Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chấp nhận lỗ, Vinalines thoái vốn trên diện rộng
Bảo Như - 07/03/2018 09:31
 
Trước thềm IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng) dự kiến diễn ra vào quý II/2018, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chấp nhận lỗ khoảng 400 tỷ đồng để thoái vốn tại 18 đầu mối có vốn góp trong giai đoạn 2018 - 2019.

Tín hiệu thuận

Những tín hiệu rất thuận cho lộ trình thoái vốn với quy mô lớn nhất từ trước đến nay của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong văn bản vừa gửi tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đầu tuần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định tỷ lệ vốn cần thoái và dự kiến tỷ lệ vốn Vinalines tiếp tục nắm giữ tại các đầu mối đã cơ bản bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 10/2017.

Vinalines sẽ dồn lực thoái vốn/giảm vốn tại 13 doanh nghiệp gồm các đơn vị vận tải biển thua lỗ. Ảnh: T.C
Vinalines sẽ dồn lực thoái vốn/giảm vốn tại 13 doanh nghiệp gồm các đơn vị vận tải biển thua lỗ. Ảnh: T.C

“Vinalines cần xây dựng các giải pháp có tính khả thi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo hoàn thành việc thoái vốn trong giai đoạn 2018 - 2020”, Văn bản số 1227/BKHĐT–PTDN do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu ký cho biết.

Trước đó, tháng 1/2018, Vinalines đã trình Bộ GTVT kế hoạch thoái vốn/giảm vốn nắm giữ của ông lớn ngành hàng hải Việt Nam tại 15 doanh nghiệp thành viên và 3 doanh nghiệp nằm ngoài ngành nghề kinh doanh chính có vốn góp là Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Hàng hải Hải Phòng (HP Marine); Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (Tip) và Tổng công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư Petec (Petec).

Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines, trong lộ trình thoái vốn kéo dài 3 năm, số lượng đầu mối cần thoái phần lớn tập trung vào năm 2018. Cụ thể, Vinalines sẽ dồn lực thoái vốn/giảm vốn tại 13 doanh nghiệp gồm các đơn vị vận tải biển thua lỗ, trong đó ưu tiên thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn góp chi phối như Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco); Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship (Vinaship); Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart); Công ty cổ phần Vinalines Nha Trang để giảm lỗ hợp nhất cho Công ty mẹ.

Nhóm mức độ ưu tiên tiếp theo tập trung tại các doanh nghiệp đang bị lỗ, nhưng tỷ lệ vốn góp của Vinalines thấp là Công ty cổ phần Hàng hải Đông Đô (DongDoMarine), Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Phương Đông (OSTC), Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu (Sesco) và các doanh nghiệp thu nợ có giá trị nhỏ (Tip, Petec). Vinalines cho biết sẽ xem xét giảm vốn ngay trong năm 2018 tại Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (từ 92,5% vốn điều lệ xuống 65%) và Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ (từ 99,6% xuống 51%).

Trong năm 2019, Vinalines sẽ thoái vốn/giảm vốn tại 3 đầu mối, trong đó đáng chú ý nhất là việc giảm vốn tại Công ty cổ phần Cảng Cam Ranh từ 80,9% xuống 51% vốn điều lệ và Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng từ 75% xuống 65% vốn điều lệ; thoái vốn toàn bộ tại Công ty cổ phần Hàng hải Sài Gòn.

Chấp nhận lỗ

Hai “khúc xương” giảm vốn được Vinalines dự kiến để đến năm 2020 là Công ty cổ phần Đầu tư cảng Cái Lân (CPI) và Công ty TNHH Vận tải hàng công nghệ cao (Transvina). Dù tỷ lệ giảm vốn tại 2 đầu mối này chỉ dao động từ 5,58% đến 5% vốn điều lệ, nhưng lãnh đạo Vinalines đánh giá là rất khó khăn, khi khoản lỗ lũy kế của CPI đến ngày 30/9/2017 là 408 tỷ đồng. Trong khi đó, với trường hợp của Transvina thì Vinalines chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính vốn góp bằng giá trị thuê đất với đối tác nước ngoài, nên việc xác định giá trị phần vốn của Vinalines tại đây sẽ không có lợi nếu tiến hành chuyển nhượng vốn góp sớm.

Cần phải nói thêm rằng, do rất nhiều khoản đầu tư của Vinalines nằm trong các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ kéo dài, nên việc xuất hiện khoản chênh lệch giữa giá vốn đầu tư của số cổ phần thoái sau định giá để xây dựng phương án cổ phần hóa Công ty mẹ tại thời điểm 31/12/2016 với giá trị dự kiến thu về là không thể tránh khỏi.

Theo tính toán của Vinalines, tổng giá trị vốn đầu tư tại 18 đầu mối cần thoái/giảm vốn giai đoạn 2018 - 2020 là khoảng 1.957 tỷ đồng, trong khi đó giá trị dự kiến thu về chỉ có 1.614 tỷ đồng. Hai khoản lỗ do thoái vốn/giảm vốn lớn nhất mà Vinalines dự kiến gánh đến từ Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (-306 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Cảng Cam Ranh (-83 tỷ đồng).

Tại Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, giá trị vốn cổ phần sau khi định giá lại tại thời điểm 31/12/2016 là 15.800 đồng/cổ phần, trong khi giá dự kiến chỉ có 12.400 đồng/cổ phần. Tại Công ty cổ phần Cảng Cam Ranh, theo kết quả xác định lại giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Công ty mẹ, giá trị phần vốn của Tổng công ty được xác định lại tương đối cao (29.400 đồng/cổ phần), trong khi giá trị sổ sách tại thời điểm 30/9/2017 chỉ là 10.274 tỷ đồng.

Đây là lý do Vinalines xin phép Bộ GTVT tiến hành chuyển nhượng vốn dưới giá trị sổ sách đối với các khoản đầu tư có nguy cơ thua lỗ cao. “Việc thoái vốn/giảm vốn dưới giá trị sổ sách chỉ có thể thực hiện khi Bộ GTVT chấp thuận”, ông Tĩnh cho biết.

Được biết, đối với đề nghị thoái vốn dưới giá trị sổ sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Bộ GTVT căn cứ các quy định hiện hành, chỉ đạo Vinalines thoái vốn tại các doanh nghiệp thành viên theo nguyên tắc công khai, minh bạch và đem lại quyền lợi cao nhất cho Nhà nước.

Vinalines bán đấu giá tàu Vinalines Sky với giá khởi điểm 154 tỷ đồng
Cuộc đấu giá tàu Vinalines Sky sẽ được tổ chức bởi Công ty cổ phần bán đấu giá tài sản Việt Nam vào 14h ngày 22/1/2018.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư