Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ
Dòng vốn FDI từ Mỹ hé mở những cơ hội mới
Hà Nguyễn - 29/05/2017 08:27
 
Dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam thời gian qua vẫn còn khiêm tốn, nhưng nhiều cơ hội mới đang hé mở, hứa hẹn một “chương mới” trong quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước.

“Ngọt ngào” những cam kết cũ

Một sự tình cờ thú vị, ngay trước chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (từ ngày 29 đến 31/5), thì Jabil Circuit, Inc. (tên giao dịch trên sàn chứng khoán New York là JBL), một tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, đã chính thức động thổ xây dựng khu sản xuất mới tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP).

Jabil bắt đầu hoạt động tại SHTP từ tháng 9/2007, chuyên sản xuất thiết bị điện tử và thiết bị dùng cho công nghệ thông tin, viễn thông, với vốn đầu tư ban đầu chỉ 30 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2011, Jabil đã quyết định nâng vốn đầu tư lên 100 triệu USD.

Nhà máy của Intel Việt Nam tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn
Nhà máy của Intel Việt Nam tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Đến năm 2015, Jabil đã một lần nữa tuyên bố mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Theo biên bản ghi nhớ đã được ký kết, Jabil dự kiến đầu tư thêm 500 triệu USD để mở rộng sản xuất tại Việt Nam, với một cơ sở rộng hơn 93.000 m2. Việc động thổ xây dựng cơ sở sản xuất mới vào cuối tuần qua chính là một bước để Jabil từng bước hiện thực hóa cam kết mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Quan trọng hơn, Jabil đầu tư vào công nghệ cao - lĩnh vực mà Việt Nam luôn khuyến khích đầu tư.

“Từ khi bắt đầu hoạt động ở Việt Nam, trong 10 năm qua, chúng tôi luôn có một quỹ đạo tăng trưởng nhất quán. Hiện nay, chúng tôi hoạt động với công suất tối đa và việc mở rộng này là trọng tâm trong chiến lược tăng trưởng của chúng tôi. Không chỉ hướng đến tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai, việc mở rộng cơ sở sản xuất cũng thể hiện cam kết của chúng tôi đối với sự phát triển và đầu tư bền vững tại Việt Nam”, ông Vijay Chinnasami, Phó chủ tịch cấp cao Khối Dịch vụ sản xuất điện tử toàn cầu của Tập đoàn Jabil cho biết.

Jabil chỉ là một trong số rất nhiều nhà đầu tư Mỹ đã đến Việt Nam và cam kết ở lại lâu dài. Hồ Tràm Strip, một dự án đầu tư lớn của Mỹ, với vốn đăng ký lên tới 4,2 tỷ USD, cũng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các hạng mục đầu tư mới tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Intel cũng tương tự.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nhắc đến những cái tên như Intel, GE, Boeing, Coca-Cola, Nike, Microsoft, Citi Group, P&G, Metlife, UPS, Exxon Mobil... để nhấn mạnh những đóng góp to lớn của các nhà đầu tư Mỹ đối với quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam.

“Trong suy nghĩ của tôi, các nhà đầu tư, doanh nghiệp Mỹ chiếm vị trí quan trọng và đặc biệt, bởi họ mang trong mình tư duy Mỹ, phong cách Mỹ, giá trị Mỹ và nhất là tính dẫn đầu, hội tụ và lan tỏa mạnh mẽ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế tính đến ngày 20/5/2017, Mỹ có 838 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 10,2 tỷ USD. Mỹ hiện đứng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Hé mở những cơ hội mới

Thực tế, gần 3 thập kỷ qua, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã vượt qua những rào cản của lịch sử để đến Việt Nam. Tuy nhiên, để nhìn lại thì đầu tư của Mỹ tại Việt Nam còn rất khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng và mong muốn của hai nước, cho dù nhiều nhà đầu tư Mỹ từng tuyên bố rằng, họ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam. Thậm chí, con số đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ trong 5 tháng đầu năm nay chỉ là gần 96 triệu USD.

Không chỉ cam kết đầu tư chưa có nhiều khởi sắc, mà nhiều thông tin gần đây đã bày tỏ sự quan ngại rằng, vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng, nhất là sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư Mỹ quay về nước để đầu tư, thay vì mang vốn và việc làm ra nước ngoài. Bên cạnh đó, động thái tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng được coi là sẽ ảnh hưởng tới dòng vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam.

Nhưng thực tế, như thông tin vừa đề cập, Jabil vẫn quyết định thực hiện cam kết mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Hàng loạt doanh nghiệp Mỹ, từ Nike, Adidas, rồi Intel, Microchip… đều đã lên kế hoạch hoặc đang thực hiện kế hoạch dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam. Còn ExxonMobil, tập đoàn dầu khí lớn của Mỹ, theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, đã bắt đầu có những hoạt động đầu tiên để chuẩn bị cho việc triển khai dự án đưa khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ, với tổng vốn đầu tư đã được cam kết là khoảng 10 tỷ USD. Chỉ cần có thêm khoản vốn đầu tư này, thì FDI từ Mỹ vào Việt Nam sẽ tăng mạnh. Khi ấy thứ hạng của Mỹ trên “bảng tổng sắp” các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng.

Tại các cuộc hội thảo về chủ đề “Viễn cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2017 và những năm tiếp theo”, được tổ chức mới đây tại Hà Nội và TP.HCM, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ cũng vẫn khẳng định sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư vào Việt Nam. Có vẻ như, các nhà đầu tư Mỹ vẫn kiên định với các kế hoạch đầu tư ra nước ngoài, bất chấp các thay đổi trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump.

“Với việc Mỹ rút khỏi TPP, chúng ta cần phải tìm ra những cách thức mới mẻ và sáng tạo để giải quyết những vấn đề tiếp cận thị trường và một số thách thức khác mà các công ty Mỹ đang phải đối mặt tại Việt Nam. Chúng tôi đang nỗ lực không ngừng để tìm ra những phương pháp cụ thể nhằm tăng cường mối quan hệ đầu tư, thương mại song phương giữa hai nước, gồm cả triển vọng hiệp định thương mại song phương”, bà Tami Overby, Phó chủ tịch cao cấp của Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) nói.

Trong khi đó, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham tin tưởng rằng, xu hướng tăng trưởng trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam sẽ được tiếp tục và có thể được củng cố thêm. “AmCham ủng hộ con đường hướng tới hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Mỹ và Việt Nam. Điều này sẽ giúp tăng cường thương mại và đầu tư song phương, góp phần tạo ra các giá trị kinh tế và cơ hội việc làm cho nhân dân hai nước”.

Nền tảng cho một sự hợp tác hiệu quả và bền vững

Bình luận về chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ lên tầm cao mới.

Theo Bộ trưởng, việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á được Tổng thống Mỹ Donald Trump mời thăm nước Mỹ đã thể hiện mối quan tâm của chính quyền Donald Trump đối với mối quan hệ hợp tác với Việt Nam. “Đây cũng là cơ hội để chúng ta có thể thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư với Mỹ. Lần này, sẽ có 80 - 90 doanh nghiệp Việt Nam tháp tùng Thủ tướng sang thăm Mỹ, có thể sẽ có những thỏa thuận hợp tác mới được ký kết”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Dù TPP có gặp trở ngại, song Việt Nam vẫn kiên định với tiến trình đổi mới, hội nhập, phát triển nhanh, bền vững và vẫn mở rộng cửa đón chào các nhà đầu tư, doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam.

Thông tin cho biết, trong chuyến thăm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ hội đàm với Tổng thống Donald Trump, gặp gỡ một số nghị sĩ và bộ trưởng Mỹ, dự tọa đàm và gặp gỡ các doanh nghiệp Mỹ, phát biểu tại Quỹ Di sản, gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Mỹ… Trong đó, trọng tâm sẽ là cuộc hội đàm của hai nhà lãnh đạo, để trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới, đặc biệt trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại…

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Michael Kelly, Phó chủ tịch AmCham, đồng thời là Chủ tịch cấp cao, kiêm Tổng giám đốc Điều hành Hồ Tràm Strip cho biết, cộng đồng nhà đầu tư Mỹ đang rất trông chờ vào chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

“Tôi thấy, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện cam kết cải cách và hỗ trợ hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ. Đặc biệt, tôi còn nhận được cam kết mạnh mẽ rằng, sẽ có một sân chơi công bằng cho các dự án đầu tư của Mỹ tại Việt Nam. Đây chính là nền tảng quan trọng cho mối quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa hai bên”, ông Kelly nói và cho rằng, triển vọng tăng trưởng dài hạn của những dự án đầu tư của Mỹ có thể được nhấn mạnh thông qua những thành công cụ thể mà các nhóm đầu tư Mỹ tiên phong ở thị trường Việt Nam đang gặt hái được, trong đó có Dự án Hồ Tràm Strip.

“Chính các thế hệ nhà đầu tư này sẽ là tiếng nói đại diện phản ảnh với Chính phủ Mỹ về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam dành cho doanh nghiệp Mỹ như thế nào. Các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Mỹ, sẽ mạnh dạn đầu tư khi hoàn toàn tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng to lớn, vào cam kết của Chính phủ đối với việc duy trì sân chơi đầu tư công bằng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Kelly nhấn mạnh.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, dù TPP có gặp trở ngại, song Việt Nam vẫn kiên định với tiến trình đổi mới, hội nhập, phát triển nhanh, bền vững và vẫn mở rộng cửa đón chào các nhà đầu tư, doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam.

“Cánh cửa đi tới thành công đã mở, các cơ hội đã và đang dần hình thành, lối đi đã rõ, điều kiện đã đủ. Như vậy, không có lý do gì có thể ngăn cản các bạn và chúng tôi cùng hợp tác và thành công. Sự hiện diện và hòa hợp giữa văn hóa Mỹ, giá trị Mỹ với văn hóa Việt, giá trị Việt sẽ là nền móng vững chắc để chúng ta cùng nhau đi tới một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn”. Tháng 9 năm ngoái, khi lần đầu tiên tới thăm Mỹ trên cương vị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và phát biểu tại Hội thảo Xúc tiến đầu tư Mỹ tổ chức tại Washington, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh như vậy. Đến hôm nay, khẳng định này của Bộ trưởng vẫn còn nguyên giá trị.

Dự liệu dòng vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam
Với động thái mới đây của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump - sẽ rút khỏi TPP và “đe dọa” các doanh nghiệp Mỹ mang việc làm ra khỏi nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư