Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 04 tháng 10 năm 2024,
Xuất khẩu dệt may về đích năm 2021 với 39 tỷ USD
Thế Hoàng - 22/12/2021 13:07
 
“Chạy nước rút” thành công trong 3 tháng cuối năm, xuất khẩu dệt may về đích khá ngoạn mục, mang về 39 tỷ USD, tạo cơ sở để hướng tới kịch bản tăng trưởng cao trong năm 2022.
Các doanh nghiệp dệt may đã có khá nhiều đơn hàng cho năm 2022, song đang đối mặt với vấn đề thiếu lao động   	Ảnh: đức thanh.     Đồ họa: Đan Nguyễn
Các doanh nghiệp dệt may đã có khá nhiều đơn hàng cho năm 2022, song đang đối mặt với vấn đề thiếu lao động     Ảnh: đức thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

Về đích ngoạn mục

Trải qua một năm đầy thách thức trước những diễn biến của Covid-19, nhất là đợt dịch lần thứ tư bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, ngành dệt may đã cán đích năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 39 tỷ USD, tăng 12% so với 2020 và tăng 0,3% so với 2019

“Đây có thể xem là một nỗ lực tuyệt vời của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhấn mạnh tại Hội nghị Tổng kết ngành dệt may năm 2021.

Theo ông Giang, năm 2021, ngành dệt may đứng trước sức ép rất lớn khi chi phí gia tăng, chuỗi cung ứng sản xuất đứt gãy, lao động bị thiếu hụt và áp lực của đại dịch, các đơn hàng bị gián đoạn.

Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong tháng 8 giảm xấp xỉ 16% so với tháng 7 và giảm gần 2,7% so với tháng 8/2020. Sang tháng 9, xuất khẩu chỉ đạt 3 tỷ USD, giảm hơn 9% so với tháng 8 và giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhưng trong 3 tháng cuối năm, các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản... mở cửa trở lại, Việt Nam thay đổi chính sách từ “zero Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, tạo lực đẩy cho ngành dệt may gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Theo thống kê của Vitas, các thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam gồm: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Tại phía Bắc, Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên cho biết, năm 2021, doanh thu gia công của Công ty đạt 126 triệu USD, tăng hơn 21 triệu USD so với năm 2020; kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 346 triệu USD, tăng 20% so với năm 2020, thu nhập của người lao động được cải thiện hơn.

Dù vậy, lãnh đạo Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên thừa nhận, lợi nhuận năm nay tăng không đáng kể do chi phí sản xuất (cước vận tải, chi phí lao động…) tăng quá cao. Chưa kể, doanh nghiệp chịu nhiều thiệt thòi về doanh thu xuất khẩu bởi tỷ giá giảm.

Cơ hội tăng trưởng

Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn còn diến biến phức tạp, khó lường, song thị trường cũng có những tín hiệu tích cực, nên xuất khẩu được nhận định vẫn có cơ hội tăng trưởng.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo, xuất khẩu dệt may năm 2022 dao động ở mức 40 tỷ USD, tính toán dựa trên tỷ lệ lao động trở lại làm việc 60 - 80% từ quý IV/2021 đến quý I/2022.

Trên thực tế, các doanh nghiệp dệt may không thiếu đơn hàng, nhưng để đáp ứng yêu cầu sản xuất như điều kiện bình thường là rất khó khăn, bởi nhiều công xưởng lớn vẫn đang thiếu lao động. Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động (ERC) cũng chỉ ra rằng, một bộ phận người lao động vẫn còn tâm lý e ngại dịch bệnh và đây cũng là điều không tránh khỏi. Bởi vậy, ngay tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp dệt may cũng khá thận trọng khi nhận đơn hàng.

Một số khó khăn khác mà ngành dệt may phải đối mặt trong năm 2022 đã được bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó chủ tịch Vitas phân tích khá kỹ. Cụ thể, mặc dù Việt Nam đã ký kết được nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng (như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương…), mang lại nhiều đơn hàng và lợi thế xuất khẩu đến các thị trường lớn như Bắc Mỹ, châu Âu, nhưng chi phí logistics cao, tình trạng thiếu container rỗng, ùn tắc vận tải biển, áp lực khó giao hàng đúng hẹn… tiếp tục là rào cản với doanh nghiệp.

Nhìn lại năm 2021, vì những lý do trên, không ít doanh nghiệp đã phải chuyển sang xuất hàng bằng đường hàng không, khiến chi phí bị đội lên rất nhiều, ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường quốc tế cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, tín hiệu mừng được các nhãn hàng đưa ra, Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà mua hàng quốc tế trong năm 2022.

Để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất thông suốt, tiếp tục phục hồi, đáp ứng đơn hàng từ các đối tác, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, Vitas kiến nghị tiếp tục triển khai “chiến lược vắc-xin” trong điều kiện “bình thường mới”. Đặc biệt, cần đưa quy định tiêm đủ 2 liều vắc-xin phòng Covid-19 là điều kiện để người dân được tham gia các hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêm liều vắc-xin phòng Covid-19 thứ 3 cho người lao động.

Dệt may Gilimex sắp chi 126 tỷ đồng giành quyền sở hữu 2 công ty bất động sản
HĐQT Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HoSE: GIL) vừa thông qua Nghị quyết góp126 tỷ đồng vào hai công ty...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư