Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hối hả lo đảm bảo năng lượng
Thanh Hương - 06/05/2017 19:28
 
Với thực tế nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng rất nhanh trong 15 năm qua (bình quân tăng 9,5%/năm) và được dự báo còn tiếp tục tăng khá cao trong 15 năm tới, câu chuyện lo đảm bảo năng lượng, cụ thể là đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục được đặt ra cấp bách.

Đã phải nhập khẩu năng lượng

Theo Bộ Công thương, nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam tăng bình quân 13%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010 và 11%/năm trong các năm từ 2011 đến 2016. Đáng nói là, năng lượng không phải chạy theo để đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội, mà phải đi trước một bước để đảm bảo nguồn cấp điện ổn định.

.
Giá bán lẻ điện hiện tại cũng được cho là khó khuyến khích phát triển các dạng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.

Ông Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực việt Nam (EVN) cho hay, tiêu thụ điện ở Việt Nam hiện bình quân 1.700 kWh/người/năm, trong khi bình quân của thế giới là 3.500 kWh/người/năm. Tới năm 2030, khi Việt Nam đạt mức tiêu thụ 506 tỷ kWh thì tính ra mới bằng mức trung bình của thế giới ở thời điểm hiện nay. Bởi vậy, nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam là rất lớn và việc phát triển các nguồn năng lượng là tất yếu.

Tuy vậy, “Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong lĩnh vực năng lượng như nhu cầu năng lượng tăng trưởng cao gây áp lực rất lớn đến việc đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời cũng tạo sức ép lớn cho nền kinh tế Việt Nam về vốn đầu tư cho ngành năng lượng. Để đảm bảo an ninh năng lượng, chúng ta đang chuyển từ một nước xuất khẩu năng lượng thành một nước nhập khẩu năng lượng, dự kiến nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than, chiếm 31% nhu cầu than cho phát điện vào năm 2020”, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận xét.

Cũng theo ông Vượng, để đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững trong thời gian tới, trong bối cảnh các nguồn thủy điện lớn đã cơ bản khai thác hết, dự án điện hạt nhân đã tạm dừng triển khai, năng lượng tái tạo dù có tiềm năng nhưng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu nguồn điện, nguồn khí cho phát triển điện khí cũng sẽ suy giảm và dự kiến nhập khẩu khí hóa lỏng để phát điện từ năm 2023, câu chuyện tiếp tục phát triển nhiệt điện than là tất yếu.

Dẫu vậy, ông Vượng cũng khẳng định, sẽ không phát triển nhiệt điện than bằng mọi giá, mà phải gắn với bảo vệ môi trường trên cơ sở lựa chọn những công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Bỏ ngỏ giá điện thị trường

Cho rằng, giá năng lượng đang do Nhà nước quy định mang tính hành chính và thấp hơn giá thị trường hiện tại, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn phân tích, giá điện hiện nay đang khuyến khích tiêu dùng năng lượng lãng phí, khuyến khích các ngành sử dụng công nghệ thấp, gây ô nhiễm và khuyến khích tận khai các nguồn năng lượng rẻ, hủy hoại tài nguyên và môi trường như thủy điện, than.

“Việc tách rời sản xuất và tiêu thụ năng lượng hiện nay đang không khuyến khích tiết kiệm năng lượng và tạo ra phát triển nền kinh tế “thiếu hụt” năng lượng”, ông Thiên nói. Đồng thời, ông Thiên nhấn mạnh rằng, Việt Nam đang trở thành mảnh đất hấp dẫn đầu tư các dự án sản xuất tiêu tốn điện, công nghệ thấp và sẽ không thể vươn lên đẳng cấp cao với cách tiếp cận chiến lược năng lượng như vậy.

Giá bán lẻ điện hiện tại cũng được cho là khó khuyến khích phát triển các dạng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Hiện giá bán lẻ điện bình quân cho tiêu thụ đang áp dụng là 7,3 UScent/kWh. Trong khi đó, điện mặt trời với giá bán tại nguồn vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tương đương với 9,35 UScent/kWh, tức là phải bù lỗ 2 UScent/kWh (nếu tính cả phí truyền tải và phân phối thì phải thêm 30% và giá điện mặt trời có thể lên tới 11-12 UScent/kWh). Điện gió có giá mua trên bờ là 7,8 UScent/kWh (dự án thí điểm ở ngoài biển là 9,8 UScent/kWh), cũng cao hơn giá bán lẻ điện.

Theo tính toán của EVN, với cơ cấu nguồn điện sẽ phát triển như kế hoạch hiện nay đã được phê duyệt, tới năm 2020 sẽ phải trả bù thêm cho việc phát triển năng lượng tái tạo như dự kiến là 3.706 tỷ đồng chênh lệch. Năm 2030, mức chênh lệch này lên tới 46.000 tỷ đồng và tới năm 2050 là hơn 230.000 tỷ đồng (tính theo giá điện hiện nay).

Dự án năng lượng sạch: Tiến độ chậm do nút thắt về giá
Nhiều kế hoạch đầu tư vào năng lượng sạch đã được công bố hoặc ký kết với quy mô hàng tỷ USD, nhưng tiến triển rất chậm bởi nút thắt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư