Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 07 năm 2024,
Xuất khẩu gạo sang Indonesia, doanh nghiệp được "nhắc nhở" cần vì lợi ích chung của ngành
Thế Hoàng - 09/07/2024 10:53
 
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sang Indonesia cần thận trọng trong bất cứ giao dịch, phát ngôn nào, cần cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, đoàn kết, cùng bảo vệ hình ảnh hạt gạo, ngành lúa gạo nước nhà.
Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Indonesia, cần vì lợi ích chung của ngành
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Indonesia được "nhắc nhở" cần vì lợi ích chung của ngành.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Indonesia có khả năng sẽ bất lợi trước việc Cơ quan hậu cần quốc gia - Bulog (Cơ quan được phân giao thu mua gạo thầu quốc tế của Chính phủ) và Cơ quan Lương thực quốc gia  Indonesia bị một tổ chức dân sự People's Democracy Study (SDR) khiếu kiện lên Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (KPU).

Nhu cầu nhập khẩu gạo vừa được Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia nước này cập nhật, dự báo sẽ tăng thêm lên 5,18 triệu tấn trong cả năm 2024 thay vì số lượng 3,6 triệu tấn.

Cụ thể, đầu tháng 7 vừa qua, truyền thông Indonesia đưa tin Giám đốc điều hành của SDR đã chính thức nộp đơn khiếu nại Chủ tịch Cơ quan lương thực Quốc gia, Babanas và Chủ tịch Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia  lên Ủy ban chống tham nhũng quốc gia Indonesia.

Có 2 cáo buộc được tổ chức này đưa ra, cáo buộc thứ nhất nghi ngờ liên quan tới tham nhũng thông qua việc thổi phồng, cộng giá vào giá gạo nhập khẩu từ Việt Nam; hai là cáo buộc liên quan tới việc gạo nhập khẩu bị tồn ứ ở cảng Tanjung Priok (bị bốc dỡ chậm) khiến phát sinh chi phí phạt bốc dỡ chậm, làm gia tăng giá gạo.

Theo tính toán của tổ chức dân sự này “tổn thất của nhà nước từ hành vi tham nhũng này có thể lên tới 02 nghìn tỷ Rupi.

Tổn thất này được tính toán dựa trên chênh lệch giá chào bán của một công ty Việt Nam, mức giá chênh tới 82 USD/tấn. Nếu tỷ giá chỉ tính là 15.000 rp/usd, mức chênh lệch là 180,4 triệu USD.

Với số lượng gạo nhập khẩu là 2,2 triệu tấn trong 5 tháng 2024, thì con số chênh lệch là 02 nghìn tỷ Rupi”. Giá chênh lệch mà tổ chức này đưa ra là tham chiếu giá chào của một công ty Việt Nam là Tập đoàn Tân Long, một trong những công ty được cho là đã tham gia vào quá trình cung ứng gạo nhập khẩu. 

Cơ quan Thương vụ Việt Nam cho biết, trước cáo buộc của SDR, Cơ quan hậu cần Quốc gia đã bác bỏ cáo buộc "Tập đoàn Tân Long của Việt Nam, tin cho biết là đã chào giá gạo, nhưng thực sự đã không có bất cứ bản chào giá thầu chính thức nào kể từ khi mở thầu năm 2024 đến nay của Bulog".

Nhưng phía Bulog khẳng định: "Tập đoàn này không có hợp đồng nhập khẩu gạo nào với chúng tôi trong năm nay. Tập đoàn Tân Long đã đăng ký là một trong những đối tác của Bulog nhưng chưa từng chào giá gạo cho Bulog trong năm 2024".

Giám đốc Chuỗi cung ứng và Dịch vụ công của Perum Bulog Mokhamad Suyamto cho biết, cáo buộc tăng giá bắt đầu xuất hiện khi một công ty Việt Nam là Tập đoàn Tân Long chào bán 100.000 tấn gạo với giá 538 USD/tấn nhân chuyến thăm nhà máy xay xát của Tập đoàn này trong dịp Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia sang Việt Nam trong tháng 5/2024.

Việc Cơ quan Lương thực quốc gia và Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia bị khiếu kiện lên Ủy ban tham nhũng quốc gia nước này liên quan tới cáo buộc tham nhũng từ việc mua gạo từ Việt Nam (cho dù đang trong quá trình điều tra) có khả năng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc thu mua lúa gạo của Indonesia từ Việt Nam từ nay đến hết năm 2024 hoặc cho tới khi vụ việc được điều tra làm rõ.

Việc ngưng tiếp tục thầu mua gạo từ Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra để Ủy ban chống tham nhũng Indonesia làm rõ vụ việc; hoặc Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia tạm thời sẽ tránh mua gạo từ Việt Nam để tránh bị nghi ngờ gian lận.

Vụ việc khiếu kiện đang trong quá trình điều tra xác minh làm rõ. Từ vụ việc đáng tiếc này, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần thận trọng trong bất cứ giao dịch, phát ngôn nào, không để ảnh hưởng đến toàn bộ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam nói chung.

"Cần có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, đoàn kết, cùng bảo vệ hình ảnh hạt gạo, ngành lúa gạo nước nhà. Sự cạnh tranh không lành mạnh của chính các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam (nếu có) sẽ tạo thuận lợi cho các phe nhóm lợi ích tại Indonesia tận dụng, khai thác và cuối cùng sẽ ảnh hưởng chính tới các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam", Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến cáo.            

Năm ngoái, Indonesia là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 14,5% lượng xuất khẩu gạo của cả nước, chỉ sau Philippines, với sản lượng 1,18 triệu tấn, trị giá 640,3 triệu USD, tăng 8,9 lần về kim ngạch so với năm 2022 do quốc gia này thiếu hụt nguồn cung trong nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư