Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 05 tháng 12 năm 2024,
Lời nhắc của người đứng đầu Chính phủ
Bảo Duy - 02/03/2018 07:41
 
Bài học từ khủng khoảng tài chính - kinh tế thế giới 2008 và những tác động tới kinh tế Việt Nam cách đây 10 năm vừa được nhắc lại với nhiều hàm ý.

Người nhắc đến là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong bài viết về tình hình kinh tế vĩ mô thời gian qua, những bài học kinh nghiệm và quan điểm chủ đạo về điều hành trong thời gian tới của Chính phủ.

Việc hoàn thành tốt các chỉ số kinh tế vĩ mô của nền kinh tế năm 2017, sự trở lại của niềm tin kinh doanh thông qua các dòng vốn hào hứng đổ vào thị trường chứng khoán, vào kế hoạch đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang đặt nền kinh tế Việt Nam vào bệ phóng tăng trưởng khá vững, nhưng chưa đủ để người đứng đầu Chính phủ an tâm.

.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Tất nhiên, khác với 10 năm trước, sự tăng trưởng của các dòng vốn đi cùng bước thăng hạng đáng kể về năng lực cạnh tranh quốc gia, về môi trường kinh doanh trên các bảng xếp hạng toàn cầu, các nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất của nền kinh tế.

Song, những khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bất ổn vĩ mô trong năm 2018 không hề khó gọi tên.

Đó là rủi ro lạm phát trước sự biến động về giá năng lượng, hàng hóa cơ bản trên thế giới, sức ép của thực hiện lộ trình thị trường hóa giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế và những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng thông qua các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ.

Đó là nhu cầu chi đầu tư phát triển rất lớn trong khi nguồn lực nội tại còn hạn hẹp; nguồn lực bên ngoài biến động do phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, chủ quan.

Đặc biệt, tính ổn định, bền vững và khả năng chống chịu của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực, của cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động phức tạp, khó lường, cạnh tranh ngày càng gay gắt dưới tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0.  

Trong lúc này, những động thái đề xuất chính sách đủ mạnh để hóa giải thách thức, tận dụng cơ hội chưa nhiều. Những khó khăn về ngân sách dường như vẫn chưa đủ để tạo áp lực cho kỷ luật tài khóa. Các đề xuất cắt giảm chi phí kinh doanh còn thiếu liên thông với các phương án tăng thu… Việc tận dụng cơ hội từ bước hội nhập sâu của nền kinh tế, từ việc gỡ bỏ các hàng rào thuế quan của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mới chỉ tập trung ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ đã buộc phải nhắc tới thực tiễn nhiều bộ, ngành, cơ quan chức năng còn thiếu nguồn nhân lực có chất lượng thực hiện nhiệm vụ hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, dẫn đến một số cơ chế chính sách chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu, mới ban hành đã phải sửa đổi, hoàn thiện.

Phải thẳng thắn, đây chính là những tồn tại mà 10 năm trước, nền kinh tế Việt Nam chưa xử lý được khi các dấu hiệu khủng hoảng tài chính thế giới lan rộng, bắt đầu tác động tới Việt Nam. Hệ quả là nền kinh tế, các doanh nghiệp đã mất một giai đoạn khá dài vùng vẫy trong cơn bão, nhiều doanh nghiệp đã không thể trụ lại.

Điều này lý giải sự cẩn trọng, kỷ cương trong điều hành kinh tế vĩ mô, thắt chặt kỷ luật hành chính, sự quyết liệt trong thực thi các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp… mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra ngay từ đầu năm. Khi điều hành kinh tế vĩ mô hướng đến sự phát triển của các nền tảng cơ bản, đến cộng đồng doanh nghiệp, đến người dân, đến những con số tăng trưởng, thì mỗi bước đi của nền kinh tế sẽ thêm vững chắc.

Kinh tế Việt Nam: Thế và lực đã vững vàng hơn để phát triển nhanh, bền vững
Hai mục tiêu có vẻ mâu thuẫn là phát triển nhanh và bền vững mà nền kinh tế Việt Nam muốn đạt tới đang có dư địa lớn, khi khu vực kinh tế tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư