Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Xuất khẩu điều... tiêu điều, Hiệp hội Điều Việt Nam muốn giảm chỉ tiêu xuất khẩu
Nguyễn Ngân - 26/06/2022 09:13
 
Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành điều Việt Nam chỉ đạt trên 1,19 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, giảm 7,81% về lượng và giảm 6,81% về trị giá.

Các thị trường nhập khẩu điều lớn đều có chuyện

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngành điều 6 tháng đầu năm 2022, ông Trần Văn Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), cho biết: “5 tháng đầu năm 2022, toàn ngành đã xuất khẩu được 206,11 ngàn tấn điều nhân các loại, kim ngạch xuất khẩu trên 1,19 tỷ USD, giảm 7,81% về lượng và giảm 6,81% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái”.

Nguyên nhân, theo bà Nguyễn Hoa, đại diện Công ty ETG, thời gian vừa qua, chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và chiến sự Nga – Ukraine, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Các thị trường lớn siết chặt quy chế nhập khẩu và hạn chế nhập khẩu nhiều mặt hàng, trong đó có hạt điều. 

Ảnh hưởng trực tiếp là thị trường Nga. Năm 2021, Nga xếp vị trí 11 trong tổng số 104 thị trường xuất khẩu của nhân điều Việt Nam khi chiếm 1,63% thị phần, với giá trị kim ngạch xuất khẩu là 61,8 triệu USD trên tổng số 3,6 tỷ USD xuất khẩu hạt điều của Việt Nam.

Nay, do Nga đã bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT bởi ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine, việc xuất khẩu điều Việt Nam gặp khó khăn trong thanh toán, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nhân điều đi thị trường này


Giao thương bị gián đoạn, giá năng lượng, lương thực, phân bón… đẩy giá điều thô tăng cao, khiến lượng điều thô nhập khẩu khẩu sụt giảm mạnh, giảm 35% (khoảng 350.000 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái. 

Chưa hết, theo VINACAS, các nhà nhập khẩu, chế biến đang có xu hướng chậm mua hàng nguyên liệu, do nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung nhất là sự không tương quan giữa giá điều thô nhập khẩu và giá nhân xuất khẩu.

Hiện gia điều thô đang ở mức rất cao so với giá nhân bán ra, giá thành chế biến xuất khẩu cao trong khi đang bán nhân giá thấp.

Với tình trạng này, các nhà máy chế biến khó cân đối cho hoà vốn chứ đừng nói lời!

Khó khăn sẽ kéo dài

Theo nhận định của VINACAS, 6 tháng cuối năm 2022 thì tình hình khó khăn, đình trệ vẫn sẽ còn tiếp tục đến với ngành điều.

Giá cước tàu biển vẫn còn ở mức cao so với những năm trước dịch Covid-19, giá nhân xuất khẩu không tăng đồng bộ với đà tăng của điều thô, các nhà máy không thể cân đối giá thành chế biến và giá xuất khẩu, vì vậy số lượng nhân điều xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ giảm kéo dài đến hết quý IV năm 2022.

Trong khi đó, thị trường lớn khác của hạt điều Việt Nam là Trung Quốc vẫn đang duy trì chính sách “Zero Covid” sẽ ảnh hưởng bất lợi đến ngoại thương và xuất khẩu nhân điều


Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022 toàn ngành điều đạt mục tiêu xuất khẩu 3,8 tỷ USD. Tuy nhiên, do khó khăn trên, VINACAS đã đề nghị điều chỉnh mức chỉ tiêu doanh số xuất khẩu điều nhân năm 2022 ở mức khiêm tốn khoảng 3,2 tỷ USD, giảm 400 triệu USD so với 2021.

Cần trợ giúp? 

VINACAS khiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên triển khai gói hỗ trợ giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp ngành điều trong thời gian sớm nhất.

Để đảm bảo thông mạch xuất khẩu, VINACAS cũng có đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải chỉ đạo các hãng tàu, đảm bảo cung cấp số lượng container rỗng cho các hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp Việt Nam. Tránh lặp lại tình trạng thiếu container rỗng bất thường đã xảy ra trong năm 2021, gây thiệt hại về nhiều mặt.

Đồng thời, đề nghị các đơn vị không sản sinh ra các loại phí mới bất hợp lý như phí sử dụng hạ tầng cảng biển, phí cân bằng container… gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra cần có sự phối hợp nhanh chóng, kịp thời của Văn phòng SPS Việt Nam với các cơ quan chức năng, Hiệp hội để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành điều trong việc triển khai thực hiện các quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm của thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ.

Đề nghị phía EU xem xét về giới hạn cho phép tối đa đối với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cụ thể là thuốc trừ sâu và xem xét về tiêu chuẩn AFI đối với thị trường Mỹ.

Ngành điều cũng cần có sự hỗ trợ của Bộ Công thương kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và các cơ quan ngoại giao, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để các doanh nghiệp điều kịp thời được thông tin về thị trường, khách hàng, xu hướng tiêu dùng và các rủi ro về thương mại tại các thị trường nước ngoài và hỗ trợ các doanh nghiệp điều khi có những khó khăn không lường trước được có thể xảy ra.

Những thị trường xuất khẩu chủ lực của hàng Việt trong năm 2022
Để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6-8% trong năm 2022, các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam cần tiếp tục bám chắc các thị trường chủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư