Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Xuất nhập khẩu dự báo vượt xa kỷ lục của năm 2022
Thế Hải - 02/09/2024 09:01
 
Xuất nhập khẩu hàng hoá của nước ta có nhiều chỉ dấu sẽ vượt xa kỷ lục (732 tỷ USD) của năm 2022, bởi tín hiệu tích đơn về hàng xuất khẩu của nhiều nhóm hàng chục tỷ USD cùng hoạt động nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng mạnh.
Xuất nhập khẩu năm 2024 nhiều khả năng vượt kỷ lục 732 tỷ USD của năm 2022.
Xuất nhập khẩu năm 2024 nhiều khả năng vượt kỷ lục 732 tỷ USD của năm 2022.

Theo dữ liệu của Tổng cụcn Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2024 đạt 473,33 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng tăng thêm gần 69 tỷ USD.

Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 244,41 tỷ USD, tăng 16%, nhập khẩu  đạt 228,92 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ. cán cân thương mại xuất siêu gần 15,5 tỷ USD.

Nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đều duy trì tăng trưởng 2 con số. Riêng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Điện thoại - linh kiện và máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng đã mang về 108 tỷ USD tính đến 15/8.

Dẫn đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện dẫn đầu với kim ngạch đạt 42,59 tỷ USD, tăng 28,9%. Còn điện thoại các loại và linh kiện đạt 34,8 tỷ USD tăng 11,1%, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng đứng thứ ba với 30,06 tỷ USD tăng 21,3%.

Ở chiều nhập khẩu, do đơn hàng tăng nên lượng nhập khẩu cũng tăng mạnh để đảm bảo đầu vào cho sản xuất. 

Nhập khẩu một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 28,2%; máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 16,5%; sắt thép các loại tăng tăng 22,5%...

Về thị trường xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tới hầu hết các thị trường, nhất là các thị trường là đối tác thương mại lớn đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch tính đủ 7 tháng ước đạt 66,09 tỷ USD, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 24,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm gần 20%). Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 7,2%; thị trường EU ước đạt 29,34 tỷ USD, tăng 15,8%; Hàn Quốc ước đạt 14,39 tỷ USD, tăng 9%; Nhật Bản ước đạt 13,46 tỷ USD, tăng 2,8%.

Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của thị trường thế giới gia tăng, đồng nghĩa với doanh nghiệp trong nước đang có nhiều thêm các đơn hàng xuất khẩu. Xuất nhập khẩu hàng hóa từ đầu năm đến nay tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của Việt Nam.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ cao hơn trong năm 2024, nhờ sự phục hồi xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến, du lịch, tiêu dùng và tiêu dùng.

Cụ thể, kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 6,1% trong năm 2024, 6,5% trong 2 năm 2025 và 2026, cao hơn so với mức 5% năm 2023, cho thấy khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng trên toàn cầu.

Ông Sebastian Eckardt, Trưởng Ban Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư khu vực Đông Á Thái Bình Dương của WB cho biết: "Nửa đầu năm nay nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi do nhu cầu hàng xuất khẩu phục hồi. Để duy trì đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm và các năm tới, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý, giảm sát các rủi ro trong thị trường tài chính".

Theo báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 7/2024 của S&P Global cũng. ghi nhận tín hiệu khả quan của ngành sản xuất Việt Nam đã vượt 54 điểm, cùng đó là số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh khiến các nhà sản xuất tăng sản lượng. 

Sự cải thiện đáng kể được ghi nhận ở tất các lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản.

2022 được xem là năm lập kỷ lục về xuất nhập khẩu, vượt 732 tỷ USD, trong đó xuất khẩu lần đầu tiên vượt 371 tỷ USD. Còn 2023, chịu tác động của kinh tế, thương mại toàn cầu suy giảm, xuất nhập khẩu đạt 681,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 354,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 326,4 tỷ USD.

Với tình hình đơn hàng hiện tại và nhìn vào tốc độ tăng tốc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, xuất nhập khẩu có nhiều khả năng về đích vượt xa kỷ lục của năm 2022.

Để đạt được kết quả xuất nhập khẩu khả quan nhất trong những tháng còn lại, Bộ Công thương tiếp tục hỗ trợ ngành hàng, doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa ưu đãi do các FTA mang lại như: CPTPP, EVFTA, RCEP… nhằm đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh đàm phán, ký kết, phê chuẩn các FTA, liên kết kinh tế mới, trước mắt với Israel, UAE, để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. 



Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư