Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Gian lận trong kê khai hồ sơ năng lực, 3 nhà thầu bị "cấm cửa"
Anh Minh - 05/09/2017 08:29
 
Những hình phạt nghiêm khắc đã được dành cho 3 nhà thầu có hành vi gian lận trong quá trình đấu thầu hai dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư.
Âu tầu Lạch Chanh (xã Lợi Bình Nhơn, TP. Tân An, tỉnh Long An) một hạng mục của Dự án WB6.
Âu tầu Lạch Chanh (xã Lợi Bình Nhơn, TP. Tân An, tỉnh Long An) một hạng mục của Dự án WB6.

Gian lận trắng trợn

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có kết quả xác minh gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên quan thông tin do WB cung cấp về một số nhà thầu có hành vi gian lận đã bị xử lý tại 6 hợp đồng thuộc Dự án Phát triển GTVT khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (WB6) và Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long (WB5).

Bộ GTVT cho biết, trong quá trình kiểm tra hồ sơ và làm việc trực tiếp, lãnh đạo Công ty cổ phần Minh Anh; Công ty TNHH An Hòa và Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi - những cái tên bị Vụ Liêm chính (WB) chỉ đích danh đã phải thừa nhận hành vi gian lận, giả mạo hồ sơ năng lực khi tham gia đấu thầu một số gói thầu xây lắp tại 2 dự án: WB5 và WB6.

Cụ thể, ngoài việc “tự lùi” ngày thành lập (năm 2006 thành năm 2002), trong hồ sơ dự thầu, Công ty cổ phần Minh Anh đã nâng vống gấp đôi giá trị 2 hợp đồng và kê khống 1 hợp đồng có giá trị lên tới 183 tỷ đồng.

Nhờ chiêu thức gian lận năng lực kinh nghiệm này, Công ty Minh Anh đã trúng 1 hợp đồng xây lắp tại Dự án WB6, 3 hợp đồng tại Dự án WB5 với tổng giá trị hợp đồng lên tới 492 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty TNHH An Hòa kê khống 2 hợp đồng trong hồ sơ năng lực để có thể giành được 1 hợp đồng tại Dự án WB6; Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi kê khống 2 hợp đồng để trúng 1 hợp đồng tại Dự án WB6.

Ông Nguyễn Huy Thăng, Tổng giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy (đơn vị được giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư) cho biết, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu tại 6 hợp đồng nói trên, ông và các cán bộ không phát hiện được những bất thường trong hồ sơ dự thầu của 3 nhà thầu do sự giả mạo quá tinh vi và liều lĩnh.

Các hợp đồng này sau đó được trao cho Công ty Minh Anh, An Hòa, Thắng Lợi sau khi WB có thư không phản đối kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu.

Cho tới thời điểm này, chưa rõ vì sao WB lại phát hiện hành vi gian dối của 3 nhà thầu nói trên, nhưng hiện nhà tài trợ này đã áp dụng biện pháp cấm các công ty nêu trên và Tổng giám đốc Công ty An Hòa không được tham gia vào các dự án do WB tài trợ trong khoảng thời gian cụ thể như sau: 4 năm đối với Công ty Thắng Lợi (tính từ ngày 5/4/2016); 5 năm đối với Công ty An Hòa và Tổng giám đốc của Công ty An Hòa (tính từ ngày 26/7/2016) và 14 tháng đối với Công ty Minh Anh (tính từ ngày 12/10/2016).

Theo tài liệu hướng dẫn đấu thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp và các dịch vụ phi tư vấn sử dụng khoản vay của WB quy định tại Mục 1.16 về các hành vi Gian lận và Tham nhũng, trong đó xác định: “Hành vi gian lận là bất kỳ hành động trình bày sai sự thật hoặc bỏ qua sự thật, mà cố ý hay vô tình làm sai lệch, hoặc có chủ ý làm sai lệch một bên liên quan để có lợi về tài chính hoặc lợi ích khác, hoặc né tránh trách nhiệm”.

Các biện pháp trừng phạt đối với 3 nhà thầu này được WB công khai trên trang thông tin điện tử của nhà tài trợ trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12/2016.

Cần phải nói thêm rằng, theo thỏa thuận chung của Ngân hàng Phát triển châu Á  (ADB) và WB, những nhà thầu bị WB cấm thầu, thì cũng sẽ bị ADB áp dụng thời hạn cấm thầu tương tự. Trong thời hạn bị cấm thầu, những nhà thầu nằm trong danh sách bị cấm thầu của ADB và WB sẽ không được tham gia bất kỳ gói thầu/dự án nào sử dụng vốn vay của 2 nhà tài trợ này. Còn đối với cá nhân bị ADB và WB, trong thời hạn cấm thầu sẽ không được tham gia vào các dịch vụ, không được thuê, được tuyển dụng vào thực hiện các dịch vụ, công việc sử dụng tiền từ hai định chế tài chính này.

Xử lý nghiêm

Theo Bộ GTVT, thời điểm tổ chức lựa chọn nhà thầu 6 gói thầu nói trên được diễn ra vào năm 2012, 2013 và 2014. Do đó, theo quy định của Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11; Luật sửa đổi số 38/2009/QH12 ngày 29/6/2009 và Nghị định số 85/2009/NĐ - CP ngày 15/10/2009, 3 nhà thầu đã vi phạm các quy định tại khoản 2, Điều 12 của Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 là: “cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng”.

Dự án Phát triển cơ sở Hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long - Mekong Delta Transport Infrastructure Development Project - MDTIDP (Dự án WB5) có tổng mức đầu tư 312,02 triệu USD do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư, đại diện Chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án đường thủy nội địa phía Nam. Tư vấn thiết kế sơ bộ là Liên danh The Louis Berger Group Inc, (Mỹ) và Royal Haskoning (Hà Lan) lập, BCEOM (Pháp) thiết kế kỹ thuật và lập Hồ sơ mời thầu cho Dự án. Công ty DHV (Hà Lan) thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2 và giám sát thi công giai đoạn 1&2.

Dự án “Phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc bộ”  (WB6) đầu tư xây dựng hạ tầng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc trên phạm vi 14 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Bắc bộ, với tổng mức đầu tư 200 triệu USD, trong đó vốn vay của WB 170 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 30 triệu USD.

Chiểu theo quy định tại Nghị định số 85/2009/NĐ - CP ngày 15/10/2009, nếu vi phạm quy định trên, nhà thầu sẽ bị “cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 1 năm đến 3 năm”.

Như vậy, có thể thấy, thời hạn các nhà thầu chịu hình phạt cấm không được tham gia đấu thầu các dự án do WB tài trợ đều lớn hơn 12 tháng và dài hơn so với thời hạn được quy định tại Nghị định số 85/2009/NĐ - CP (1 năm đến 3 năm). Ngoài ra, WB đã áp dụng hình phạt cấm từ thời điểm năm 2016.

Về kết quả thực hiện các hợp đồng, theo báo cáo của Ban Quản lý các dự án đường thủy, các Công ty cổ phần Minh Anh, Công ty TNHH An Hòa, Công ty Thắng Lợi sau khi đã được trao hợp đồng các gói thầu thuộc dự án WB5, WB6 đã nỗ lực hoàn thành công việc; đáp ứng được tiến độ và chất lượng. Các công trình do các công ty thực hiện đã được nghiệm thu hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, việc áp dụng hình thức xử lý vi phạm bằng biện pháp cấm tham gia đấu thầu trong một khoảng thời gian là biện pháp cần thiết và phù hợp nhằm đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong công tác đấu thầu.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, đây là lỗi trực tiếp, cố ý của các nhà thầu, nên cần xử lý nghiêm để tạo sức răn đe và thực hiện đúng cam kết minh bạch, chống tham nhũng với nhà tài trợ.

“Do vậy, Bộ GTVT thống nhất với biện pháp xử lý như WB đã áp dụng, đồng thời sẽ tăng cường việc chấn chỉnh công tác lựa chọn nhà thầu do các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện, tăng cường việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhằm đảm bảo sự công bằng, minh bạch và hiệu quả của công tác đấu thầu”, Thứ trưởng Nhật cho biết.

Thẳng tay với hành vi gian dối tại Dự án cải tạo Quốc lộ 1A
Các chủ thể liên quan đến việc một số gói thầu (thuộc Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Thanh Hóa) bị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư