Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Diễn biến các cổ phiếu cần quan tâm tuần qua: IMP bứt phá, tăng giá hơn 11%
 
Bên cạnh nhóm cổ phiếu ngành dược, các mã lớn được đưa ra khuyến nghị mua cũng đón nhận một tuần giao dịch khởi sắc khi hầu hết đều tăng khá tốt. Cùng Đầu tư nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu HNG

Chanh dây, Chuối, Thanh Long, Ớt sẽ là loại quả chủ lực cho năm 2018. Đây là các loại quả bắt đầu thu hoạch trong năm 2017 và tọa được thành công bước đầu. Các loại quả này kỳ vọng sẽ đem lại bước ngoặt lớn về lợi nhuận cho HNG kể từ năm 2018. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua với cổ phiếu HNG với mức giá mục tiêu 19.243 đồng/CP, cao hơn 129,0% so với mức giá hiện tại.

Dự báo kết quả kinh doanh sẽ tiếp tục khởi sắc cùng việc đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu của Thành viên HĐQT ông Võ Trường Sơn đã phần nào giúp cổ phiếu HNG hồi phục tốt về cuối tuần. Thống kê với 2 phiên giảm đầu tuần và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HNG tăng 670 đồng/Cp (+7,98%) từ mức 8.400 đồng/Cp lên 9.070 đồng/Cp.

* PHS khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu IMP

Mức giá hợp lý cho cổ phiếu IMP trong 1 năm tới được dự báo là 72.390 đồng/cổ phiếu với EPS dự phóng là 3.101 đồng/cổ phiếu. Mặc dù định giá khá cao (P/E dự phóng ~23.x) tuy nhiên với triển vọng kinh doanh khả quan (P/E có thể giảm dần trong tương lai với mức dự kiến là 18.x vào năm 2020) cộng với những khả năng nới room ngoại có thể diễn ra sẽ được kỳ vọng ảnh hưởng tốt đến diễn biến giá cổ phiếu trong thời gian tới.

Trong tuần qua, HĐQT Imexpharm đã thông qua việc tạm ứng cổ tức 5% bằng tiền mặt và báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng tăng trưởng tốt với tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 764 tỷ đồng và 111 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 17% và 40%. Những thông tin tích cực này đã hỗ trợ tốt giúp cổ phiếu IMP tăng khá mạnh trong tuần qua. Thống kê với duy nhất 1 phiên giảm nhẹ ngày 14/11 và 4 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu IMP tăng 7.100 đồng/Cp (+11,29%) từ mức 62.900 đồng/Cp lên 70.000 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường đối với cổ phiếu DHG

Chúng tôi giữ khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho DHG với giá mục tiêu 98.700 đồng/cổ phiếu (tổng mức sinh lời 6%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,4%).

Mặc dù là nhóm cổ phiếu có thị giá cao trên thị trường nhưng tuần qua không chỉ IMP, cổ phiếu DHG cũng khá khởi sắc khi ghi nhận 3 phiên tăng và 2 phiên điều chỉnh vào đầu tuần 13/11 và cuối tuần 17/11. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DHG tăng 4.200 đồng/Cp (+4,38%) từ mức 95.800 đồng/Cp lên 100.000 đồng/Cp.

* Theo PSI, giá mục tiêu của cổ phiếu NT2 là 36.000 đồng/CP, trong khi VCSC đưa ra giá mục tiêu là 32.600 đồng/CP

PSI đánh giá sản lượng điện sản xuất và kinh doanh năm 2017 dự kiến đạt 4,34 tỷ kWh. Trong giai đoạn 2018-2022, sản lượng sản xuất và thương mại dao động trong khoảng 4,8 tỷ - 5 tỷ kWh. Đồng thời, dự phóng lợi nhuận sau thuế của NT2 trong năm 2017 và năm 2018 lần lượt là 776 tỷ và 1.089 tỷ, EPS tương ứng lần lượt là 2.723 đồng/cp và 3,782 đồng/cp. Giá mục tiêu cho đến thời điểm cuối năm 2017 là 36.000 đồng/cp.

Theo VCSC, NT2 hiện đang giao dịch với P/E cốt lõi 2017 và 2018 hấp dẫn 9,4 lần và 8,6 lần. Chúng tôi hiện đang khuyến nghị giá mục tiêu 32.600 đồng cho NT2, tương ứng với tổng mức sinh lời 15,5%. Chúng tôi nhiều khả năng sẽ nâng dự báo lợi nhuận trong 3 năm tới do khoản chi phí lớn tiết kiệm được từ lần đại tu này.

Cả PSI và VCSC đặt kỳ vọng quá cao đối với cổ phiếu NT2 khi trong tuần qua, cổ phiếu này đã đón nhận tới 4 phiên điều chỉnh giảm và duy nhất 1 phiên tăng ngày 14/11. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NT2 chỉ tăng nhẹ 150 đồng/Cp (+0,49%) từ mức 30.650 đồng/Cp lên 30.800 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu là 32.600 đồng/Cp, giá hiện tại của NT2 còn thấp hơn 5,84%.

* VCSC khuyến nghị khả quan đối với PLX

PLX hiện đang giao dịch tại mức P/E 2017 là 17,3 lần, thấp hơn 5,5% so với trung vị các công ty xăng dầu khác là 18,3 lần. Vì vậy, chúng tôi giữ nguyên giá mục tiêu dành cho PLX nhưng nâng khuyến nghị lên khả quan vì giá cổ phiếu đã giảm 17,8% kể từ khi chúng tôi ra báo cáo cập nhật trước.

Mới đây, PLX đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2017 với lợi nhuận đạt 773 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước và lũy kế 9 tháng đạt 3.546 tỷ đồng, giảm 12,7% so với cùng kỳ. Thông tin thiếu tích cực này đã phần nào tác động tới diễn biến cổ phiếu PLX tuần qua khi trải qua 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PLX giảm 2.400 đồng/Cp (-4,14%) từ mức 58.000 đồng/Cp xuống 55.600 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường đối với cổ phiếu VNM

Chúng tôi giữ khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho CTCP Sữa Việt Nam (VNM) dù tăng giá mục tiêu thêm 16% nhờ cập nhật chu kỳ chiết khấu dòng tiền và điều chỉnh tăng lợi nhuận sau thuế 2018 thêm 10% vì diễn biến giá sữa bột tốt hơn dự báo trước.

Thành công của đợt đấu giá thứ 2 với kết quả toàn bộ 3,33% vốn của Vinamilk đã được một nhà đầu tư Singapore ôm hết với giá 186.000 đồng/CP, cao hơn 24% so với giá khởi điểm của SCIC, tiếp tục giúp “ông lớn” này tăng vọt trong tuần qua. Cụ thể, với duy nhất 1 phiên giảm ngày 14/11, 1 phiên đứng giá vào cuối tuần 17/11 và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VNM tăng 9.400 đồng/Cp (+5,41%) từ mức 173.800 đồng/Cp lên 183.200 đồng/Cp.

* BVSC khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu NLG

Theo quan điểm của BVSC, sự sụt giảm về giá cổ phiếu trong thời gian qua cũng đã tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn và an toàn cho nhà đầu tư trong trung - dài hạn. Hiện tại, giá thị trường của NLG đang chiết khấu 28% so với giá trị hợp lý của Công ty. Do đó, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu NLG với mức lợi nhuận kỳ vọng là 28%. Mục tiêu nắm giữ trung hạn với thời gian khoảng 6 – 12 tháng.

Không được như kỳ vọng của BVSC, dù NLG đã hồi phục trong 3 phiên giữa tuần nhưng chỉ đủ để giúp cổ phiếu này lấy lại thăng bằng sau phiên giảm khá sâu ngày đầu tuần 13/11 cùng phiên điều chỉnh nhẹ vào cuối tuần 17/11. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NLG tăng nhẹ 100 đồng/Cp (+0,36%) từ mức 27.850 đồng/Cp lên 27.950 đồng/Cp.

* Theo KIS, xu hướng tăng trung hạn của NKG vẫn được duy trì

Nhà đầu tư không nên vội vàng giải ngân mà cần phải chờ đợi những nhịp điều chỉnh tích cực với khối lượng giao dịch thấp để khẳng định chắc chắn cho xu thế tăng của NKG đã được hình thành. Khi đó, nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân vào NKG trong trường hợp giá xuất hiện phiên bật tăng mạnh trở lại trong vùng giá 36-37. Kỳ vọng lợi nhuận đạt được trong 3 tháng là 15% với mức giá mục tiêu là 42 và cắt lỗ khi giá rớt khỏi mức 32.

Nhóm cổ phiếu ngành thép tuần qua có diễn biến tích cực nhờ lực cầu nội và ngoại khá tốt, trong đó NKG cũng không ngoại lên. Thống kê với 1 phiên vào cuối tuần ngày 17/11, 1 phiên đứng giá và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NKG tăng 1.790 đồng/Cp (+4,94%) từ mức 36.210 đồng/Cp lên 38.000 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu MWG

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho MWG với giá mục tiêu 178.900 đồng/cổ phiếu, tổng mức sinh lời 39,6%, bao gồm lợi suất cổ tức 0,6%. Giá mục tiêu của chúng tôi chưa phản ánh tiềm năng tăng từ thương vụ mua lại TAG sắp tới vì chúng tôi còn chờ đợi thông tin chi tiết về cấu trúc thanh toán trước khi đưa TAG vào mô hình định giá.

Tuần qua, cùng với chỉ số thị trường liên tiếp ghi nhận mốc đỉnh mới, cổ phiếu MWG cũng đã có diễn biến tích cực khi xác lập mức giá cao nhất trong lịch sử hơn 3 năm niêm yết tại 134.500 đồng/CP trong phiên 14/11. Thống kê tuần qua, với 3 phiên giảm nhẹ và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG tăng 5.100 đồng/Cp (+3,95%) từ mức 128.900 đồng/Cp lên 134.000 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu BID, khuyến nghị mua cổ phiếu CTG và MBB; còn BSC khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VCB

Chúng tôi điều chỉnh tăng 6% giá mục tiêu dành cho BID từ 24.678 đồng/cổ phiếu lên 26.100 đồng/cổ phiếu, tổng mức sinh lời 17,3% và điều chỉnh khuyến nghị từ mua thành khả quan. Với tình hình hoạt động cốt lõi khả quan và dự phòng lành mạnh để cải thiện chất lượng tài sản, chúng tôi tiếp tục cho rằng BID sẽ đảo chiều.

Bên cạnh đó, điều chỉnh khuyến nghị dành cho CTG từ mua thành khả quan với giá mục tiêu mới là 22.200 đồng/cổ phiếu (giảm 4,5%) từ 23.252 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ tăng 15,2%. 

Ngoài ra, giữ khuyến nghị mua dành cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) và điều chỉnh tăng giá mục tiêu lên 28.400 đồng/cổ phiếu từ 26.700 đồng/cổ phiếu, TL tăng 6%, tổng mức sinh lời 24,1%.

Còn theo BSC, kết quả kinh doanh của VCB tiếp tục tăng cao. Kết thúc 9 tháng năm 2017, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 6.366 tỷ đồng, tăng 25,87% so với cùng kỳ năm trước. Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VCB với giá mục tiêu 12 tháng tới là 45.000 đồng/cp, upside 4.4%.

Tuần qua, thị trường đã liên tiếp phá đỉnh mới nhờ sự dẫn dắt của các cổ phiếu lớn. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng không tạo ấn tượng mạnh khi giao dịch khá giằng co với những phiên tăng giảm nhẹ.

Trong đó, cổ phiếu BID đã tăng khá tốt trong 2 phiên đầu tuần nhưng lại quay đầu điều chỉnh nhẹ trong 3 phiên tiếp theo, phần nào lấy đi thành quả tích cực có được. Tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu BID tăng 4.500 đồng/Cp (+1,9%) từ mức 23.600 đồng/Cp lên 24.050 đồng/Cp.

Cổ phiếu CTG đã đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá vào đầu tuần,  tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CTG tăng nhẹ 200 đồng/Cp (+0,98%) từ mức 20.400 đồng/Cp lên 20.600 đồng/Cp.

Trong khi MBB đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MBB tăng nhẹ 50 đồng/Cp (+0,21%) từ mức 23.550 đồng/Cp lên 23.600 đồng/Cp.

Tương tự, VCB cũng có 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VCB tăng 1.300 đồng/Cp (+3,02%) từ mức 43.100 đồng/Cp lên 44.400 đồng/Cp.

Thị trường chứng khoán: Cổ phiếu ngân hàng chờ "ngôi sao" mới
Bên cạnh việc tuân thủ quy định thì tình hình kinh doanh cải thiện, thị trường chứng khoán hồi phục… cũng là những yếu tố tạo nên làn sóng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư