Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 05 năm 2024,
Muốn nâng tỷ lệ nhuộm lên 100%, Eclat Fabrics Việt Nam đang quá tham vọng?
Thế Hoàng - 01/04/2018 09:35
 
Công ty Eclat Fabrics Việt Nam vẫn theo đuổi tham vọng xin nâng tỷ lệ nhuộm từ 10% lên 100%, dẫu lĩnh vực nhuộm lọt vào danh sách ngành nghề tạm thời không cho phép đầu tư, do có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Lo ngại nước thải từ nhuộm

Sau khi gửi văn bản tới Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về việc xin nâng tỷ lệ nhuộm lên 100%, đầu tháng 3/2018, Công ty TNHH Eclat Fabrics Việt Nam (EFV - doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan) đã nhận được văn bản trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ quan ngại, việc điều chỉnh nâng tỷ lệ nhuộm từ 10% lên 100% công suất các sản phẩm dệt may của Công ty EFV sẽ làm gia tăng lượng nước thải phát sinh và tăng tác động xấu đến môi trường. Đồng thời chỉ đạo Công ty EFV phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.

.
Việc điều chỉnh nâng tỷ lệ nhuộm từ 10% lên 100% công suất các sản phẩm dệt may của Công ty EFV sẽ làm gia tăng lượng nước thải phát sinh và tăng tác động xấu đến môi trường.

Không chỉ dừng lại ở việc yêu cầu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình các cơ quan có thẩm quyền, Công văn do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân ký còn nêu rõ, do Công ty EFV nằm trong Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2, có vị trí xả thải nằm trên lưu vực sông Thị Vải, do đó, Công ty EFV phải thống nhất với Công ty TNHH Phát triển quốc tế Formosa (đơn vị chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2) về việc điều chỉnh tỷ lệ dệt nhuộm đối với Dự án, phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu tại Công văn số 2810/BTNMT-TCMT và Công văn số 5214/BTNMT-TCMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trước đó, tại Công văn 12096/VPCP-KGVX ngày 13/11/2017 của Văn phòng Chính phủ về bảo vệ môi trường với lưu vực sông Thị Vải, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng ý với quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đầu tư một số loại hình công nghiệp trên lưu vực sông Thị Vải.

Theo đó, các dự án đầu tư thuộc loại hình dệt nhuộm phải là các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ có công đoạn nhuộm và dệt có công đoạn nhuộm (không cho phép thu hút đầu tư dự án chuyên gia công nhuộm); chỉ được phép đầu tư vào trong khu công nghiệp; nước thải phát sinh phải được xử lý sơ bộ và đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp để xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.

EFV không phải là doanh nghiệp duy nhất bị từ chối

EFV thuộc Tập đoàn Eclat Textile Đài Loan, đầu tư tại Việt Nam từ năm 2007, chuyên sản xuất các loại vải dệt kim thời trang, vải thể thao, vải may quần áo cao cấp, vải kỹ thuật đa chức năng có tác dụng chống tia tử ngoại cho các thương hiệu lớn như Nike, Adidas, Lululemon…

Bộ Tài nguyên và Môi trường quan ngại, việc nâng tỷ lệ nhuộm từ 10% lên 100% của Công ty EFV sẽ làm tăng lượng nước thải phát sinh, tác động xấu đến môi trường. 

Dự án Nhà máy dệt kim tại KCN Mỹ Xuân A2, huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) của EFV có tổng vốn 40 triệu USD, được cấp phép lần đầu năm 2007, chứng nhận thay đổi lần 3 vào năm 2012, công suất 6.000 tấn vải/năm, tỷ lệ nhuộm 10% sản phẩm (tương đương 600 tấn/năm). 100% sản phẩm của EFV được xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ.

Các công đoạn sản xuất của EFV bao gồm: dệt vải, nhuộm màu, xử lý định hình và hoàn tất vải. Đây là những công đoạn nằm giữa chuỗi cung ứng sản xuất của ngành dệt may.

Trong các công văn xin điều chỉnh công suất nhuộm, ông Hung Cheng-Hai, Tổng giám đốc EFV đều khẳng định, việc hoạt động nhuộm với tỷ lệ 10% công suất các sản phẩm dệt như hiện tại đang gây nhiều trở ngại cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.

“EFV đã nhiều lần gửi đơn đến cơ quan chức năng xin nâng tỷ lệ nhuộm lên 100%, nhưng do quan ngại về bảo vệ môi trường, nhất là với ngành dệt nhuộm, nên nguyện vọng của Công ty vẫn chưa được chấp thuận”, ông Hung Cheng-Hai cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, trong suốt thời gian qua, việc xin nâng tỷ lệ nhuộm của nhà đầu tư này đã hơn một lần nhận cái lắc đầu từ các cơ quan có thẩm quyền, cũng bởi lý do lo ngại về vấn đề môi trường trong dệt nhuộm.

Gần đây nhất, cuối năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 10576/BKHĐT-QLKKT gửi Công ty EFV, phúc đáp Văn bản số 13239/VPCP-ĐMDM ngày 12/12/2017 của Văn phòng Chính phủ liên quan đến đề xuất xin nâng tỷ lệ nhuộm từ 10% lên 100% của EFV với quan điểm rõ ràng là không chấp thuận đề xuất làm nhuộm 100% của EFV theo đúng chủ trương của Chính phủ tại Văn bản số 3533/BTNMT-BVMT ngày 21/8/2006, tạm thời không cho phép đầu tư thêm 5 loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên sông Thị Vải, gồm chế biến tinh bột sắn, chế biến mủ cao su, sản xuất hóa chất cơ bản, nhuộm, thuộc da.

EFV không phải là doanh nghiệp FDI duy nhất đang muốn nới tỷ lệ nhuộm trong Dự án đầu tư tại Việt Nam.

Tập đoàn TAL (Hồng Kông) cũng muốn đầu tư dự án nhà máy dệt nhuộm 350 triệu USD tại KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, tỉnh Vĩnh Phúc chưa có văn bản chấp thuận đầu tư cho dự án là do liên quan đến những lo ngại về nguồn gốc nước cấp cho dự án không bảo đảm công suất; nước thải từ dự án có nguy cơ gây sự cố môi trường.

Eclat Fabrics Việt Nam bị từ chối nâng tỷ lệ nhuộm tại Dự án dệt kim lên 100%
Việc kiến nghị Chính phủ và các ngành chức năng để nâng tỷ lệ nhuộm từ 10% lên 100% tại Dự án Nhà máy dệt kim trong Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư