Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu lo hụt hơi
 
Mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu 10% của cả năm 2015 mà Chính phủ đề ra sẽ gặp phải không ít khó khăn, thách thức.
Dự báo xuất khẩu trong thời gian tới có thể tiếp tục gặp khó khăn do kinh tế thế giới vẫn đang trong tiến trình hồi phục chậm, nhu cầu hàng hóa thế giới có xu hướng giảm
Dự báo xuất khẩu trong thời gian tới có thể tiếp tục gặp khó khăn do kinh tế thế giới vẫn đang trong tiến trình hồi phục chậm, nhu cầu hàng hóa thế giới có xu hướng giảm

Ông Đồng Văn Quảng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho biết, diễn biến của thị trường cà phê xuất khẩu đang có sự sụt giảm cả về lượng và giá.

Nguyên nhân chủ yếu là do suy thoái kinh tế thế giới dẫn đến nhu cầu hàng hóa có phần giảm, cộng với tác động, diễn biến về tỷ giá đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu.

Thời gian gần đây đồng đô la Mỹ mạnh lên, ngoại tệ của một số nước châu Âu mất giá khiến một số bạn hàng e dè khi đưa ra kế hoạch nhập khẩu, thậm chí hủy bỏ đơn hàng. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu chính của Vinacafe lại chủ yếu đi các nước châu Âu như Đức, Pháp, Bỉ và thị trường Mỹ, Nhật...

"Trong năm nay, tổng công ty đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 100.000 tấn. Song đến thời điểm hiện tại, Vinacafe mới thực hiện được 20 - 25% kế hoạch đề ra, do việc xuất khẩu chịu sự chi phối, phụ thuộc vào thị trường thế giới và các nhà nhập khẩu rất nhiều" - ông Quảng nói.

Sự lo lắng khó đạt mục tiêu đề ra trong bối cảnh chịu sự tác động từ bên ngoài thì không riêng gì đối với Vinacafe, mà nhiều DN chế biến, xuất khẩu cà phê đều gặp phải. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quý I/2015, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nước ta đạt gần 6,13 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2014.

Ðiều đáng lo ngại là hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính như cà phê, gạo, thủy sản, gỗ... đều giảm. Trong đó, hai ngành hàng cà phê và thủy sản giảm mạnh nhất. Khối lượng xuất khẩu cà phê ước đạt 350 nghìn tấn với kim ngạch 734 triệu USD, giảm 41,4% về khối lượng và giảm 37,3% về giá trị.

Cùng chung hoàn cảnh này, không ít DN thủy sản cũng đang tìm đủ mọi phương cách để đẩy mạnh xuất khẩu, song phương án lấy số lượng để bù giá cả dường như không khả thi khi chi phí đầu vào ngày một tăng cao. Cụ thể, đối với ngành hàng thủy sản, kim ngạch xuất khẩu đã giảm mạnh nhất trong 5 năm qua (giảm tới 23% so với cùng kỳ).

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Hùng Vương nhìn nhận, thế giới trong vòng một tháng qua có sự biến động mạnh về tỷ giá, trong khi VND lại duy trì ổn định nên khó cạnh tranh. Riêng với nhiều sản phẩm thủy sản chủ lực xuất sang Nhật như tôm, cá tra, thì không ít DN trong ngành đã bị sụt giảm đến 25% giá trị do đồng Yên mất giá, tiếp đó là đến thị trường châu Âu với đồng EUR cũng có tình trạng tương tự. 

Để tránh thua lỗ, nhiều DN tính đến tiết giảm chi phí, đầu tư công nghệ mới, nhưng không phải DN nào cũng có thể đầu tư được do năng lực còn hạn chế. Vì vậy, mục tiêu chung của toàn ngành đặt ra là 8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2015 khó có thể đạt được nếu tình hình không được cải thiện.

Thực tế hiện nay, nông, thủy sản vẫn là những mặt hàng xuất khẩu chính thu về nhiều ngoại tệ cho đất nước, nên sự sụt giảm của những ngành này có tác động trực tiếp đến mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chung của đất nước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I năm nay, mặc dù nhiều DN vẫn có lượng đơn hàng ổn định, song vẫn có đến 24,6% số DN cho biết lượng đơn hàng xuất khẩu đã giảm so với quý trước. Mức tăng trưởng nhìn chung đối với lĩnh vực xuất khẩu chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2014. Điều này cho thấy mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 10% của cả năm 2015 mà Chính phủ đề ra sẽ gặp phải không ít khó khăn, thách thức.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, dự báo xuất khẩu trong thời gian tới có thể tiếp tục gặp khó khăn do kinh tế thế giới vẫn đang trong tiến trình hồi phục chậm, nhu cầu hàng hóa thế giới có xu hướng giảm. Ngoài ra, việc Việt Nam thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do cũng sẽ tạo ra nhiều áp lực không nhỏ cho các DN, nhất là những DN trong lĩnh vực nông, thủy sản, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong "rổ" hàng hóa xuất khẩu hiện nay. 

Do đó, bản thân các DN cũng cần phải theo sát diễn biến, tình hình thế giới để có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiềm năng, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường. Bên cạnh đó, vẫn phải củng cố và khai thác tối đa thị trường truyền thống hiện có, nâng giá trị kim ngạch và hàm lượng giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, về phía Chính phủ, các chuyên gia cũng cho rằng, cần có thêm những cơ chế chính sách, giải pháp mang tính căn cơ lâu dài nhằm hỗ trợ thị trường xuất khẩu về thuế, tỷ giá, cũng như hạn chế xuất khẩu thô, giảm dần tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong cơ cấu xuất khẩu, gia tăng chế biến sâu đối với nhóm nông sản... Có như vậy, việc giữ vững cán cân thương mại, đẩy mạnh thặng dư xuất khẩu mới có thể đạt mục tiêu đề ra.

Quả vải tươi Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang Úc
Bộ Nông nghiệp Úc mới đây đã có văn bản chính thức cho phép nhập khẩu quả vải tươi từ Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư