Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu tăng, hàng Việt Nam dính kiện nhiều
Hải Yến - 10/10/2024 08:27
 
Trong tháng 9/2024, Việt Nam liên tiếp nhận 4 thông báo khởi xướng điều tra phòng vệ với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, Thái Lan, Ấn Độ, Nam Phi, với mặt hàng thép, lốp xe và cả những sản phẩm có trị giá xuất khẩu không hề lớn.
Thép là một trong những mặt hàng dính kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất. (Ảnh: Đức Thanh)
Thép là một trong những mặt hàng dính kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất. Ảnh: Đức Thanh

Mặt hàng nào cũng có thể bị kiện

Tần suất các vụ khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam tăng liên tiếp những năm gần đây, tỷ lệ thuận với kim ngạch xuất khẩu.

Đáng chú ý, trong số 4 vụ việc xảy ra trong tháng 9, Mỹ tiến hành điều tra “kép”, tức là vừa điều tra chống bán phá giá, vừa chống trợ cấp với thép CORE nhập khẩu từ Việt Nam.

Không đơn thuần chỉ là điều tra “truyền thống” với vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ, giờ đây hàng Việt chịu thêm nhiều vụ kiện chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.

Biện pháp chống lẩn tránh này nhằm ngăn chặn các hành vi thay đổi nguồn gốc của các mặt hàng xuất khẩu đang bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp để “né” thuế từ quốc gia xuất khẩu khác.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần tránh tối đa việc không hợp tác với cơ quan điều tra. Bài học đắt giá là 5 doanh nghiệp Việt vì không hợp tác (trong đó, 1 công ty bị đơn từ chối tham gia vụ việc, 4 công ty không trả lời câu hỏi lượng và giá trị), đã bị Mỹ áp thuế sơ bộ 237,65% trong vụ kiện đĩa giấy nhập từ Việt Nam.

Bà Trương Thùy Linh, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho hay: “Nếu trước đây, chủ yếu các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, hay ASEAN điều tra phòng vệ với hàng Việt, thì nay đã lan sang nhiều thị trường như Mexico, Đài Loan, Nam Phi…”.

Không những thế, phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời, mà mở rộng tới những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy, ghim dập…

Chẳng hạn, mặt hàng đĩa giấy xuất sang Mỹ chỉ 9 triệu USD/năm cũng bị điều tra chống bán phá giá từ đầu năm 2024.

Xu hướng điều tra phòng vệ cũng khắt khe hơn. Cơ quan điều tra nước ngoài ngày càng đưa ra yêu cầu cao trong nhiều khía cạnh đối với chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra (thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung nhiều thông tin, khó xin gia hạn...).

Trong vụ việc ghế bọc đệm, Cục Phòng vệ thương mại đã có thư đề nghị cơ quan điều tra Canada gia hạn thời gian trả lời. Tuy nhiên, họ không đồng ý. Ngoài ra, Canada cũng yêu cầu cung cấp thông tin cả những nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm ghế sofa.

Bình tĩnh ứng phó, chủ động hợp tác

Với 19 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 16 FTA đang thực thi, 3 FTA đang đàm phán, Việt Nam là nền  kinh tế có độ mở cao và ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế quốc tế. Nhiều ngành sản xuất của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn và liên tục tăng trưởng mạnh.

Khi hàng Việt xuất khẩu nhiều vào một thị trường nào đó, khả năng rơi vào tầm ngắm điều tra phòng vệ tất yếu tăng lên. Số liệu thống kê cho thấy rõ điều này. Nếu giai đoạn 2001 - 2011, số lượng vụ việc nước ngoài điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ dừng ở con số 50 vụ việc, thì kể từ đó đến nay đã tăng thêm 207 vụ việc.

Riêng năm 2020, số vụ việc cao kỷ lục, Cục Phòng vệ thương mại phải xử lý tới 39 vụ việc phòng vệ thương mại. Từ đầu năm 2024 tới nay, cơ quan này đã và đang xử lý gần 20 vụ việc mới phát sinh.

Với kim ngạch xuất khẩu hơn 10 tỷ USD/năm, thép là ngành bị điều tra nhiều nhất. Theo ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đến nay, ngành thép đối mặt 78 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, chiếm 30% số vụ việc phòng vệ thương mại liên quan tới các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, chỉ trong tháng 8 và 9/2024 đã phát sinh 3 vụ việc.

Bà Trương Thùy Linh nhận định, điều tra phòng vệ thương mại là xu thế bình thường của thế giới. Do đó, khi các vụ việc phòng vệ thương mại diễn ra, các bên liên quan như Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp... cần phối hợp chặt chẽ để có biện pháp ứng phó.

Thực tế, sau một thời gian đối mặt với nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, VSA và các doanh nghiệp thép từng bước chuyên nghiệp hóa, đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều tra các nước, cùng với sự chuẩn bị kỹ càng trong nội tại doanh nghiệp, nên nhiều vụ việc đã có kết quả tốt.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn đạt top đầu, vì thế, đây cũng là thị trường điều tra nhiều nhất với hàng Việt Nam.

Đến nay, Mỹ đã điều tra 66 vụ liên quan đến hàng xuất khẩu của Việt Nam, phổ biến nhất là thép, gỗ, sợi, tôm, cá tra, mật ong. Từ đầu năm nay đến nay, trung bình mỗi tháng có một vụ điều tra. Hàng năm họ đều rà soát với hàng xuất khẩu Việt Nam.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho hay, do bị khởi kiện nhiều, đến nay, một số ngành hàng, doanh nghiệp của Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm ứng phó với phòng vệ thương mại liên quan tới hàng xuất khẩu.

“Quan trọng là doanh nghiệp chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ứng phó, xử lý khi vụ việc xảy ra, hợp tác đầy đủ, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan điều tra  nhằm đạt kết quả khả quan nhất”, ông Hưng lưu ý.

Cùng với đó, doanh nghiệp nên tìm hiểu những mặt hàng Mỹ đã điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để xem xét, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, tránh bị vướng vào các vụ kiện lẩn tránh thuế hoặc liên quan đến Đạo luật Lao động cưỡng bức (UFLPA) khiến hàng hóa sẽ bị kiểm tra nghiêm ngặt và có nguy cơ bị trả lại.

Thép cuộn cán nóng Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá tại Ấn Độ
Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng có xuất xứ hoặc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư