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 4 trượt dốc sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, báo hiệu triển vọng màu xám cho thương mại quốc tế năm 2020.
Nền kinh tế Hàn Quốc được dự báo sẽ sụt giảm 1,2% trong năm 2020. Ảnh chụp trước trụ sở tập đoàn Hanjin tại thủ đô Seould hôm 27/3. Ảnh: AFP
Nền kinh tế Hàn Quốc được dự báo sụt giảm 1,2% trong năm 2020. Ảnh chụp trước trụ sở tập đoàn Hanjin tại thủ đô Seould hôm 27/3. Ảnh: AFP

Xuất khẩu hàng chủ lực lao dốc

Số liệu được Bộ Thương mại Hàn Quốc công bố hôm nay 1/5 cho thấy xuất khẩu của nước này trong tháng 4 giảm 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm sâu nhất kể từ tháng 5/2009, nhưng vẫn thấp hơn so với mức dự báo 25,4% được Reuters đưa ra trong cuộc khảo sát gần đây. Xuất khẩu tháng 3 của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á cũng trượt nhẹ 0,7%.

Tuy nhiên, nếu xét tiêu chí mức xuất khẩu trung bình mỗi ngày làm việc và không tính đến những bất thường trên thị trường, xuất khẩu tháng 4 của Hàn Quốc giảm 17,4%, cao hơn gấp 2 lần so mức giảm 6,9% trong tháng 3.

Hàn Quốc được xem là “điểm tựa” cho thương mại thế giới và là quốc gia xuất khẩu chủ lực đầu tiên trên thế giới công bố số liệu xuất khẩu. Những con số xuất khẩu đi xuống thể hiện tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và cũng là dấu hiệu cho giai đoạn khó khăn của thương mại quốc tế do nhu cầu hàng hóa toàn cầu bị "đóng băng" vì dịch bệnh.

“Tháng 5 sẽ cực kỳ khó khăn cho xuất khẩu của Hàn Quốc. Các lô hàng xuất khẩu của nước này sẽ chạm đáy trong tháng 5 nếu thời điểm đó Mỹ và châu Âu mới bắt đầu bình thường hóa các hoạt động kinh tế”, Park Sang-hyun, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty tư vấn tài chính Hi Investment & Securities (Busan) nhận định.

Ông Park cho rằng, cần thận trọng dự báo về mức sụt giảm xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 6, đặc biệt cần xét đến tín hiệu kích thích từ thị trường Trung Quốc và giá dầu phục hồi - 2 yếu tố sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu của Hàn Quốc.

Xuất khẩu Hàn Quốc phá đáy như trên là do doanh thu xuất khẩu mặt hàng chủ lực là chất bán dẫn giảm mạnh 14,9%, trong khi xuất khẩu các mặt hàng khác như sản phẩm hóa dầu, linh kiện xe hơi và thiết bị không dây cũng lần lượt giảm mạnh 56,8%, 49,6% và 33,4%.

Trong khi đó, các đơn hàng xuất đi Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc - cũng trượt dốc tới 17,9%. Việc các nhà máy tại Trung Quốc đã hoạt động bình thường trở lại vẫn không là cứu cánh cho xuất khẩu của Hàn Quốc bởi hàng hóa của Hàn Quốc xuất sang các nhà máy tại Mỹ và Liên minh châu Âu vẫn giảm mạnh lần lượt 13,5% và 12,8% mỗi nhà máy do các nhà máy này phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng thời Covid-19.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Hàn Quốc trong tháng 4 đảo chiều so với mức tăng nhẹ 0,3% trong tháng 3 và lao dốc 15,9%. Do đó, đẩy cán cân thương mại Hàn Quốc vào thâm hụt 0,95 tỷ USD, mức thâm hụt thương mại đầu tiên của nước này kể từ tháng 1/2012.

“Năm đáng sợ”

Theo thống kê của Reuters, hơn 3,21 triệu người trên toàn cầu đã nhiễm Covid-19, còn tại Hàn Quốc tổng số ca mắc Covid-19 đã vượt mốc 10.700 người. Dịch bệnh đã đẩy nền kinh tế Hàn Quốc vào tình trạng suy thoái mạnh nhất trong quý I/2020 kể từ năm 2008, còn triển vọng kinh doanh cũng sụt giảm xuống mức tồi tệ nhất trong lịch sử.

Nhiều chuyên gia nhận định nền kinh tế Hàn Quốc sẽ bị thu hẹp trong năm 2020 và theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á sẽ sụt giảm 1,2% trong năm nay.

Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc - 2 đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc - cũng chịu đòn đau từ dịch Covid-19, khiến 2 nền kinh tế này cũng giảm mạnh trong quý I/2020. Điều này càng củng cố nhận định của các chuyên gia rằng con đường phục hồi của thương mại toàn cầu sẽ khá chậm chạp.

Đại dịch Covid-19 càn quét Mỹ và châu Âu vài tháng qua khiến các nhà máy tại đây phải ngừng hoạt động, kéo theo nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc trong cùng chuỗi cung ứng cũng bị "tê liệt" theo, gồm cả các doanh nghiệp công nghệ toàn cầu của Hàn Quốc.

Samsung Electronics tuần này cùng với các “đại gia” công nghệ khác như SK Hynix đã từ chối đưa ra chỉ tiêu kinh doanh năm nay do những bất ổn của đại dịch. Tuy nhiên, hãng điện tử Hàn Quốc cho rằng lợi nhuận quý II/2020 sẽ sụt giảm do doanh số điện thoại thông minh và TV đều đi xuống.

Trong thông cáo gửi khách hàng gần đây, công ty tư nghiên cứu và tư vấn kinh tế Capital Economics dự báo khối lượng giao dịch thương mại toàn cầu năm 2020 sẽ trượt dốc 20%, đồng thời nhận định 2020 là “một năm khủng khiếp” vì các nền kinh tế lớn phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch.

Hàn Quốc đã cam kết triển khai gói kích thích kinh tế tổng cộng khoảng 240.000 tỷ won (tương đương 196,73 tỷ USD) để khắc phục tình trạng suy thoái kinh tế, còn thị trường nước này đang đặt cược động thái của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc để đưa các hoạt động trở lại bình thường trong những tháng tới.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã cắt giảm 50 điểm cơ bản lãi suất trong tháng 3. Đây là chính sách nới lỏng mạnh tay nhất của cơ quan này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Cơ quan này dự kiến sẽ tiếp tục xem xét chính sách tiền tệ vào ngày 28/5 tới.

Hàn Quốc dự kiến nhập khẩu hơn 55.000 tấn gạo từ Việt Nam
Hàn Quốc đang cân nhắc khả năng mời thầu đợt đấu thầu tháng 5 với sản lượng nhập khẩu dự kiến sẽ là 50% của tổng lượng hạn ngạch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư