Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
“Cuộc cách mạng” về quy hoạch
Hà Nguyễn - 26/02/2018 11:23
 
Dù Luật Quy hoạch tới đầu năm 2019 mới chính thức có hiệu lực, nhưng không còn sớm để bắt tay vào việc chuẩn bị thực thi Luật, cũng như thực hiện một cuộc cách mạng về quy hoạch ở Việt Nam.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch đang bắt đầu. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Nói vậy là bởi vì, thời gian từ nay tới kỳ quy hoạch 2021 - 2030 chỉ còn 3 năm. Trong 3 năm đó, còn một khối lượng khổng lồ công việc phải thực hiện, từ xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch, đến rà soát, tổng hợp danh mục các quy hoạch và quan trọng hơn cả là xây dựng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Đấy là còn chưa nói tới việc phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hàng loạt luật, văn bản pháp luật có liên quan, để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch.

Chính vì nhiệm vụ nặng nề như vậy, nên đầu tháng 2 vừa qua, Chính phủ đã ban hành riêng một nghị quyết về việc triển khai, thi hành Luật Quy hoạch, với hàng loạt nhiệm vụ được giao cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương.      

Hiện công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch đang bắt đầu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây chính thức đưa ra lấy ý kiến công luận Dự thảo quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch. Nhiều nguyên tắc quan trọng đã được nhấn mạnh tại Dự thảo Nghị định, từ điều kiện về năng lực chuyên môn đối với tổ chức tư vấn lập quy hoạch, đến các quy định về tổ chức nhiệm vụ xây dựng quy hoạch, yêu cầu về nội dung, phương pháp lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành…

Nỗ lực đóng góp ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Nghị định là bước đi đầu tiên và quan trọng để triển khai thi hành Luật Quy hoạch, bởi không có viên gạch đầu tiên này, thì quá trình thi hành Luật chẳng khác nào “dò đá qua sông”. Việc sửa đổi quy định pháp luật, hay rà soát quy hoạch, cũng là tiền đề quan trọng để thực hiện cuộc cách mạng về quy hoạch ở Việt Nam. Nhưng hơn hết, vẫn là phải làm sao tổ chức lập các loại quy hoạch một cách chính xác, hiệu quả và khả thi, nhất là quy hoạch tích hợp quốc gia, làm sao biến những nỗ lực cải cách công tác lập quy hoạch của Việt Nam trở thành hiện thực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, quá trình xây dựng và thông qua Luật Quy hoạch đã cho thấy có không ít tiếng nói ngược chiều, vẫn còn những cơ quan  quản lý muốn khư khư ôm lấy tư duy quản lý kiểu cũ, không muốn mất đi những lợi ích cục bộ của ngành mình, lĩnh vực mình… Dù Luật đã được thông qua, nhưng đây đó tư duy ấy vẫn tồn tại. Bởi thế, sẽ tiếp tục là một hành trình đầy cam go, thử thách, để ít nhất và trước mắt, tất cả các bộ, ngành, các cơ quan quản lý, các chuyên gia… cùng ngồi với nhau xây dựng một quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương pháp tích hợp.

Quy hoạch hôm nay và chỉ có thời kỳ quy hoạch 10 năm, nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo một tầm nhìn dài hạn 30 năm, thậm chí 50 năm. Nếu không có sự đồng thuận lớn, có quyết tâm chính trị, nếu không chiến thắng được bản thân, thay vì nghĩ tới lợi ích cục bộ, nếu không hướng tới mục tiêu chung là lợi ích quốc gia, thì sẽ không thể có được một cuộc cách mạng về quy hoạch ở Việt Nam, cho dù Luật đã được thông qua.

Thông qua Luật Quy hoạch: Kỳ vọng “cởi trói” nguồn lực đầu tư
Thành lũy cuối cùng của cơ chế kế hoạch hóa tập trung đã chính thức được gỡ bỏ, khi cuối tuần qua, với 88,19% phiếu thuận, Luật Quy hoạch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư