Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần
YeaH1 bắt tay MangoTV; Xe VinFast sang Châu Phi; Sudico sẽ đổi tên; Vinatex xuất vải chống cháy
Khánh An tổng hợp - 16/03/2024 10:20
 
Đạm Cà Mau xuất lô hàng lớn sang Australia và New Zealand; Sudico lên kế hoạch đổi tên; VinFast xuất khẩu xe sang Châu Phi; Vinatex lần đầu xuất khẩu vải chống cháy

YeaH1 là đối tác chiến lược của MangoTV

Tại Hội chợ Phim và Truyền hình quốc tế Hong Kong (Filmart), bà Lê Phương Thảo, Chủ tịch YeaH1 và ông Trương Chí Hồng, Giám đốc Tài chính MangoTV đã ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược.

YeaH1 và MangoTV đã ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược

Sự kiện đánh dấu giai đoạn hợp tác mạnh mẽ, sâu rộng giữa hai tập đoàn trong mọi mặt - từ chuyển giao kịch bản, kinh nghiệm sáng tạo nội dung gốc, quy trình sản xuất - quản lý lẫn mảng đào tạo, phát triển tài năng.

Ông Trương Chí Hồng cho biết ấn tượng với sức hút của chương trình Chị đẹp bản Việt 2023, do đó, họ quyết định mở rộng hợp tác với YeaH1 nhằm đưa hai doanh nghiệp đến quy mô lớn hơn, tập trung vào ba gameshow đã mua bản quyền gồm Mẹ siêu nhân, Chị đẹp đạp gió rẽ sóng và Anh trai vượt ngàn chông gai.

Trong bài phát biểu, bà Phương Thảo nói vinh dự khi được MangoTV chọn là đối tác chiến lược toàn diện trong giai đoạn mới và nhận định YeaH1 luôn tích cực đổi mới sáng tạo, kiên định đẩy mạnh nội dung chất lượng cao trên đa nền tảng.

"Sự kiện sẽ mở ra cho YeaH1 loạt cơ hội lớn, nhất là nhận chuyển giao năng lực sản xuất nội dung chất lượng, quy mô từ MangoTV - đơn vị đầu ngành tại Trung Quốc. Chúng tôi tin cuộc hợp tác sẽ mang lại kết quả to lớn, tiếp thêm sức sống mới cho sự phát triển của hai doanh nghiệp, đồng thời đem đến cho khán giả loạt chương trình hấp dẫn hơn", bà Phương Thảo cho hay.

YeaH1 là một trong những đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực truyền thông và sản xuất nội dung tại Việt Nam, doanh nghiệp truyền thông đầu tiên niêm yết tại sàn chứng khoán Việt Nam (HOSE: YEG).

VinFast xuất khẩu xe sang Châu Phi

VinFast mới công bố chính thức ký kết thỏa thuận với Jospong Group of Companies, tập đoàn đa ngành hàng đầu Ghana, về việc phân phối xe điện tại thị trường Ghana và khu vực Tây Phi. Thỏa thuận đánh dấu sự hiện diện của VinFast tại châu Phi.

VinFast sẽ đến châu Phi từ Ghana

Theo đó, Jospong sẽ phân phối ô tô điện, xe máy điện, xe đạp điện và xe buýt điện của VinFast tại thị trường Ghana nói riêng và Tây Phi nói chung. Jospong cũng có kế hoạch triển khai cơ sở hạ tầng sạc công cộng trên toàn quốc để thúc đẩy sự phát triển của xe điện tại đây.

Hợp tác với một trong những tập đoàn kinh doanh đa ngành lớn nhất quốc gia Tây Phi, VinFast khẳng định cam kết mang đến cho người tiêu dùng toàn cầu những lựa chọn giao thông xanh và thông minh, đồng thời khai phá tiềm năng tại thị trường xe điện châu Phi đang ngày càng phát triển.

Hoạt động kinh doanh của Jospong Group trải rộng trên 14 lĩnh vực tại các nước châu Phi và châu Á với 60 công ty con, nổi bật là mảng kinh doanh ô tô, xử lý chất thải, công nghệ thông tin và ngân hàng.

Bên cạnh thỏa thuận phân phối xe, Vingroup cũng ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với Jospong về việc thiết lập mối quan hệ đối tác ưu tiên. Theo đó, hai bên sẽ tích cực làm việc để hướng tới cơ hội hợp tác kinh doanh trong những lĩnh vực quan trọng như xe điện, taxi, giao thông công cộng, giáo dục, khách sạn, phát triển bất động sản và các lĩnh vực khác.

Thị trường xe điện Ghana và Tây Phi có tiềm năng phát triển lớn với dư địa cao và ít cạnh tranh. Nhu cầu được dự báo tăng nhanh với sự ủng hộ của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không trong lĩnh vực giao thông vận tải. Nước này dự kiến đến cuối năm 2040, số lượng lớn trạm xăng sẽ được dùng để phục vụ các phương tiện giao thông bền vững như xe điện.

Thông qua việc hợp tác với Jospong Group, Vingroup và VinFast có thể nhanh chóng củng cố vị thế và khẳng định tầm vóc tại thị trường xe điện nói riêng và ngành công nghiệp giao thông bền vững nói chung của khu vực.

Sudico lên kế hoạch đổi tên

Sudico đã công bố tài liệu dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến diễn ra vào ngày 20/3 tới.

Cụ thể, năm 2024, Sudico đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 858 tỷ đồng, tăng 60,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng, tăng 38,3% so với thực hiện trong năm 2023 và cổ tức dự kiến từ 10% đến 15%.

Sudico kỳ vọng sẽ xây dựng nên một thương hiệu mới sau khi đổi tên

Trong đó, tổng giá trị đầu tư dự kiến tăng 34,9% so với thực hiện trong năm 2023, tương ứng tăng thêm 368 tỷ đồng, lên 1.421 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, tiêu chí để hoàn thành kế hoạch năm 2024 là tiến độ các dự án công ty đang tiến hành. Cụ thể ghi nhận, dự án Văn La đã hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư, đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024 để giải phóng mặt bằng phần còn lại, hạ ngầm đường điện…

Sudico tiết lộ, trước hết, để đảm bảo doanh thu, trong năm 2024 công ty dự kiến kinh doanh một số sản phẩm tại Nam An Khánh và Bắc Trần Hưng Đạo mở rộng, xử lý hợp đồng với khách hàng cũ là chủ đầu tư cấp 2 của dự án Nam An khánh.

Được biết, năm 2023, Sudico ghi nhận tổng doanh thu đạt 536 tỷ đồng, thực hiện được 99,3% so với kế hoạch doanh thu 540 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ghi nhận 253 tỷ đồng, thực hiện được 116% so với kế hoạch lãi 218 tỷ đồng.

Dựa trên kết quả kinh doanh năm 2023, Sudico quyết định trình cổ đông kế hoạch không trả cổ tức năm 2023 với lý do để tập trung nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Điểm đáng chú ý nhất, HĐQT Công ty tiếp tục trình cổ đông kế hoạch đổi tên công ty, đây là tờ trình đã được thông qua năm 2023 nhưng chưa thực hiện. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng việc đổi tên, chuyển địa chỉ nhằm thuận tiện và đáp ứng yêu cầu công việc. Sudico kỳ vọng sẽ xây dựng nên một thương hiệu mới, một bộ mặt mới trên thị trường bất động sản Việt Nam và quốc tế.

Tên mới và địa chỉ trụ sở mới đã ủy quyền cho HĐQT lựa chọn, xem xét và quyết định vào thời điểm phù hợp. Bước đầu, Công ty sẽ chuyển văn phòng về số 105 Chu Văn An, Hà Đông và kiện toàn cơ cấu tổ chức doanh nghiệp.

Tái khởi động phương án tăng vốn điều lệ cũng là một trong những nội dung được lãnh đạo công ty tiếp tục đề cập đến để tăng cường năng lực tài chính, phục vụ chiến lược đầu tư phát triển dài hạn của Công ty. Phương án tăng vốn đã được ĐHCĐ thường niên năm 2022 thông qua, tuy vậy chưa thực hiện do diễn biến thị trường chưa thích hợp.

Theo phương án đó, Sudico dự kiến phát hành 126,3 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ, tỷ lệ 110%. Trong đó có 2 phương thức phát hành cổ phiếu: Thứ nhất, phát hành 29,86 triệu cổ phiếu trả cổ tức các năm từ 2018 đến 2021. Thứ 2, phát hành 96,27 triệu cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 84%. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối; lấy từ thặng dư vốn cổ phần; và từ thặng dư vốn cổ phần. Sau phát hành Sudico dự kiến tăng vốn điều lệ từ 1.148 tỷ đồng lên 2.411 tỷ đồng.

Vinatex sẽ xuất khẩu quần áo chống cháy

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa ký kết bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh vải và trang phục chống cháy với Tập đoàn Coats. Với hợp tác này, Vinatex sẽ sản xuất và bán vải, quần áo chống cháy theo đơn đặt hàng độc quyền cho Coats và các chi nhánh trên toàn cầu. 

Vinatex ký kết bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh vải và trang phục chống cháy với Tập đoàn Coats

Coats sẽ chịu trách nhiệm về bản quyền công nghệ, chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm, thiết kế và phát triển sản phẩm, chuyển giao công nghệ, bán hàng, quảng bá, tiếp thị và phân phối, cung cấp các mẫu vải và quần áo chống cháy. Tập đoàn này cũng cam kết phát triển vải chống cháy đảm bảo các sản phẩm có tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sản phẩm vải chống cháy được nghiên cứu, sản xuất theo quy trình công nghệ khép kín do Tập đoàn Coats chuyển giao tại Vinatex, từ xơ - sợi - dệt - nhuộm - hoàn tất - may đến khâu đóng gói, đáp ứng các tiêu chuẩn theo từng lĩnh vực ngành nghề.

Với nền tảng hợp tác của Vinatex và Coats trong nhiều năm, hai doanh nghiệp đã mất thời gian gần một năm để nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm, thực hiện chuyển giao công nghệ. Đến nay, sản phẩm đã được chấp nhận và đạt tất cả các tiêu chuẩn khách hàng yêu cầu.

Gồm các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm: tiêu chuẩn OEKO - TEX 100; phê duyệt UL và liệt kê trên thư mục UL, quần áo bảo hộ, quần áo chống cháy, quần áo và thiết bị bảo hộ để chữa cháy rừng… 

Các sản phẩm vải chống cháy được sản xuất với hai dòng: từ xơ chịu nhiệt và từ hóa chất bao phủ vải để ngăn không cho nguồn nhiệt tiếp xúc với vật liệu bảo hộ. 

Sản phẩm này sẽ phục vụ cho bảo hộ lao động, trong các lĩnh vực như gò hàn, tia lửa điện, khai khoáng, môi trường dễ phát cháy… Nhà sản xuất sẽ phải mua bảo hiểm cho sản phẩm để đảm bảo chất lượng và an toàn khi sử dụng.

Vinatex thông tin sẽ tận dụng lợi thế này để hướng tới mục tiêu doanh thu xuất khẩu sản phẩm vải chống cháy trong 5 năm tới là từ 80 - 100 triệu USD cho mỗi năm. Trước mắt trong năm nay, Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu cho sản phẩm này là 5 triệu USD.

Đạm Cà Mau xuất lô hàng lớn sang Australia và New Zealand, tiếp sau là Mexico

Đạm Cà Mau hiện đang chuẩn bị các thủ tục cuối cùng để xuất khẩu sản phẩm cao cấp sang hai thị trường “khó tính” hàng đầu thế giới là Australia và New Zealand.

Tính đến hết năm 2023, phân bón Cà Mau của Đạm Cà Mau đã được xuất khẩu sang 18 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới

Thông tin từ đại diện Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) cho biết, New Zealand và Australia là hai thị trường sẵn sàng mua phân bón ure hạt đục với giá rất cao so với các nước khác nhưng lại có những yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hóa.

Vì vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, cùng với việc tập trung nhân lực chuẩn bị cho lô hàng chất lượng cao này, công ty đã từng bước cải thiện chất lượng các khâu từ dịch vụ vận chuyển, bốc xếp cho đến khâu hàng hóa xuất khỏi kho nhà máy, đảm bảo chất lượng hàng hóa tốt nhất, tốc độ xếp dỡ cao so với mặt bằng chung của các nhà xuất khẩu trên thế giới, đại diện Đạm Cà Mau chia sẻ.

Tính đến hết năm 2023, sản phẩm phân bón Cà Mau của Đạm Cà Mau đã được xuất khẩu sang 18 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, Đạm Cà Mau đang tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ngoài New Zealand và Australia, châu Mỹ cũng được Đạm Cà Mau đánh giá là thị trường tiềm năng, ưu tiên tập trung khai thác. Công ty cũng đang chuẩn bị xuất khẩu lô hàng hơn 35.000 tấn sang Mexico.

Sudico lên kế hoạch đổi tên khi về tay nhóm Thương mại dịch vụ Đầu tư An Phát
Ngày 20/3, CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã SJS - sàn HoSE) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư