Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
“Được mùa” xuất khẩu gạo sang EU
Thế Hoàng - 08/05/2022 13:38
 
Tận dụng tốt những ưu đãi của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), xuất khẩu gạo sang EU tăng rất mạnh cả về lượng, kim ngạch và giá xuất khẩu.
Việt Nam xuất khẩu hơn 30.000 tấn gạo sang thị trường EU trong 4 tháng đầu năm	Ảnh: Đức Thanh
Việt Nam xuất khẩu hơn 30.000 tấn gạo sang thị trường EU trong 4 tháng đầu năm Ảnh: Đức Thanh

Giá gạo tăng nhờ “giấy thông hành” EVFTA

Xuất khẩu gạo sang EU trong 4 tháng đầu năm nay đạt trên 30.000 tấn, với kim ngạch 23 triệu USD. Trong quý I/2022, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 22.500 tấn gạo sang thị trường này, thu về gần 18 triệu USD, tăng gần 4 lần về lượng và tăng 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khối EU, Italy đã vươn lên dẫn đầu về nhập khẩu gạo của Việt Nam, với kim ngạch nhập khẩu tăng 26 lần so với cùng kỳ. Một số thị trường chủ lực khác là Đức, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển…

Trong khi giá xuất khẩu gạo bình quân của cả nước giảm 12,1% trong quý I/2022, xuống 470 USD/tấn, thì giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU lại ghi nhận mức tăng 9%, đạt 760 USD/tấn.

Với 27 nước thành viên, dân số hơn 500 triệu người, EU có nhu cầu nhập khẩu lượng lớn hàng hóa, nhất là nông sản (mỗi năm nhập khẩu hơn 160 tỷ USD) từ khắp nơi trên thế giới. Nông sản Việt hiện mới chiếm 4% thị phần ngành hàng nhập khẩu này của EU, riêng gạo mới chiếm hơn 1% thị phần.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU cao hơn mức trung bình ngành gạo là do chủng loại gạo xuất khẩu vào thị trường này chủ yếu là gạo thơm có giá trị cao. Dòng gạo thơm của Việt Nam được đánh giá là đang có thế mạnh để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU.

Thời gian qua, Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nhu cầu lương thực vẫn tăng mạnh. Kể từ thời điểm Covid-19 bùng phát trên toàn cầu (tháng 3/2020) cho đến cuối năm 2021, giá lương thực nói chung và giá gạo nói riêng đã tăng mạnh (giá gạo tăng hơn 100 USD/tấn) và các quốc gia đều gia tăng lượng gạo nhập khẩu, nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Năm 2021, việc thực thi EVFTA đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU, với sản lượng đạt 60.000 tấn, trị giá 41 triệu USD, tăng gần 1% về lượng, nhưng tăng hơn 20% về kim ngạch so với năm 2020. Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng thêm 10 - 20 USD/tấn.

Dư địa lớn cho mở rộng thị phần

EVFTA đi vào thực thi từ tháng 8/2020 mở ra nhiều thuận lợi cho nông sản xuất khẩu sang thị trường 27 nước thành viên EU, trong đó có mặt hàng gạo. Bước đầu, việc khai thác hiệp định thương mại tự do với EU để đẩy mạnh xuất khẩu được đánh giá là tích cực, khả quan, nhưng thực tế, gạo Việt vẫn chưa tiến sâu vào hệ thống phân phối tại đây, mà chủ yếu qua các đầu mối nhập khẩu châu Á và người Việt tại EU.

Hiện thị phần gạo của Việt Nam tại EU còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 3,1% tổng lượng gạo ngoại khối nhập khẩu vào EU.

Số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, EU nhập khẩu 3 - 4 triệu tấn gạo mỗi năm. Năm 2021, EU nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo; trong đó 1,6 triệu tấn giao dịch nội khối và 2 triệu tấn nhập khẩu từ các nước bên ngoài EU. Như vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, bên cạnh thị trường truyền thống, doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU để tận dụng lợi thế từ EVFTA. Mặc dù lượng gạo xuất vào EU chưa lớn, nhưng giá bán duy trì ở mức cao, đạt khoảng 1.000 USD/tấn, nên đây vẫn là khu vực thị trường giá trị cao, rất tiềm năng cho doanh nghiệp có vùng nguyên liệu lớn, đạt chuẩn.

Trước thời điểm EVFTA có hiệu lực, gạo Việt xuất sang EU chịu thuế nhập khẩu khá cao. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa được EU dành hạn ngạch thuế quan, nên rất khó cạnh tranh với gạo của các nước khác được phân bổ hạn ngạch thuế quan như Thái Lan, Mỹ, Australia, Ấn Độ, Pakistan và các nước kém phát triển được miễn thuế và không bị áp dụng hạn ngạch như Lào, Campuchia, Myanmar.

Nhưng theo cam kết của EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm, gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào thị trường này mỗi năm.

Với nhu cầu ổn định, đặc biệt đối với các loại gạo đặc sản từ châu Á, trong thời gian tới, EU sẽ tiếp tục là thị trường nhiều tiềm năng với doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

Năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU được dự báo tiếp tục tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, nên đánh trúng thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu. Có lợi thế lớn trong việc tận dụng cơ hội EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu gạo thơm sang EU là các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu lớn, được canh tác theo tiêu chuẩn cao như Lộc Trời, Tân Long, Trung An…

Tập đoàn Tân Long vừa ký kết với tỉnh An Giang về phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao để xuất khẩu sang các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao, nhằm nâng được giá trị xuất khẩu.

“Doanh nghiệp ưu tiên canh tác quy mô lớn các giống lúa có giá trị cao như ST21, ST24, ST25 và các giống lúa khác của Viện Giống Đồng bằng sông Cửu Long theo xu hướng canh tác xanh, canh tác gạo hữu cơ và cận hữu cơ trên cánh đồng lúa - tôm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, từng bước hình thành thương hiệu gạo quốc gia”, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long cho hay.

4 tháng, xuất khẩu nhóm hàng trên chục tỷ USD tăng trưởng mạnh
4 tháng 2022, cả nước có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, các nhóm hàng trên chục tỷ USD như điện thoại, dệt may, giày dép đều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư