Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hà Nội thu hút đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh của Nhật Bản
Thu Trang - 23/03/2018 16:04
 
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cho biết, Thành phố sẽ thu hút FDI theo định hướng chọn lọc, khuyến khích các dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng... Đây cũng là thế mạnh của các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.

Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa của Hội nghị Trao đổi, hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa TP. Hà Nội và Nhật Bản?

Hội nghị Trao đổi, hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa TP. Hà Nội và Nhật Bản được tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Đây là cơ hội để Hà Nội giới thiệu môi trường đầu tư; thúc đẩy, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản vào Hà Nội cũng như hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội.

Đây cũng là dịp để Hà Nội tìm kiếm các nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực để đầu tư các dự án tại Hà Nội, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Hội nghị sẽ góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả; tăng cường sự hiểu biết giữa hai dân tộc và đẩy mạnh hợp tác sâu rộng giữa các địa phương.

Định hướng thu hút đầu tư nói chung và đầu tư từ Nhật Bản nói riêng của TP. Hà Nội trong thời gian tới sẽ tập trung vào những lĩnh vực gì, thưa ông?

Hà Nội định hướng thu hút FDI một cách có chọn lọc, tập trung vào các dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao từ các tập đoàn quy mô lớn, xuyên quốc gia; khuyến khích các dự án công nghiệp hỗ trợ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ tài chính, ngân hàng… nhằm huy động có hiệu quả nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô theo mô hình tăng trưởng bền vững.

Đối với Nhật Bản, Hà Nội mong muốn thu hút đầu tư trong những lĩnh vực thế mạnh của Nhật Bản như: công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, giải pháp công nghệ thông tin, môi trường, nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao; tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ mới, kinh nghiệm và công nghệ quản lý trong phát triển đô thị thông minh...

TP. Hà Nội có những giải pháp gì để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, tạo động lực thúc đẩy, thu hút đầu tư từ Nhật Bản?

Xác định nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công các mục tiêu, định hướng phát triển của Thành phố, năm 2018, Hà Nội đưa ra 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là các dự án trọng điểm; xây dựng và từng bước hình thành các điều kiện để phát triển thành phố thông minh; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...

Chính quyền TP. Hà Nội cam kết đồng hành, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh hướng đến các chuẩn mực quốc tế, nâng cao các chỉ số môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh để luôn là địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là những doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.

Được biết, Hà Nội rất quan tâm hỗ trợ các dự án khởi nghiệp. Thành phố có những chính sách gì để thu hút các nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng tham gia vào các dự án khởi nghiệp trên địa bàn?

Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ và thu hút đầu tư vào các dự án khởi nghiệp, như: cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, thông thoáng; hỗ trợ mặt bằng, không gian khởi nghiệp, tiếp cận tín dụng; bố trí kinh phí để đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.

Đồng thời, Thành phố cũng tích cực xây dựng, phát triển và kết nối mạng lưới các tổ chức kinh doanh, vườn ươm doanh nghiệp theo hình thức đối tác công - tư với sự tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Hy vọng rằng, với những nỗ lực của chính quyền Thành phố, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, tham gia vào các dự án khởi nghiệp trên địa bàn, thông qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến ngày 20/12/2017, Nhật Bản là quốc gia đứng vị trí thứ hai về đầu tư FDI vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 49,46 tỷ USD.
Nhật Bản cũng là quốc gia đứng thứ 2 về đầu tư FDI vào Hà Nội với 950 dự án đăng ký và còn hiệu lực hoạt động, tổng vốn đầu tư khoảng 5,4 tỷ USD.
Trong đó, một số dự án tiêu biểu đã và đang được thực hiện tại Hà Nội là: Khu công nghiệp Thăng Long; Dự án của Công ty TNHH Canon Việt Nam; Dự án Khu thương mại, dịch vụ cộng đồng, triển lãm Aeonmall Himlam của Công ty cổ phần Đầu tư Him Lam liên doanh với Công ty TNHH Aeonmall (Nhật Bản) có vốn đầu tư 200 triệu USD; Dự án Trung tâm thương mại Aeonmall Hà Đông có tổng vốn đăng ký 192,5 triệu USD...
Năm 2017, Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) cũng đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển xây dựng Dự án Thành phố thông minh hiện đại tại khu vực tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.
Hà Nội thành lập "đội đặc nhiệm" hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã vừa ký quyết định thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư