Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đầu tư ra nước ngoài: Khai phá thị trường mới
Hà Nguyễn - 13/05/2018 08:09
 
Ngoài các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, Myanmar…, doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu xu hướng tìm kiếm các thị trường mới để đầu tư.

Cuba - tâm điểm mới 

Có một thông tin rất đáng chú ý trong báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về tình hình đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam từ đầu năm tới nay. Đó là, Cuba đã vươn lên đứng trong top 3 thị trường mà DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất.

Unitel - liên doanh của Viettel tại Lào - dẫn đầu thị trường viễn thông tại nước này trong nhiều năm.
Unitel - liên doanh của Viettel tại Lào - dẫn đầu thị trường viễn thông tại nước này trong nhiều năm.

Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, DN Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài tổng cộng 153,6 triệu USD. Trong đó, vốn đăng ký mới gần 129 triệu USD, vốn tăng thêm là 24,64 triệu USD. Nếu chia theo thị trường, Lào là địa bàn dẫn đầu, với 80,12 triệu USD, chiếm 52,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Campuchia, Cuba, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài lần lượt là 25,9 triệu USD và 19,9 triệu USD.

Gần 20 triệu USD là một con số không lớn, nhưng lại cho thấy một động thái rất mới của các DN Việt: sẵn sàng dốc vốn vào một thị trường cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất, đang bắt đầu giai đoạn mở cửa và hứa hẹn nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh.

Thông tin cho biết, đã và đang có một số dự án đầu tư của DN Việt Nam tại thị trường mới mẻ này. Chẳng hạn, Dự án thăm dò dầu khí của Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP), hay Dự án sản xuất tã lót, Dự án sản xuất bột giặt tại Đặc khu Mariel của Công ty Thái Bình. 

Ngoài các dự án trên, nhiều kế hoạch đầu tư khác cũng đang được thiết lập. Trong khi Hanel và đối tác Cuba muốn xây dựng một khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê, thì Công ty Vico muốn đầu tư một dự án sản xuất bột giặt. Còn Viglacera thì đang nhắm đến dự án hợp tác sản xuất gốm sứ, Công ty Hưng Thắng có kế hoạch sản xuất nước đóng chai...

Trên thực tế, thông tin về thị trường tiềm năng Cuba đã được các DN Việt quan tâm từ lâu. Vài năm trước, nhiều dự báo đã cho rằng, sau Lào, Campuchia, Myanmar, thì Cuba sẽ nổi lên là điểm đến được nhiều DN Việt Nam lựa chọn, bởi đây là thị trường mới bắt đầu giai đoạn mở cửa, với tiềm năng thị trường còn rất lớn. Chính phủ Cuba cũng đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi DN Việt Nam sang đầu tư tại quốc gia này.

Cơ hội đang thực sự mở ra và ngày càng rộng hơn, nhất là sau chuyến thăm Cuba hồi tháng 3/2018 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong khuôn khổ chuyến thăm, nhiều thỏa thuận hợp tác đã được ký kết. Trong đó, đáng chú ý là việc Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba ký kết thỏa thuận kết thúc đàm phán chính thức giữa hai nước về Hiệp định thương mại mới Việt Nam - Cuba. Theo đó, hai bên sẽ triển khai việc rà soát pháp lý để ký kết trong thời gian sớm nhất, đưa hiệp định này vào thực hiện, nhằm hỗ trợ tăng trưởng thương mại, thu hút đầu tư… 

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Cuba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Vietjet đã ký thỏa thuận hợp tác với Hãng hàng không Cuba; các dự án đầu tư phát triển hệ thống khách sạn, resort… cũng đã được ký kết.

Các chuyên gia cho rằng, đây là những động thái rất quan trọng, giúp thúc đẩy giao thương và đầu tư giữa hai quốc gia. 

Thu trái ngọt

Sau một thời gian tích cực đầu tư ra nước ngoài, thông tin gần đây cho thấy, DN Việt đã và đang thu được nhiều trái ngọt ở thị trường ngoại.

Gần đây nhất là con số 1,3 tỷ USD lợi nhuận đã chuyển về Việt Nam kể từ khi đầu tư ra nước ngoài cho đến năm 2017 do Viettel công bố. Cũng theo Viettel, năm 2017, doanh thu từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài, bao gồm của Viettel Global và thị trường Peru đã đạt hơn 38.000 tỷ đồng (tương đương gần 1,7 tỷ USD), tăng hơn 38% so với năm 2016, gấp hơn 9 lần so với mức tăng trưởng bình quân của ngành viễn thông toàn cầu. 

Theo kế hoạch, trong quý II/2018, Viettel sẽ chính thức khai trương, cung cấp dịch vụ tại thị trường Myanmar, chính thức đánh dấu sự hiện diện tại 10 thị trường nước ngoài, bao gồm Campuchia, Lào, Đông Timor, Haiti, Peru, Mozambique, Cameroon, Burundi, Tanzania và Myanmar. 

Trong khi đó, thông tin từ Tập đoàn TH cho biết, sau khi đón đàn bò từ Mỹ và khánh thành trang trại đầu tiên của Dự án TH ở Nga vào đầu năm nay, Tập đoàn đang chuẩn bị đón dòng sữa TH đầu tiên tại Nga. Tuy mới là bước đi ban đầu, song đây là dấu mốc quan trọng, hứa hẹn sự thành công rất lớn của Tập đoàn TH ở xứ sở bạch dương. Một khi dự án này thành công, DN Việt sẽ tiếp tục thu trái ngọt ở nước ngoài, giống như FPT đã và đang làm được ở Mỹ, ở châu Âu, ở Nhật Bản; hay Vinamilk ở Mỹ, ở Campuchia…

Kinh doanh hiệu quả ở nước ngoài sẽ là đòn bẩy để ngày càng nhiều DN Việt Nam tiếp tục đầu tư ra nước ngoài. Thực tế, không chỉ Cuba, Lào hay Campuchia, mà thời gian gần đây, các DN Việt Nam đã từng bước mở rộng thị trường đầu tư. Không bó hẹp ở châu Á, DN Việt đã sang cả Australia, New Zealand, rồi Mỹ, Canada, Haiti, Cameroon… để đầu tư. Để đón đầu cho dòng vốn đầu tư này, hàng loạt ngân hàng Việt đã “theo chân” DN Việt ra nước ngoài, từ BIDV, VietinBank, rồi Sacombank, MB, SHB…

Tuy vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam đang có chiều hướng chậm lại, song nhiều dự báo cho rằng, dòng vốn này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nhìn vào con số trong báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài rằng, trong 4 tháng đầu năm, lĩnh vực tài chính - ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105 triệu USD, chiếm 68,3% tổng vốn đầu tư, có thể thấy, DN Việt sẽ còn tiếp tục dốc vốn để “chinh chiến” nơi xứ người.

Chính phủ có nghị định riêng về đầu tư ra nước ngoài lĩnh vực dầu khí
Một nghị định mới của Chính phủ về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí vừa được ban hành. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước muốn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư