Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp xơ, sợi thiệt vì thuế chống bán phá giá
Thế Hoàng - 25/04/2018 08:30
 
Sản phẩm xơ sợi xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp bị kiện và áp thuế chống bán phá giá, khiến doanh thu sụt giảm, cơ hội xuất khẩu sang các thị trường bị áp thuế ngày càng thu hẹp.

Xuất khẩu sụt giảm 

Năm 2017, xuất khẩu dệt may, xơ sợi, vải, nguyên phụ liệu mang về 31 tỷ USD, trong đó, xơ sợi đóng góp 3,59 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ 2016. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đánh giá, xuất khẩu xơ, sợi có thể tăng trưởng cao hơn, nếu như không vướng phải các vụ kiện chống bán phá giá và bị áp thuế cao tại Thổ Nhĩ Kỳ - một trong 2 thị trường xuất khẩu chủ lực của xơ sợi.

.
.

Theo Bộ Công thương, thời gian qua, một số nước đã tăng cường sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại với sợi Việt Nam. Cụ thể, từ năm 2007 đến nay, hàng xơ, sợi xuất khẩu của Việt Nam bị kiện đến 11 vụ, trong đó có 7 vụ kiện chống bán phá giá, 1 vụ kiện chống trợ cấp, 2 vụ kiện áp dụng biện pháp tự vệ, 1 vụ kiện chống lẩn tránh thuế.

Riêng năm 2017, Việt Nam chịu 3 vụ kiện, trong đó, Ấn Độ điều tra chống bán phá giá sợi nylon filament, Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá sợi polyester, Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống bán phá giá sợi bán thành phẩm.

Ảnh hưởng của các chính sách phòng vệ thương mại thấy rõ khi nhìn vào kết quả xuất khẩu. Sau một thời gian bị áp thuế, xuất khẩu xơ sợi sang Thổ Nhĩ Kỳ đã bị lao dốc nghiêm trọng, từ mức 138.000 tấn, trị giá 321 triệu USD năm 2013, giảm khoảng một nửa, xuống còn 71.000 tấn, trị giá khoảng 161,9 triệu USD năm 2017.

“Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế chống bán phá giá, sợi màu, sợi PE không thể xuất khẩu sang quốc gia này được nữa. Nếu không bị vướng kiện và áp thuế, các doanh nghiệp có thể khai thác đơn hàng từ thị trường Thổ Nhĩ Kỳ để đạt giá trị xuất khẩu từ 750 - 800 triệu USD”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho biết. 

Tính chuyện đường dài

Mất thị trường xuất khẩu do sụt giảm đơn hàng, hệ lụy từ các vụ kiện chống bán phá giá không còn là nguy cơ, mà đã thực sự xảy ra với ngành xơ, sợi. 

Trong bối cảnh đó, sự ứng biến của các doanh nghiệp xơ, sợi trong nước cũng được Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) đánh giá là khá nhanh và linh hoạt. Theo VCOSA, trước đây, xuất khẩu xơ, sợi sang Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 1/3 sản lượng sợi xuất khẩu của Việt Nam, trước tình trạng bị áp thuế, trong khi năng lực cung cấp của ngành ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp đã chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…, nên tăng trưởng xuất khẩu xơ sợi vẫn đạt hơn 20%.

Đơn cử trường hợp của Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ, Thổ Nhĩ Kỳ từng là thị trường chiếm 30% doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp này. Các vụ điều tra chống bán phá giá của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã khiến Sợi Thế Kỷ bị sụt giảm đơn hàng xuất khẩu nghiêm trọng trong các năm 2015-2016. Nhưng đến nay, tình hình đã cải thiện đáng kể, khi doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu thành công sang thị trường mới là Nhật Bản, Trung Quốc…

Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ cho hay, việc đẩy mạnh cung cấp sợi tại các thị trường mới và khách hàng mới đã giúp doanh nghiệp bù đắp hoàn toàn cho việc mất thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.

Thời gian qua, một số nước đã tăng cường sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại với sợi Việt Nam, khiến xuất khẩu mặt hàng này lao dốc nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, ngành xơ, sợi Việt Nam vẫn đang đối mặt với khó khăn khi phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc, với tỷ trọng chiếm đến 70%, thậm chí có những doanh nghiệp xuất khẩu 100% sản lượng vào thị trường này. Đó là chưa kể, năng lực cung ứng của ngành xơ, sợi ngày càng lớn sau khi được đầu tư mạnh mẽ trong giai đoạn 2014-2016, khiến áp lực xuất khẩu càng cao.

Với gần 7 triệu cọc sợi, năng suất 1,2 triệu tấn sợi bông nhân tạo, quy mô sản xuất sợi của Việt Nam tăng nhanh nhờ thu hút được các dự án FDI và các nhà máy đã được đầu tư trong giai đoạn trước đi vào vận hành. Trong đó, có thể kể đến những doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Texhong với quy mô khoảng 450.000 tấn sợi/năm tại Khu công nghiệp Hải Yên (tỉnh Quảng Ninh) và nhà máy mới của Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ công suất 30.000 tấn sợi/năm tại Khu công nghiệp Trảng Bàng 3 (tỉnh Tây Ninh).

Là doanh nghiệp dệt sợi lớn tại phía Bắc, Công ty cổ phần Damsan cũng đang phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu Trung Quốc. Riêng năm 2017, Damsan đạt doanh thu xuất khẩu 42,3 triệu USD, trong đó 100% sản phẩm sợi của Công ty được xuất sang Trung Quốc. Chính vì vậy, doanh nghiệp này ý thức rõ những rủi ro khi hoạt động xuất khẩu bị phụ thuộc hoàn toàn vào một thị trường.

Đại diện Damsan thừa nhận, việc tìm kiếm thị trường mới để đa dạng thị trường xuất khẩu sợi, dệt vẫn là điều khó khăn rất lớn với doanh nghiệp. Năm 2018, Damsan dự kiến doanh thu xuất khẩu chỉ ở mức 40 triệu USD, giảm khoảng 2,3 triệu USD so với kết quả năm 2017.

Xuất khẩu sợi nghẽn vì thuế chống bán phá giá
Nhiều nước đã áp thuế chống bán phá giá lên các sản phẩm sợi của Việt Nam, khiến thị trường xuất khẩu bị thu hẹp.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư