Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
EVN muốn đẩy nhanh thoái vốn
Thanh Hương - 06/06/2019 15:13
 
Nhiều kế hoạch thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được trình tới cơ quan hữu trách trong nỗ lực tạo dựng môi trường lành mạnh cho thị trường điện cạnh tranh toàn bộ vận hành.
EVN Genco3 đang triển khai các nội dung liên quan đến công tác quyết toán chi phí cổ phần hóa.
EVN Genco3 đang triển khai các nội dung liên quan đến công tác quyết toán chi phí cổ phần hóa.

Genco chờ thoái vốn

Trên sàn UpCOM, mã chứng khoán PGV của Tổng công ty Phát điện 3 (EVN Genco3) đang giao dịch ở mức chưa tới 11.000 đồng/cổ phiếu.

Mức giá cổ phiếu giao dịch như trên chưa bằng phân nửa so với mức giá khởi điểm chào bán khi tiến hành IPO lần đầu (ngày 9/2/2018) là 24.600 đồng/cổ phiếu, hay mức đấu giá trúng bình quân là 28.100 đồng/cổ phiếu, có thể thấy cổ phiếu EVN Genco3 nói riêng và ngành điện nói chung không thu hút được sự quan tâm của dư luận và nhà đầu tư, khác hẳn sự quan tâm và tầm quan trọng của sản phẩm mà doanh nghiệp đang cung cấp là điện.

Kết quả thực tế của phiên đấu giá và chào bán cổ phần của EVN Genco3 ra công chúng vào tháng 2/2018 cũng cho thấy, việc bán tiếp 36% vốn điều lệ của EVN Genco3 cho các đối tác chiến lược là không dễ thực hiện khi mà thời gian để chốt nhà đầu tư chiến lược sau IPO chỉ được phép 1 tháng là quá ngắn để nhà đầu tư tính toán, nghiên cứu. Nhất là khi “quy mô của EVN Genco3 là rất lớn và giá cũng không rẻ”, như nhận xét của một quan chức Bộ Công thương.

Không phải ngẫu nhiên mà cổ phiếu ngành điện nói chung không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Trong giải trình vấn đề giá điện trước Quốc hội cách đây ít ngày, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhắc tới câu chuyện lợi nhuận ngành điện tối thiểu là 3%, hay dù tăng giá điện thu được khoảng 20.000 tỷ đồng, nhưng ngành điện lại phải trả hết cho các chi phí nhiên liệu đầu vào, biến động tỷ giá…

Bên cạnh đó, việc tăng giá điện 8,36% đã gặp phải sự phản ứng mạnh của người dân, trong khi mức giá bình quân mới quanh 8 UScent/kWh vẫn còn thấp xa so với tính toán và khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) là cần phải ở mức 11-12 UScent/kWh.

Ở thời điểm hiện nay, EVN và EVN Genco3 đang triển khai các nội dung liên quan đến công tác quyết toán chi phí cổ phần hóa và bàn giao vốn, tài sản sang công ty cổ phần theo chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Dẫu vậy, với EVN Genco3, dù còn tới 99,19% vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhưng đơn vị này vẫn đang có kế hoạch thoái tiếp phần vốn góp của mình tại 3 công ty cổ phần là Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH), Điện Việt Lào, Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) theo quy định pháp luật hiện hành, hay cổ phần hóa Công ty Nhiệt điện Mông Dương và nghiên cứu các phương án phát hành tăng vốn điều lệ, giảm tỷ lệ sở hữu của EVN tại tổng công ty.

Vào cuối tháng 4/2019, EVN và EVN Genco 3 đã có tờ trình về phương thoái vốn/giảm tỷ lệ sở hữu của EVN tại EVN Genco3 xuống dưới mức chi phối theo yêu cầu của Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 5/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Không chỉ kiên định bán tiếp vốn nhà nước tại EVN Genco3, hai tổng công ty phát điện khác là EVN Genco1 và EVN Genco2 cũng đang tiếp tục các bước chuẩn bị cho kế hoạch cổ phần hóa.

Tuy nhiên, nguồn tin của Báo Đầu tư cũng cho hay, nhiều nội dung liên quan đến kế hoạch cổ phần hóa các tổng công ty phát điện này vẫn đang được Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét và chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Thặng dư cho ngân sách

Không chỉ thoái vốn nhà nước tại các tổng công ty phát điện để tạo nền tảng vận hành thị trường điện cạnh tranh, thời gian qua, EVN đã liên tục thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp được đầu tư giai đoạn trước.

Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2015, EVN đã hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1782/QĐ-TTg ngày 23/11/2012 với việc thoái vốn tại 100% doanh nghiệp không liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính của EVN và thu về hơn 2.341 tỷ đồng, thặng dư vốn 127 tỷ đồng.

Bước sang giai đoạn 2016 - 2020, ngoài việc chuyển EVN Genco3 sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/10/2018, EVN cũng đã thoái, giảm vốn tại 2 doanh nghiệp trong tổng số 6 doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn theo Quyết định số 852/QĐ-TTg, thu về hơn 296 tỷ đồng, cao hơn giá trị sổ sách gần 63 tỷ đồng.

Tập đoàn cũng đã hoàn thành đề án chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thành Công ty TNHH MTV và đã trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào cuối năm 2018.

Hiện có 5 doanh nghiệp đang được EVN tiến hành các công việc liên quan để thoái nốt vốn là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 và 4 (PECC3, PECC4), Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance), Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình (TBW), Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh - CTCP (EEMC).

Tuy vậy, một số chứng thư thẩm định giá liên quan đến thoái vốn của 5 doanh nghiệp này bị giới hạn về thời gian hiệu lực, trong khi các cơ quan chức năng vẫn chưa phê duyệt xong kế hoạch khiến doanh nghiệp đứng trước thực tế phải thuê tư vấn thẩm định giá lần 2, dẫn tới kéo dài thời gian và phát sinh thêm chi phí, thủ tục thực hiện thoái vốn.

Đó là chưa kể việc nghiên cứu của các cơ quan hữu trách thường cần nhiều thời gian, có phương án gần 5 tháng chưa có ý kiến cuối cùng.

EVN thoái xong vốn tại ABBank
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thoái xong toàn bộ vốn góp ban đầu của mình tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), phần còn lại là 8,67% là lợi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư