Thứ Sáu, Ngày 09 tháng 05 năm 2025,
Y tế tư nhân đang bước vào giai đoạn phát triển mới
Dương Ngân - 09/05/2025 10:55
 
Không còn là “sân chơi phụ”, y tế tư nhân đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nơi công nghệ, chất lượng và giá trị cộng đồng là chìa khóa để tồn tại. Nhưng con đường này chỉ dành cho những ai sẵn sàng vượt qua tư duy cũ và tầm nhìn ngắn hạn.
y tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, song còn manh mún
Y tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, song còn manh mún

Nhiều tiềm năng, nhưng không ít điểm nghẽn

Sau hơn hai thập kỷ thực hiện xã hội hóa, y tế tư nhân đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống y tế Việt Nam. Với gần 400 bệnh viện và hơn 50.000 phòng khám tư trên toàn quốc, lĩnh vực này đã góp phần giảm tải cho y tế công, tạo ra nhiều lựa chọn và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Song, sự tăng trưởng mạnh về số lượng chưa đi kèm với sự phát triển tương xứng về chất lượng, hiệu quả vận hành và năng lực cạnh tranh. Theo ông Phạm Đức Hân, thành viên Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, hơn một nửa số bệnh viện tư hiện nay là chuyên khoa nhỏ dưới 100 giường bệnh, trong đó nhiều cơ sở thiếu chiến lược phát triển, vận hành thiếu bài bản, đầu tư manh mún, thiếu kiến thức chuyên sâu về y tế.

Ông Hân nhận xét, không ít nhà đầu tư bước vào lĩnh vực này với tư duy thương mại thuần túy, thiếu hiểu biết về quản trị bệnh viện, quy chuẩn y tế và pháp lý, khiến hệ thống dễ đánh mất niềm tin từ người bệnh và nhà đầu tư thứ cấp.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, y tế tư nhân cần chủ động kết nối với các chuẩn mực quốc tế, từ công nghệ, quy trình vận hành, mô hình quản trị đến chăm sóc người bệnh. 

Điều này cho thấy, bài toán của y tế tư nhân không chỉ nằm ở quy mô, mà còn ở chiều sâu là chất lượng chuyên môn, uy tín thương hiệu và sự kết nối với hệ thống y tế công lập.

Dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch HĐTV Công ty IMC đưa ra một góc nhìn khác. Theo ông, để y tế tư nhân phát triển bền vững, cần cải cách đồng thời từ hai phía là thay đổi tư duy doanh nghiệp và thể chế chính sách.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng thẳng thắn chỉ ra, nhiều cơ sở y tế tư nhân đang vận hành theo lối tư duy ngắn hạn, thiếu trách nhiệm xã hội và chưa xây dựng được văn hóa tổ chức. “Trong một lĩnh vực liên quan đến tính mạng con người, không thể làm y tế với tâm thế chạy theo lợi nhuận ngắn hạn. Phải đặt chất lượng, đạo đức và sự tử tế lên hàng đầu”, ông Hoàng nói.

Cũng theo ông Hoàng, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy từ làm giàu cho bản thân sang tạo giá trị cho cộng đồng. Phát triển bền vững phải song hành với xã hội.

Về góc độ thể chế chính sách, ông Hoàng nhấn mạnh đến sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp tư nhân với khu vực công và khu vực FDI trong tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực. Ông đề xuất, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thực chất, tài trợ cho nghiên cứu và phát triển (R&D), ưu đãi đầu tư, cho phép khấu hao công nghệ… để tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho cơ sở y tế tư nhân.

Công nghệ và chuyển đổi số: Xu thế bắt buộc

GS. Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cảnh báo, nếu không tiếp thu công nghệ, y tế tư nhân sẽ sớm chững lại. Vậy nên, ông Đệ khuyến khích, các cơ sở y tế tư nhân cần mạnh dạn đầu tư vào chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và y học cá thể hóa, không chỉ để tối ưu hoạt động, mà còn gia tăng niềm tin và minh bạch với người bệnh.

Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định, y tế tư nhân không thể tách rời chiến lược phát triển y tế quốc gia. Mục tiêu đến năm 2030 là y tế tư nhân chiếm ít nhất 15% tổng số giường bệnh và đạt 25% vào năm 2050. Để hiện thực hóa điều đó, bà Hương nhấn mạnh vai trò của chính sách, từ quy hoạch mạng lưới, cấp phép, đến tiêu chuẩn chất lượng và kết nối dữ liệu đồng bộ giữa y tế công - tư.

Ở khía cạnh xã hội học, niềm tin được xem là “tài sản mềm”, có tính chất sống còn với các cơ sở y tế tư nhân. Một chuyên gia chính sách y tế cho rằng, người bệnh ngoài việc tìm đến bác sỹ giỏi, cái mà họ cần hơn là sự minh bạch, thái độ phục vụ, khả năng giải trình và cam kết của cơ sở y tế. Vì vậy, phát triển y tế tư nhân không chỉ là câu chuyện đầu tư, mà còn là câu chuyện xây dựng thương hiệu và đạo đức hành nghề lâu dài.

Vị chuyên gia này cũng chỉ rõ, một yếu tố ít được nhắc đến là sự thiếu liên kết giữa các cơ sở y tế tư nhân với nhau và với cơ sở y tế công. Thực tế cho thấy, hiện chúng ta vẫn thiếu một chuỗi giá trị thống nhất. Mỗi bệnh viện tư hoạt động như một “ốc đảo”, khó tạo ra sức mạnh cộng hưởng.

“Mô hình hợp tác công - tư (PPP) nên được mở rộng hơn trong lĩnh vực y tế, nhưng đi kèm là yêu cầu kiểm soát minh bạch, chất lượng và khả năng chia sẻ rủi ro”, vị này đề xuất.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, y tế tư nhân cần chủ động kết nối với các chuẩn mực quốc tế, từ công nghệ, quy trình vận hành, mô hình quản trị đến chăm sóc người bệnh. Việc chỉ tập trung vào chi phí rẻ để cạnh tranh là lối đi dễ, nhưng không bền.

Có thể thấy, lĩnh vực y tế tư nhân đang đứng trước thời điểm đặc biệt, khi Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững; cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng”. Cùng với đó, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng cao, chính sách đang mở dần, công nghệ trong y tế đang chuyển dịch mạnh mẽ. Nhưng nếu y tế tư nhân tiếp tục đi theo lối mòn, manh mún, tự phát, thiếu chiến lược thì không chỉ đánh mất cơ hội bứt phá, mà còn khó trở thành một trụ cột của hệ thống y tế quốc gia.

Song muốn thành công, y tế tư nhân phải thay đổi toàn diện từ cách nghĩ, cách làm đến cách tương tác với xã hội. Đó không chỉ là hoạt động đầu tư vốn, mà là cuộc đua về năng lực, trách nhiệm và giá trị thực.

Hệ thống y tế tư nhân đầu tiên tại Việt Nam có 6 bệnh viện đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế ACHSI
Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ - hệ thống y tế tư nhân hàng đầu tại Việt Nam, vừa có sáu bệnh viện được đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn quốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư