Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Xuất khẩu gạo 4 tháng vượt 1 tỷ USD, giá duy trì ở mức cao
Thế Hải - 09/05/2022 11:41
 
Xuất khẩu gạo Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, do nhu cầu mạnh hơn từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka.
Xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm 2022 đã vượt 1 tỷ USD và giữ được giá xuất khẩu cao.
Xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm 2022 đã vượt 1 tỷ USD và giữ được giá xuất khẩu cao.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay duy trì vị thế ở nhiều thị trường lớn, không những vậy, giá xuất khẩu đạt ở mức cao hơn so các với các nước xuất khẩu khác như Thái Lan, Ấn Độ.

Riêng trong tháng 4, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 550.000 tấn gạo, giá trị đạt hơn 270 triệu USD, đưa tổng khối lượng trong 4 tháng đầu năm đạt 2,05 triệu tấn với giá trị 1,004 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng, nhưng giảm 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Dù giảm về giá trị, nhưng giá gạo của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao hơn so các với các nước. Chẳng hạn, gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan trong tháng 4 ở mức 410 - 412 USD/tấn, gạo 5% tấm của Ấn Độ ở mức 361 - 365 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với tháng trước.

Trong khi đó, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam sau khi tăng lên mức 425 USD/tấn vào giữa tháng 4, giảm trở lại mức 415 USD/tấn, tương đương mức trung bình tháng 3.

Philippines tiếp tục là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 42,6% thị phần. năm 2021, đặc biệt, thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (76% so với cùng kỳ năm 2021).

Tại phiên tư vấn xuất khẩu gạo sang thị trường ASEAN mới đây, Tham tán thương mại Việt Nam tại ASEAN cho biết năm 2021, sản lượng gạo Việt Nam và Thái Lan xuất khẩu tương đương nhau, nhưng hiện gạo Việt có xu hướng vượt lên tại một số thị trường.

Ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia cho biết, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định tại thị trường Indonesia, luôn nằm trong top ba các nước xuất khẩu gạo hàng đầu cho Indonesia.

Trong bối cảnh khả năng sản xuất gạo chất lượng cao của Indonesia còn hạn chế, các loại gạo thơm, ST 24, ST 25... hoàn toàn có thể gia tăng thị phần tại thị trường này trong thời gian tới

Thu nhập bình quân đầu người của nước này gần 4.350 USD/người/năm, xu hướng tìm mua các loại gạo chất lượng cao của người dân Indonesia ngày càng tăng và các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần tìm hiểu kỹ xu hướng tiêu dùng để quảng bá cho thương hiệu gạo xuất khẩu từ Việt Nam.

Tại khu vực ASEAN, một thị trường lớn với dân số gần 700 triệu dân, với nhiều nét tương đồng về lối sống, văn hóa và sinh hoạt, đặc biệt khoảng cách địa lý gần với Việt Nam, còn nhiều dư địa để gạo Việt Nam tăng tốc xuất khẩu. Riêng Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam năm 2021 với lượng xuất khẩu đạt 2,45 triệu tấn, với kim ngạch trên 1,25 tỷ USD

Mục tiêu xuất khẩu gạo của cả nước cũng đã được điều chỉnh, đến năm 2030, dự kiến chỉ còn khoảng 4 triệu tấn, thay vì trên 6 triệu tấn như hiện tại. Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam được chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica, gạo trắng phẩm cấp cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn.

Xuất khẩu gạo Việt Nam dự kiến sẽ tăng trong những tháng tới, với nhu cầu mạnh hơn từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka.

Mách nước cho doanh nghiệp tăng xuất khẩu gạo vào thị trường ASEAN
Phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm lúa gạo sang thị trường ASEAN sẽ diễn ra vào 5/5/2022, trực tiếp từ An Giang, kết hợp trực tuyến trên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư