Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 04 năm 2025,
Xuất khẩu quý II đối mặt nhiều khó khăn
Hải Yến - 08/04/2025 11:15
 
Sau khi mang về kim ngạch xuất khẩu gần 103 tỷ USD trong quý I/2025, tăng trưởng 10,6% so với cùng kỳ, xuất khẩu quý II đối diện hàng loạt khó khăn, nhất là thuế đối ứng từ Mỹ.
Ảnh minh họa.
Việc phải chịu thuế đối ứng từ Mỹ có thể buộc Việt Nam đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, như EVFTA, CPTPP, RCEP…

Thách thức lớn với xuất khẩu

Quý đầu tiên của năm 2025 đi qua với những kết quả khá ấn tượng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước cán mốc 202,5 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2024; nhập khẩu 99,68 tỷ USD, ước tăng 17%; xuất siêu 3,15 tỷ USD.

Nhưng triển vọng tăng trưởng xuất khẩu trong quý II có thể gặp nhiều khó khăn hơn, khi Chính quyền Mỹ vừa công bố mức thuế quan đối ứng áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam ở mức cao ngất ngưởng, 46%, từ ngày 9/4/2025.

Thị trường Mỹ chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đây là một lợi thế, nhưng cũng là điểm yếu trong hoạt động xuất khẩu của nước ta. Nhìn vào các mức thuế quan mà Mỹ công bố, mức thuế xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ sẽ cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh 10 - 20%. Điều này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Mỹ.

Đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

“Việc phải chịu thuế đối ứng từ Mỹ có thể buộc Việt Nam đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, như EVFTA, CPTPP, RCEP… hoặc hướng tới các thị trường mới như Trung Đông với thị trường Halal (2,2 tỷ người), Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, châu Phi… Điều này giúp giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ trong dài hạn”.

- TS. Bùi Quý Thuấn, Phó trưởng Ban Nghiên cứu (Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam)

Theo thông báo của Nhà Trắng, mức thuế đối ứng mà Mỹ áp với các đối tác thương mại nhằm khắc phục “bất công thương mại toàn cầu”, đưa sản xuất trở lại nước này và củng cố an ninh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các mức thuế sẽ được duy trì cho tới khi Mỹ xác định được mối đe dọa do thâm hụt thương mại và sự thiếu công bằng trong thương mại được giải quyết, được khắc phục hoặc giảm nhẹ.

Cho dù ngày 9/4 chưa tới, các doanh nghiệp, ngành hàng đang chờ kết quả đàm phán ở cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Mỹ với mục tiêu đưa thuế đối ứng về mức thấp hơn, cũng như kỳ vọng đạt được mục tiêu tạm hoãn áp thuế đối ứng, nhưng chắc chắn, các ngành hàng xuất khẩu không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ.

Năm 2025, Bộ Công thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng khoảng 12%, tương đương trên 450 tỷ USD. Mục tiêu này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi và Việt Nam tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công thương) cho rằng, trong trường hợp Việt Nam và Mỹ không tìm được giải pháp tích cực, thì việc áp thuế này sẽ tạo tác động tiêu cực nhất định đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm nay.

Theo tính toán của ING - tập đoàn tài chính tại Hà Lan, Việt Nam có mức độ tiếp xúc với thị trường Mỹ đến 12% GDP. Vì vậy, mức thuế đối ứng 46% có thể khiến 5,5% GDP của Việt Nam gặp rủi ro.

Với nguy cơ này, tại châu Á, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất về GDP vì thuế đối ứng của Mỹ, tiếp theo là Thái Lan. Ngoài ra, đồng Việt Nam (VND) đã giảm xuống mức thấp kỷ lục và áp lực tăng tỷ giá VND/USD có thể sẽ kéo dài.

“Các mức thuế cao, đặc biệt với 2 nước này, đặt ra thách thức lớn về tăng trưởng, từ xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ tới các tác động gián tiếp tới chuỗi cung ứng toàn cầu”, báo cáo của ING nêu.

Đa dạng thị trường xuất khẩu

Bộ Công thương dự báo, thời gian tới, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025.

“Các doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng thế mạnh sẵn có, đó là 17 FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác song phương. Bộ Công thương sẽ mở rộng hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn về kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu”, ông Linh nói.

Để ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam sớm đàm phán theo hướng hài hòa lợi ích, đồng thời đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu.

Đơn cử, với khu vực Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 nước, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung nhiều hơn nữa, nhằm sớm đưa kim ngạch xuất khẩu sang khối này lên mức “3 con số”. Năm 2024, xuất khẩu sang EU đạt 51,66 tỷ USD, tăng 18,5%, tương ứng tăng 8,08 tỷ USD so với năm 2023. Đà tăng tốc xuất khẩu sang EU đang được hỗ trợ lớn bởi FTA song phương đã thực thi được 5 năm. Tới đây, thuế quan xuất khẩu sang EU tiếp tục giảm theo lộ trình, hàng Việt được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA lớn nhất thế giới với quy mô dân số khoảng 2,3 tỷ người tiêu dùng, GDP tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu, cũng đang tạo bệ phóng cho hàng Việt. Đáng chú ý, 5 trong số 15 nước thành viên của RCEP là thành viên nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20).

Với Hàn Quốc, thị trường hàng năm nhập hàng Việt với tổng trị giá khoảng 26 tỷ USD, cũng còn nhiều dư địa, với sự bổ trợ đắc lực từ FTA song phương (VKFTA).

Để giảm thiểu rủi ro từ biến động thương mại quốc tế, ngoài đa dạng hóa thị trường, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường của các thị trường xuất khẩu, nhằm tăng khả năng cạnh tranh, giảm nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Quan trọng nữa là kiểm soát xuất xứ nguyên vật liệu, chú trọng kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong FTA và tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại.

Nhìn từ góc độ ngành hàng, doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐTQ Vinatex nhấn mạnh, để duy trì thương mại bền vững, phải tính toán lại cán cân thương mại với Mỹ, riêng ngành dệt may thì có thể gia tăng sử dụng bông nhập khẩu từ Mỹ để giảm cán cân thương mại, đồng thời đáp ứng yêu cầu nguồn gốc xuất xứ khi xuất khẩu hàng sang Mỹ.

Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng tốc, nhưng cần cẩn trọng với rủi ro bị Mỹ áp thuế đối ứng 46%
Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu quý I lần lượt tăng 13,7%, 10,6% và 17% so với cùng kỳ, vượt kịch bản đề ra. Tuy vậy, rủi ro...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư