Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Vụ Nicotex: Có hóa chất vượt 14.000 lần cho phép?
Sĩ Chức - 19/09/2013 12:03
 
Trong khi cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận về việc có hay không mối liên hệ giữa tình trạng sức khỏe của người dân các xã quanh khu vực CTCP Nicotex Thanh Thái với việc Công ty này chôn hóa chất hay không, thì người dân đã chủ động đưa mẫu đất, nước trong vùng có nghi chôn thuốc trừ sâu đi kiểm nghiệm và kết quả khiến bà con càng thêm lo ngại.

Trao đổi với Phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Lê Hữu Uyển, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, phát ngôn viên của Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, theo phản ánh của các cơ quan báo chí, Sở Y tế Thanh Hóa đã thành lập đoàn kiểm tra khảo sát có đầy đủ các thành phần nghiệp vụ chuyên môn, do một phó giám đốc Sở làm trưởng đoàn, các thành phần bác sỹ tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, các trung tâm y tế của hai huyện Cẩm Thủy và Yên Định cùng phối hợp với các trung tâm y tế cấp xã.

Ông Lê Hữu Uyển, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, phát ngôn viên
Sở Y tế Thanh Hóa

Ông Uyển cho biết, trước mắt đoàn khảo sát mới đánh giá được sơ bộ, theo phương án chọn mẫu và sàng lọc.

Đó là việc khảo sát lại từ những con số nổi cộm trong thống kê của các xã và khảo sát tại những thôn gần khu vực sản xuất của Nicotex Thanh Thái.

Cụ thể, tại 10 thôn thuộc xã Yên Lâm, đoàn khảo sát đã tiến hành làm việc với một số thôn như: Thắng Long, Hành Chính và Cao Khánh là những thôn thuộc xã Yên Lâm nằm sát khu nhà xưởng của Công ty CP Nicotex Thanh Thái nhất và thêm hai thôn Phong Mỹ 1, 2 là nơi có con số thống kê tỷ lệ người mắc bệnh ung thư cao nhất.

Phát ngôn viên Sở Y tế Thanh Hóa cho biết thêm, trong 77 trường hợp mắc bệnh ung thư tại các thôn này theo báo cáo, Đoàn đã điều tra được 63 trường hợp, hiện 54 người đã chết, 9 người còn sống và chỉ thu thập được hồ sơ bệnh án của 10 người, (còn 53 người không còn lại hồ sơ).

Trưởng phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế Thanh Hóa cũng cho rằng, cuộc khảo sát này không thể kết luận được mối liên quan giữa người bệnh và vụ nicotex (không nắm được có phải do nguồn nước, không khí ở đây hay không).

“Để đánh giá chính xác nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh ung thư tại đây phải có cuộc điều tra và nghiên cứu chuyên sâu, đồng nghĩa với các ngành chức năng của Trung ương phải có cuộc khảo sát, điều tra và nghiên cứu”, ông Uyển nói.

Xã Yên Lâm (huyện Yên Định) đã chủ động khảo sát, rà soát tình hình sức khỏe của người dân khi lo ngại
ảnh hưởng của việc CTCP Nicotex Thanh Thái chôn ngầm hóa chất

Hiện nay, Sở Y tế Thanh Hóa đã chỉ đạo cho các trung tâm y tế tại hai huyện Cẩm Thủy và Yên Định phối hợp với các đơn vị có liên quan, tiếp tục khảo sát, điều tra để cuối tháng 9/2013 này có con số cụ thể, làm cơ sở đánh giá, so sánh một cách khoa học.

“Trong quá trình khảo sát, Đoàn sẽ đưa ra những lời tư vấn để đảm bảo an toàn cho người dân, phòng chống bệnh. Nếu gia đình nào có yêu cầu khám bệnh, thì Đoàn cũng sẵn sàng khám miễn phí”, ông Uyển khẳng định.

Đáng nói là, trong khi các ban, ngành chức năng vẫn đang tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc và chưa đưa ra được những thông tin chính thống nào thì ở một diễn biến khác, Báo điện tử Dân trí thông tin, ngày 17/9, người dân các địa phương quanh khu vực công ty CP Nicotex Thanh Thái đã tự lấy mẫu đất, nước trong vùng nghi có chôn thuốc trừ sâu gửi đi phân tích và đã có kết quả.

Theo kết quả kiểm nghiệm từ Viện Công nghệ môi trường - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Hà Nội), được Thạc sỹ Lê Quốc Khanh - Giám đốc công ty máy và thiết bị công nghiệp hóa chất môi trường MECIE - phân tích, các chất Fenobucarb, Iprobenfo Chlorpyrifos, Butachlor, Isoprothiolane và Cypermethrin tìm thấy trên các mẫu kiểm nghiệm đều là hóa chất bảo vệ thực vật. Fenobucarb được sử dụng như một loại thuốc trừ sâu nông nghiệp trên lúa và bông, được xem là một chất độc gây hại cao. Fenobucarb là chất độc cấp tính và bán cấp tính, ảnh hưởng tới men cholinesterase ở não, rất độc hại cho con người.

Khi nhiễm độc Fenobucarb với liều lượng ít có thể nhận thấy một số dấu hiệu như: mệt mỏi, yếu cơ, chóng mặt, đổ mồ hôi, đau đầu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, hệ thống thần kinh trung ương và phù phổi… còn khi bị nhiễm với liều lượng cao có thể là nguyên nhân dẫn đến tử vong.

Kết quả kiểm nghiệm còn cho thấy Fenobucarb ở 4 mẫu phân tích có nồng độ khác nhau và dao động trong khoảng 0,014 - 742. Trong đó có mẫu, nồng độ Fenobucarb cao nhất, vượt tiêu chuẩn cho phép tới 14.837 lần.

Nồng độ Fenobucarb trong 2 mẫu CT1 (vỏ bao bì chôn tại khu vực xử lý nước thải) và mẫu C4 (đất ở hố chôn chất thải tại nhà thay quần áo) vượt tiêu chuẩn cho phép là 35,7 và 85,4 lần.

Mẫu CT4 có nồng độ Iprobenfos là 1,04 mg/kg. Nồng độ Chlorpyrifos trong 4 mẫu phân tích dao động trong khoảng 0,006 - 129 mg/kg. Trong đó nồng độ Chlorpyrifos trong mẫu CT2 là cao nhất. Chlorpyrifos là chất độc hại đối với con người. Ngộ độc Chlorpyrifos sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, nói líu lưỡi, mất phản xạ, suy nhược, mệt mỏi, co thắt cơ không tự chủ, co giật và cuối cùng tê liệt tứ chi và các cơ hô hấp.

Nồng độ Isoprothiolane ở 2 mẫu CT1 và C4 vượt giới hạn cho phép lần lượt là 51,5 và 7,3 lần. Isoprothiolane là chất diệt nấm, có ảnh hưởng đến động vật có vú và côn trùng. Thuốc diệt nấm này có tác dụng phụ đối với con người dẫn đến kích ứng mắt, tổn thương mắt nặng và nhiễm độc cấp tính nghiêm trọng.

Cypermethrin có nồng độ trong 4 mẫu phân tích dao động từ 0,46 - 516 mg/kg và đều vượt giới hạn cho phép trong QCVN. Trong đó nồng độ Cypermethrin cao nhất là ở mẫu CT1 (vượt tiêu chuẩn cho phép 5.162 lần).

Nồng độ Cypermethrin trong mẫu CT3 và C2 vượt quy chuẩn cho phép lần lượt là 52,9 và 868 lần. Cypermethrin có thể gây kích ứng da và mắt nếu con người tiếp xúc với nó. Khi Cypermethrin tiếp xúc với da thì có cảm giác tê, rát hoặc ngứa ran ở vị trí tiếp xúc…

Đến nay, chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra rà soát và điều tra về những thiệt hại của người nông dân các địa phương xung quanh khu vực công ty CP Nicotex Thanh Thái.

Dù cần được cơ quan chức năng sớm có kết luận chính thức về kết quả kiểm nghiệm này, nhưng với những gì người dân phát hiện và kết quả bước đầu các mẫu phân tích, người dân ở đây không khỏi lo lắng, hoang mang.

Sở Y tế Thanh Hóa thanh tra khu vực nghi nhiễm độc
Đó là thông tin mà ông Hoàng Sỹ Bình, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết trong cuộc trao đổi với Phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư